Dân Việt

Ước tính có 94.000 trẻ em bị bóc lột, xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng

Thùy Anh 04/08/2022 15:03 GMT+7
Đa phần trẻ em bị bóc lột, xâm hại tình dục trên môi trường mạng, dưới hình thức là hăm dọa, chia sẻ hình ảnh nhạy cảm trẻ em qua mạng, hứa cho tiền hoặc quà để ép tham gia vào các hoạt động tình dục.

1% trẻ em 12-17 tuổi là nạn nhân của bóc lột, xâm hại tình dục trên môi trường mạng

Ngày 3/8, Hội thảo công bố Nghiên cứu "Ngăn chặn hành vi gây tổn hại - Bằng chứng về bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em trên không gian mạng” được tổ chức bởi Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) phối hợp cùng Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (INTERPOL) và ECPAT Quốc tế đã diễn ra tại Hà Nội. Đây là báo cáo nghiên cứu được thực hiện tại 13 quốc gia ở Đông Nam Phi và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam trong giai đoạn 2019 - 2022.

Nghiên cứu Ngăn chặn hành vi gây tổn hại ở Việt Nam đưa ra đánh giá về việc sử dụng Internet của trẻ em, bao gồm mức độ trẻ em bị bóc lột và xâm hại tình dục khi tương tác trực tuyến.

xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng

5% trẻ em được khảo sát cho biết từng bị comment nhạy cảm. Ảnh: M.H

89% trẻ em ở Việt Nam có sử dụng internet, 87% trong số này sử dụng hằng ngày. Nghiên cứu này cho thấy có 77% người chăm sóc có sử dụng Internet hàng ngày nhưng chỉ có 25% khuyến khích trẻ em khám phá và học tập qua Internet. Số có gợi ý về cách học hoặc sử dụng Internet an toàn trên mạng là rất ít.

Nghiên cứu cũng cho biết có 5% trẻ em đã gặp trực tiếp một người quen trên mạng và 1% trong số này cho biết các em đã chia sẻ hình ảnh, video khỏa thân của chính mình qua mạng.

Khi đoàn nghiên cứu đưa ra các căn cứ để khảo sát về xâm hại tình dục trẻ em qua mạng thì có từ 0,2-2% trẻ em cho biết đã từng gặp phải những vấn đề như: Trò chuyện về tình dục, cho xem hình ảnh bộ phận cơ thể nhạy cảm không muốn, hoặc được tặng quà để đổi lấy hình ảnh nhạy cảm... Tuy nhiên đáng mừng là hầu hết các em đều từ chối thực hiện điều đó.

Kết quả nghiên cứu cho thấy những con số đáng báo động. Nghiên cứu cho thấy 1% người dùng là trẻ em từ 12-17 tuổi ở Việt Nam là nạn nhân của bóc lột và xâm hại tình dục. Nếu nhân với dân số quốc gia thì con số này ước tính lên tới 94.000 trẻ bị bóc lột, xâm hại tình dục chỉ trong 1 năm. Các nhà nghiên cứu cho rằng có khả năng con số này còn cao hơn trẻ ngại chia sẻ về vấn đề này.

Chỉ 36% trẻ tham gia khảo sát đã được dạy về vai trò quan trọng của việc giữ an toàn trên mạng, điều này nhấn mạnh sự cần thiết phải nâng cao nhận thức và hiểu biết về vấn đề này ở trong nước.

Kết luận từ nghiên cứu cũng cho thấy thêm, có 8% trẻ em độ tuổi 12 - 17 sử dụng Internet đã từng nhận được bình luận khiếm nhã về bản thân khiến các em không thoải mái trong năm qua (12 tháng trước khảo sát). 23% trẻ độ tuổi 12-17 sử dụng Internet tham gia khảo sát cho biết các em đã vô tình nhìn thấy hình ảnh hoặc video nhạy cảm trên mạng trong năm qua (12 tháng trước cuộc khảo sát). Ngoài ra, 5% từng nhận được hình ảnh nhạy cảm không mong muốn.

Nghiên cứu Ngăn chặn hành vi gây tổn hại tại Việt Nam phát hiện ra rằng nhiều trẻ thiếu thông tin, nhận thức và kiến thức về bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em qua mạng, điều này càng làm tăng tình trạng dễ bị tổn thương của các em.

Hầu hết trẻ bị bóc lột, xâm hại tình dục trẻ em trên không gian mạng giấu kín

Kết quả từ cuộc nghiên cứu cũng cho thấy, có 43% trẻ em bị bóc lột, xâm hại tình dục trên môi trường mạng không nói với ai. Nguyên nhân vì trẻ cho rằng chẳng giải quyết được việc gì.

"Đa số trẻ em tham gia điều tra hộ gia đình nói rằng mình từng bị bóc lột, xâm hại tình dục qua mạng không nói với ai hoặc chỉ kể với bạn bè mà không nói với người lớn, công an hay trình báo qua tổng đài trợ giúp", thành viên đoàn nghiên cứu chia sẻ.

Ước tính có 94.000 trẻ em bị bóc lột, xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng  - Ảnh 4.

Hội thảo công bố Nghiên cứu "Ngăn chặn hành vi gây tổn hại - Bằng chứng về bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em trên không gian mạng” . Ảnh: LH

Nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ trẻ em bị bóc lột, xâm hại tình dục ở trẻ em Việt Nam có vẻ thấp hơn so với 4 nước trong khu vực. Tuy nhiên, điều này cũng được lý giải có thể do các em ngại chia sẻ về những trải nghiệm này.

Các nhà nghiên cứu tham gia Dự án Nghiên cứu Ngăn chặn hành vi gây tổn hại tại Việt Nam tin rằng những phát hiện này chỉ là một bức tranh nhanh cho thấy hiện trạng bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em qua mạng ở Việt Nam. Do vậy, vấn đề này cần được ưu tiên.

Ngoài ra, cần tăng cường nguồn lực chuyên môn để quản lý các vụ việc. Hiện tại, số lượng cán bộ và trang thiết bị hiện có có thể không đủ để tiến hành điều tra các vụ bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em qua mạng, vấn đề này phải được giải quyết. Phòng ngừa là chìa khóa để giải quyết bóc lột và xâm hại tình dục trực tuyến ở Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH) đánh giá, bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em trực tuyến là một hiểm họa không biên giới. Việc thu thập bằng chứng rõ ràng, xây dựng cơ sở dữ liệu có chất lượng cần được coi là nhân tố  trung tâm trong việc hoạch định chiến lược để giải quyết nguy cơ cho trẻ em.

"Các khuyến nghị từ báo cáo là bằng chứng giúp các nhà hoạch định chính sách, cơ quan thực thi pháp luật, doanh nghiệp công nghệ thông tin và các bên liên quan khác ở Việt Nam xây dựng kế hoạch, giải pháp ứng phó với loại tội phạm này, đặc biệt là vai trò của Mạng lưới ứng cứu và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”, bà Nga nhấn mạnh.

Tại hội thảo, với vai trò là nhà cung cấp giải pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, giảm thiểu nguy cơ bóc lột, xâm hại trẻ em…, ông Vũ Mạnh Đảm, Phó Giám đốc CyRadar đã có phần trình bày tập trung về việc ứng dụng công nghệ trong việc quản lý hoạt động sử dụng thiết bị của con, quản lý thời gian truy cập Internet, mạng xã hội, thiết lập chặn truy cập vào các trang web không phù hợp lứa tuổi, game online, cờ bạc, khiêu dâm… Đây được đánh giá là giải pháp thiết thực trong việc ngăn chặn các nguy cơ trẻ em bị xâm hại từ không gian mạng.