Cuộc bỏ phiếu hai quốc gia châu Âu gia nhập NATO có kết quả 95 phiếu thuận và 1 phiếu chống, đây được đánh giá là một bước quan trọng trong việc mở rộng khối quân sự.
Để Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, cần có sự chấp thuận của tất cả 30 nước thành viên. Hai nước này đã giành được sự phê chuẩn từ hơn một nửa số thành viên NATO trong khoảng ba tháng kể từ khi nộp đơn. Thông thường, việc kết nạp thành viên mới thường cần khoảng từ 8-12 tháng, song NATO đang muốn đẩy nhanh quá trình này.
Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar, một đảng viên Đảng Dân chủ Minnesota, cho biết: "Đây là một lời cảnh báo đến các lực lượng đối lập. Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã thay đổi cách chúng ta nghĩ về an ninh thế giới".
Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện, Mitch McConnell, người từng đến thăm Kiev vào đầu năm nay, đã kêu gọi sự đồng thuận nhất trí. Phát biểu trước Thượng viện, McConnell lưu ý rằng quân đội Phần Lan và Thụy Điển được hiện đại hóa và rất có kinh nghiệm, điều này đặc biệt có lợi đối với an ninh quốc gia của Mỹ.
"Sự gia nhập của họ sẽ khiến NATO mạnh hơn và nước Mỹ an toàn hơn. Nếu bất kỳ thượng nghị sĩ nào đang tìm kiếm một lý do chính đáng để bỏ phiếu không, tôi chúc họ may mắn", McConnell nói.
Thượng nghị sĩ Josh Hawley, một đảng viên Cộng hòa Missouri, là một trong số ít phản đối. Trong bài phát biểu tại Thượng viện, ông nhấn mạnh đối thủ chính của Mỹ là Trung Quốc, không phải Nga.
"Chúng ta cần có phương án để ứng phó với Trung Quốc. Chúng ta không thể làm cả hai", Hawley bày tỏ quan ngại.
Các quan chức nhà nước và Bộ Quốc phòng Mỹ coi Phần Lan và Thụy Điển là "nhà cung cấp an ninh lớn", củng cố thế trận quốc phòng của NATO ở khu vực Baltic. Phần Lan dự kiến sẽ vượt mục tiêu chi tiêu quốc phòng 2% GDP của NATO vào năm 2022 và Thụy Điển cam kết đạt được mục tiêu 2%.
Thụy Điển và Phần Lan đã nộp đơn gia nhập NATO vào tháng 5, phá bỏ lập trường không liên kết quân sự lâu năm của họ. Đây là một sự thay đổi lớn trong các thỏa thuận an ninh của hai nước sau khi Nga phát động chiến dịch tại Ukraine vào cuối tháng 2. Tổng thống Mỹ Joe Biden khuyến khích Helsinki và Stockholm tham gia, chào mừng những người đứng đầu chính phủ hai nước đến thăm Nhà Trắng hồi tháng 5.
Mỹ và các đồng minh châu Âu đã thiết lập lại quan hệ đối tác mới khi đối mặt với động thái của Tổng thống Nga Putin, từ đó củng cố liên minh được hình thành sau chiến tranh thế giới thứ hai.
"Việc mở rộng NATO hoàn toàn không giống với những gì ông Putin hình dung khi ra lệnh cho xe tăng của mình tiến vào Ukraine", Thượng nghị sĩ Bob Menendez, đảng viên Đảng Dân chủ New Jersey và Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, cho biết hôm 3/8. Ông nói thêm rằng phương Tây không thể cho phép Nga "phát động chiến dịch quân sự ở các nước khác".