Dân Việt

Cựu Thủ tướng Đức tiết lộ Nga muốn thương lượng về xung đột Ukraine

Lê Phương (Reuters) 04/08/2022 07:29 GMT+7
Cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder rằng Nga muốn có một "giải pháp thương lượng" cho xung đột. Song Kiev khẳng định bất kỳ cuộc đối thoại nào cũng đều phụ thuộc vào việc Nga ngừng bắn và rút quân.
Ukraine tuyên bố điều kiện tiên quyết nếu Nga muốn đàm phán - Ảnh 1.

Tổng thống Ukraine Volodymr Zelensky. Ảnh: Reuters

Ông Schroeder là một người bạn của Tổng thống Nga Vladimir Putin và thường bị chỉ trích ở Đức vì lập trường thân Nga của mình. Ông cho biết thỏa thuận tháng trước đối với các chuyến hàng ngũ cốc từ Ukraine có thể mang lại một triển vọng mới.

"Tin tốt là Điện Kremlin muốn có một giải pháp thương lượng", Schroeder nói với tuần báo Stern và đài truyền hình RTL/ntv, đồng thời lưu ý thêm rằng ông đã gặp Tổng thống Putin ở Moscow vào tuần trước. "Thành công đầu tiên là thỏa thuận ngũ cốc, từ đó có thể mở rộng thành thỏa thuận ngừng bắn".

Đáp lại, cố vấn tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak mô tả ông Schroeder là "phát ngôn viên của tòa án hoàng gia Nga" và nói rõ rằng thỏa thuận ngũ cốc sẽ không mở rộng sang các cuộc đàm phán lớn hơn.

"Nếu Moscow muốn đối thoại, điều đó phụ thuộc vào họ. Đầu tiên, hãy ngừng bắn và rút quân, sau đó hẵng đối thoại", Podolyak viết trên Twitter.

Trong một bài phát biểu trực tuyến vào tối 3/8, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng đáp trả một cách gay gắt về quan điểm đàm phán với Nga. Ông Zelensky nói: "Thật là không thể chấp nhận được khi các cựu lãnh đạo của những quốc gia lớn với các giá trị châu Âu lại làm việc cho Nga, quốc gia đang có động thái chống lại các giá trị này".

Điện Kremlin đang tham gia vào các hoạt động quân sự đáng kể ở phía đông, đông bắc và nam Ukraine, một tuyên bố của Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Nga cho biết vào tối 3/8.

Tại khu vực đông bắc Kharkov, nơi các lực lượng Ukraine đã thành công trong việc ngăn chặn bước tiến quân Nga, quân đội Moscow đã nã pháo vào hàng chục thị trấn bằng hỏa lực xe tăng và tiến hành các cuộc không kích, tuyên bố cho biết.

Theo quân đội Nga, các cuộc pháo kích cũng được thực hiện gần thị trấn trung tâm Kramatorsk, nơi mà Điện Kremlin hy vọng sẽ kiểm soát được khi họ di chuyển về phía nam. 

Reuters chưa thể xác minh các báo cáo chiến trường.

Nga đã bắt đầu thành lập một lực lượng tấn công quân sự nhằm vào quê hương Kryvyi Rih của ông Zelensky ở miền trung Ukraine, quân đội Ukraine lưu ý.

Thỏa thuận ngũ cốc do Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian được ca ngợi là một thành công ngoại giao hiếm hoi trong khi chiến sự diễn ra. Mặc dù vậy hôm 3/8, ông Zelensky nói rằng lô hàng này chỉ là một phần nhỏ của vụ mùa mà Kiev phải bán để giúp cứu vãn nền kinh tế đang điêu đứng.

Con tàu Razoni rời Odessa trên Biển Đen vào sáng sớm hôm 1/8, chở 26.527 tấn ngô đến cảng Tripoli của Lebanon.

Ông Zelensky nhấn mạnh, Ukraine, một trong những nhà sản xuất ngũ cốc hàng đầu thế giới trước chiến sự và được mệnh danh là vựa bánh mì của châu Âu, đã phải xuất khẩu gấp 10 triệu tấn để giúp giảm thâm hụt ngân sách đang ở mức 5 tỷ USD/tháng.

Theo một quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ, mỗi ngày có thể có ba tàu rời cảng Ukraine sau khi tàu Razoni rời đi, trong khi Bộ trưởng cơ sở hạ tầng Ukraine nói thêm 17 tàu nữa đã được chất đầy nông sản và đang chờ ra khơi.

Thủ tướng Denys Shmygal cho biết dự báo vụ thu hoạch năm 2022 của Ukraine đã tăng từ 60 triệu tấn ngũ cốc lên 65 triệu - 67 triệu tấn. Trong một tin nhắn Telegram, ông ca ngợi những người nông dân đã nỗ lực trong vụ thu hoạch, ngay cả ở những khu vực tiếp tục pháo kích.

"Chiến sự gần như đang giết chết nền kinh tế", ông Zelensky nói. "Việc Nga phong tỏa các cảng là một tổn thất lớn cho nền kinh tế".

Zelensky nhiều lần cáo buộc Moscow có thể cố gắng cản trở xuất khẩu mặc dù đã ký vào thỏa thuận. Nga phủ nhận trách nhiệm về cuộc khủng hoảng lương thực, đồng thời nói rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây đã làm chậm xuất khẩu của nước này.