Trước đó, ngày 19/7, Bộ Tài chính có Tờ trình số 166/TTr-BTC trình Chính phủ về dự thảo Nghị định giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (thuế suất MFN) đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì thuộc nhóm 27/10 từ 20% xuống 10%.
Theo Bộ Tài chính, nếu dự kiến khi ban hành, chính sách này sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn cung, tạo cơ hội tiếp cận nguồn cung mới cho các doanh nghiệp nhập khẩu thay vì phụ thuộc vào nguồn xăng từ Hàn Quốc hay các nước trong ASEAN (do xăng dầu đang chủ yếu được nhập khẩu từ Hàn Quốc và các nước trong ASEAN).
Qua đó thúc đẩy sự ổn định thị trường xăng dầu trong nước, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới có nhiều biến động khó lường, khó dự báo.
Bộ Tài chính cho biết: "Hiện đề xuất thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu, Văn phòng Chính phủ đang tổng hợp ý kiến thành viên Chính phủ để trình Chính phủ ký ban hành".
Đối với chính sách thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt: Ngày 28/7/2022, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương về phương án thuế giá trị gia tăng và tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu.
Bộ Tài chính khẳng định, sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan triển khai xây dựng văn bản theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tính đến ngày 21/6, giá xăng trong nước có chu kỳ 7 lần tăng giá liên tiếp tính từ tháng 4, mức giá tăng của E5 RON95 là hơn 5.500 đồng, giá bán lẻ cao nhất 31.300 đồng, giá xăng Ron 92 tăng hơn 4.800 đồng, giá bán lẻ cao nhất 32.800 đồng và giá dầu diesel bán lẻ cao nhất trên 30.000 đồng.
Từ mức giá trên đỉnh, qua 4 lần giảm giá từ ngày 11/7, giá xăng E5 đã giảm hơn 6.600 đồng/ lít, giảm 24.600 đồng; xăng Ron 92 giảm mạnh 7.200 đồng, giá dầu diesel giảm 6.100 đồng/lít, giảm xuống 23.900 đồng.
Như vậy, kỳ giảm giá lần thứ 4, ngày 1/8, giá xăng dầu trong nước đã giảm từ 1,2 đến 1,5 lần so với mức tăng giá của 7 lần điều chỉnh tăng trước đó.
Tuy nhiên, có thực tế là diễn biến giá xăng dầu từ nay đến cuối năm hết sức phức tạp, khó lường. Mặc dù thời điểm này giá xăng dầu giảm do giá dầu thô giao trong kỳ hạn tương lai giảm mạnh, có thời điểm giảm thẳng đứng. Tuy nhiên, do việc Việt Nam hiện phải phụ thuộc chặt chẽ vào nguồn cung xăng dầu từ nhập khẩu, do đó khi giá thế giới tăng, giá xăng dầu tăng nước sẽ tăng nóng trở lại.
Đại diện của Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cho biết, xu hướng giá dầu thô thế giới giảm kéo theo giá xăng dầu giảm mạnh trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, thị trường xăng dầu vẫn hết sức khó lường, OPEC đang nhóm họp và phụ thuộc nhiều vào cung ứng xăng dầu từ Nga. Việc đồng USD tăng giá, sự hồi phục của hàng loạt nước khác, trong đó có Trung Quốc; mùa đông đến nhu cầu chất đốt tăng cao… có thể khiến giá xăng dầu tăng trở lại. Chính vì vậy, giải pháp sớm về các chính sách thuế đối với giá xăng dầu cần được quyết định.
Mặc dù giá xăng dầu trong nước giảm mạnh, song hiện giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm vẫn neo ở mức cao và rất cao, không có dấu hiệu hạ nhiệt. Hiện nay, Thủ tướng đã đốc thúc nhiều Bộ, ngành và địa phương vào cuộc nhằm chấn chỉnh tình trạng đẩy giá, tạo khan hàng, khiến giá cả thực phẩm cao.