Như Dân Việt đã thông tin: Chiều 2/8, Công an Đồng Nai cho biết đang củng cố hồ sơ xử lý cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke cho tiếp viên nhảy múa khiêu dâm.
Theo điều tra ban đầu, vài ngày trước Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an tỉnh Đồng Nai tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke Thụy Dương (phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa). Cơ sở này do ông Trần Hồng Phong làm chủ.
Qua kiểm tra, công an đã phát hiện tại phòng số 9 của cơ sở có 2 tiếp viên nữ tên N.T.M.T (SN 1998) và N.T.K.T (SN 1997, cùng ngụ tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) đang thoát y, nhảy múa khiêu dâm.
Thời điểm này trong phòng cũng có 2 khách nam là K.V.T và N.H.T (cùng ngụ tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đang vui chơi hào hứng cùng các tiếp viên. Qua làm việc với công an, 2 nữ tiếp viên khai nhận đã thoả thuận nhảy múa thoát y, khiêu dâm phục vụ khách vui chơi với giá 900.000 đồng mỗi người.
Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội đã lập hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật.
Như Dân Việt đã thông tin: Trong cuộc họp báo do Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) tỉnh Ninh Thuận tổ chức chiều 2/8, ông Bùi Văn Kỳ, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Ninh Thuận đã nói về sai sót trong thực hiện quy trình xét nghiệm máu dẫn đến kết quả sai nồng độ cồn của nữ sinh tử nạn.
Theo ông Bùi Văn Kỳ, kết quả xét nghiệm nồng độ cồn của nữ sinh lớp 12 bị tử vong do tai nạn giao thông đã bị hủy bỏ trong hồ sơ, sắp tới Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh Ninh Thuận và xử lý những cá nhân vi phạm.
Ông Bùi Văn Kỳ cho biết, cả Sở Y tế rất đau lòng, lấy làm tiếc khi sự việc sai sót xảy ra trong thời điểm này và rơi vào gia đình nạn nhân. Ông Kỳ cũng bày tỏ lời xin lỗi và mong gia đình nạn nhân tha thứ, bỏ qua...
"Chúng tôi thấy thực sự đau lòng trước hoàn cảnh gia đình của anh Hùng và cháu Hoàng Anh, đây là một sự việc đau buồn do tai nạn giao thông...", ông Ký nói.
Ông Bùi Văn Kỳ cũng đã khẳng định lại kết quả nồng độ cồn mà Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận đưa ra trước đó là sai vì trên cơ sở một quy trình sai và kết quả này không còn ý nghĩa, đã hủy trong hồ sơ...
Clip: Ông Bùi Văn Kỳ, Phó Giám đốc Sở Y tế nói về sai sót trong xét nghiệm liên quan đến vụ nữ sinh bị TNGT tử vong. Thực hiện: Bùi Phụ - Đức Cường
Tại cuộc họp, ông Hồ Hoàng Hùng, cha nạn nhân đã bày tỏ sự cảm ơn đến các cơ quan báo chí, các cơ quan chức năng tỉnh Ninh Thuận đã đồng cảm, chia sẻ với gia đình ông.
Ông Hùng cũng mong muốn sự việc sớm điều tra làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật để con ông được thanh thản.
Tại buổi họp báo, thượng tá Hà Công Sơn, Phó trưởng Công an TP.Phan Rang-Tháp Chàm cho biết, do vụ tai nạn giao thông liên quan đến quân nhân, hồ sơ đã được chuyển cho Cơ quan điều tra hình sự Khu vực 3, Quân chủng Phòng không-Không quân thụ lý theo thẩm quyền.
Ngay khi nhận được tin báo, Công an TP.Phan Rang-Tháp Chàm đã cử điều tra viên, CSGT phối hợp với đại diện Viện Kiểm sát tổ chức khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm phương tiện, dựng lại hiện trường...
Lý do vì sao ngày 12/7 (hơn 2 tuần sau so với ngày xảy ra TNGT), Cơ quan điều Công an TP.Phan Rang-Tháp Chàm mới dựng lại hiện trường…, thượng tá Hà Công Sơn cho biết, thông tin do Cơ quan điều tra hình sự Khu vực 3, Quân chủng Phòng không-Không quân muốn kiểm chứng nên đề nghị Công an TP.Phan Rang-Tháp Chàm hỗ trợ công tác điều tra ban đầu. Vì thế, Cơ quan điều tra đã phối thực nghiệm dựng lại hiện trường, trích xuất camera có sự tham gia của Viện Kiểm sát cùng cấp và các đơn vị liên quan.
Hiện, sự việc đã được cơ quan điều tra hình sự khu vực 3 làm rõ, nên Công an TP.Phan Rang.Tháp Chàm sẽ thông báo khi có kết luận.
Bước đầu, theo thượng tá Hà Công Sơn, xác định tài xế Minh chuyển hướng chưa đảm bảo an toàn, dẫn tới tai nạn. Còn nữ sinh điều khiển xe đúng quy định.
"Cá nhân tôi cho rằng vụ này đã đủ yếu tố khởi tố vụ án để xử lý theo quy định pháp luật", thượng tá Hà Công Sơn nói.
Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 2/8, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 863/QĐ - CTN về việc Truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất cho Thượng tá Đặng Anh Quân, Đỗ Đức Việt và Hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc vì đã lập chiến công đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Cũng trong ngày 2/8, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định truy thăng cấp bậc hàm từ Trung tá lên Thượng tá đối với đồng chí Đặng Anh Quân, Đội trưởng; truy thăng cấp bậc hàm từ Trung uý lên Thượng úy đối với đồng chí Đỗ Đức Việt, cán bộ và truy thăng cấp bậc hàm từ Binh nhì lên Hạ sỹ đối với đồng chí Nguyễn Đình Phúc, chiến sỹ nghĩa vụ.
Clip Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh và Đoàn công tác đến thăm hỏi, chia buồn với gia đình thượng úy Đỗ Đức Việt. Clip: Q.N
Trước đó, khoảng 13h30 ngày 1/8, quán karaoke số 231 Quan Hoa, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy xảy ra vụ hoả hoạn.
Sau khi nhận tin báo, Trung tâm chỉ huy Công an TP.Hà Nội đã điều động 10 xe chữa cháy cùng hơn 60 CBCS lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH thuộc Công an quận Cầu Giấy và các đơn vị lân cận nhanh chóng đến hiện trường tổ chức chữa cháy.
Với tinh thần dũng cảm, không quản ngại khó khăn nguy hiểm, 3 CBCS Đội Cảnh sát PCCC và CNCH Công an quận Cầu Giấy gồm: Trung tá Đặng Anh Quân, Trung uý Đỗ Đức Việt và Binh nhì Nguyễn Đình Phúc đã triển khai tổ chức chữa cháy và CNCH, hướng dẫn đưa 8 người ra ngoài an toàn, đồng thời tiếp tục quay lại tìm kiếm CNCH.
Khi các CBCS này lên tới tầng 4 thì cầu thang bị sập, ngăn đứt đường vòi chữa cháy, trần nhà bất ngờ sập xuống, đè vào người khiến các anh hy sinh…
Như Dân Việt đã thông tin: Nội dung trên được nêu trong văn bản Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội. Trong vụ án được đại biểu Quốc hội chất vấn, VKSND TP.Hà Nội truy tố Nguyễn Thị Nguyệt cùng 12 đồng phạm về hành vi hợp thức các hồ sơ tạm nhập tái xuất rồi chuyển tiền trái phép.
Nhóm này đã chuyển thành công 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài thông qua các công ty ma và hưởng lợi bất chính hơn 30 tỷ đồng.
Về vụ việc trên, NHNN cho hay, từ năm 2017 đã tiếp nhận các báo cáo "giao dịch đáng ngờ" từ các tổ chức tín dụng (TCTD) liên quan đến các cá nhân trong đường dây của Nguyễn Thị Nguyệt.
Ngân hàng Nhà nước ghi nhận "giao dịch đáng ngờ" liên quan vụ chuyển lậu 30.000 tỷ đồng. Ảnh minh hoạ
Qua phân tích, NHNN đã chuyển giao thông tin cho các đơn vị thuộc Bộ Công an và Công an Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng để tiến hành điều tra làm rõ vụ việc. Hiện nay, NHNN đang tiếp tục phối hợp cung cấp thông tin cho Công an tỉnh Quảng Ninh để phục vụ quá trình điều tra vụ án.
Cũng theo NHNN, pháp luật đã quy định trách nhiệm của các TCTD và khách hàng khi thanh toán, chuyển tiền ra nước ngoài. Cụ thể, khi mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài, khách hàng có trách nhiệm xuất trình các chứng từ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của chúng.
TCTD có trách nhiệm xem xét, kiểm tra, lưu giữ các giấy tờ, chứng từ phù hợp các giao dịch thực tế để đảm bảo việc cung ứng các dịch vụ ngoại hối được thực hiện đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật.
Các TCTD còn có trách nhiệm báo cáo NHNN về số liệu chuyển tiền, các giao dịch có giá trị lớn; khi nghi ngờ tài sản trong giao dịch có nguồn gốc do phạm tội mà có hoặc liên quan tới rửa tiền; giao dịch chuyển tiền điện tử quốc tế ra vào Việt Nam vượt từ 1000 USD trở lên hoặc tương đương…
Về thị trường chợ đen mua bán, trao đổi ngoại tệ, NHNN cho hay chúng không được pháp luật thừa nhận. Mọi giao dịch mua, bán ngoại tệ trên thị trường phi chính thức là trái pháp luật, không được NHNN cấp phép.
Theo quy định hiện hành về quản lý ngoại hối, người dân có ngoại tệ được bán cho các TCTD được phép hoặc các tổ chức kinh tế được cấp phép làm đại lý đổi ngoại tệ. Khi có nhu cầu mua ngoại tệ, người dân phải mua tại các TCTD được phép trên cơ sở xuất trình chứng từ chứng minh mục đích sử dụng, đảm bảo giao dịch là hợp pháp.
Như Dân Việt đã thông tin: Sáng 2/8, TAND TP.Hà Nội mở phiên xử Trần Đức Trung, cựu Chủ tịch HĐTV Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới (Trung tâm Hỗ trợ người nghèo) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Các đồng phạm của ông ta bị truy tố về cùng tội danh gồm Lê Thị Hằng, cựu Tổng giám đốc Trung tâm Hỗ trợ người nghèo; Bùi Thị Oanh, cán bộ hưu trí; Phạm Văn Lực, lao động tự do; Nhâm Sỹ Phúc, lao động tự do; Phan Thị Thoa, lao động tự do.
Ngay từ sáng, gần 100 bị hại và người liên quan có mặt tại tòa để theo dõi xét xử; khá ít người so với hơn 1.000 người được xác định là bị hại. Dự kiến, phiên tòa sẽ kéo dài tới 6/8.
Một phụ nữ quê Nam Định nói với phóng viên, bà từng vay 200 triệu đồng đóng góp cho Trung tâm Hỗ trợ người nghèo và sau đó được "trả tiền lãi rất sòng phằng" theo thỏa thuận. Tuy nhiên, trung tâm sau đó "mất hút", không trả tiền khiến bà mất hơn 100 triệu đồng.
Cáo trạng của Viện kiểm sát thể hiện, Trung tâm Hỗ trợ người nghèo được Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam thành lập, do Trần Đức Trung làm Chủ tịch; Lê Thị Hằng làm Tổng giám đốc.
Trong khi Trung tâm chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép hoạt động, không có gì phát sinh doanh thu nhưng từ tháng 4/2015, Trần Đức Trung cùng đồng phạm lấy danh nghĩa Trung tâm để tổ chức chương trình "Trái tim Việt Nam", đưa ra chính sách bất khả thi, hứa hẹn hỗ trợ lãi suất cao để lôi kéo người dân nộp tiền
Nhóm này tổ chức tuyên truyền, hội thảo thu hút người tham gia. Lê Thị Hằng cùng Trần Đức Trung soạn thảo các bức tâm thư, thư kêu gọi ủng hộ Trung tâm và chương trình "Trái tim Việt Nam", giao cho Hằng đi xin chữ ký ủng hộ của một số lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và sử dụng làm tài liệu tuyên truyền.
Phía truy tố xác định, các bị cáo thường xuyên đưa thông tin sai sự thật về nguồn vốn của Trung tâm; tuyên truyền, hứa hẹn với người tham gia trong khoảng thời gian nhất định sẽ được nhận tiền theo chính sách. Thực tế, nguồn tiền để chi trả là "lấy của người tham gia sau trả cho người tham gia trước", số rất ít là tiền ủng hộ của nhà hảo tâm.Để thu hút người nộp tiền, Trần Đức Trung đứng ra thành lập "Câu lạc bộ tích lũy làm giàu" và giao cho bị can Phạm Văn Lực làm Chủ tịch. Ai tham gia phải mua một hộp thực phẩm chức năng với giá 1,2 triệu đồng và sau 6 tháng sẽ được Trung tâm hỗ trợ lại từ 5,2 – 5,7 triệu; từ mã thứ hai, người dân chỉ phải đóng 700.000 đồng tức lợi nhuận lên tới 437,5% đến 814%.
Ngoài ra, sau khi đóng tiền, người tham gia được nhận một sản phẩm thực phẩm chức năng hoặc phân vi sinh, sách báo, trị giá khoảng 150.000 đồng. Nếu giới thiệu người khác tham gia sẽ được thưởng 500.000 đồng/người. Viện kiểm sát cáo buộc, các đối tượng dùng thủ đoạn trên huy động được 148 tỷ đồng.
Cáo trạng còn thể hiện, khi Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn giải thể Trung tâm Hỗ trợ người nghèo, các bị can tiếp tục móc nối với Nguyễn Tuấn Lân (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần quốc tế NewStar) tổ chức chương trình "Liên kết ba miền" hoạt động theo mô hình đa cấp để bán thực phẩm chức năng; thu về hơn 17 tỷ đồng.
Số tiền có được từ hơn 1.000 người tham gia các chương trình, nhóm bị cáo trả lãi một phần hoặc mua hàng tặng, còn lại chiếm đoạt 49 tỷ đồng, cáo trạng nêu. Trong vụ án, Trần Đức Trung bị xác định là chủ mưu, có vai trò chính và ông ta chiếm đoạt nhiều nhất, hơn 26 tỷ đồng.