Ông Nguyễn Đình Phương (85 tuổi) ở xóm 4 - người đã có 10 năm từng làm Chủ nhiệm HTX nông nghiệp chia sẻ: Với địa hình tự nhiên là đồi núi, nhiều năm trước, xã Phú Long cũng cấy lúa nước, nhưng diện tích quá nhỏ, công tác thủy lợi khó khăn, hiệu quả rất thấp.
Diện tích còn lại chủ yếu là loại đất mạt, đất sỏi xen lẫn với đá lộ đầu cằn cỗi, việc canh tác rất khó khăn nên nhiều diện tích bị bỏ hoang. Vì vậy mà cái tên "chó ăn đá, gà ăn sỏi" gắn liền với mảnh đất này.
Ông Nguyễn Văn Thuật, Trưởng xóm 4 cho cho biết thêm: Đã có nhiều giống cây, như cây ngô, khoai, sắn, mía, dứa được đưa vào "thử sức", song đều thất bại hoặc hiệu quả rất thấp. Hơn mười năm trước, có một vài gia đình đem cây na về trồng thử. Ban đầu chỉ là trồng cho đỡ xói lở, phủ mầu xanh cho đồi. Ai ngờ 3 - 4 năm sau, cây na cho khá nhiều quả và quả ăn rất ngọt.
"Thì ra, cây na đã ưa vùng đất này. Diện tích cây na tăng lên theo từng vụ, đến nay, ở Phú Long đã có trên 150 ha trồng na" - đại diện Ban quản trị HTX na trái vụ Phú Long Nguyễn Đình Quý vui vẻ chia sẻ.
Được biết, HTX na trái vụ Phú Long cũng được thành lập tháng 6/2020, với 35 hộ thành viên. Hộ ít thì trồng 1,5 ha, hộ nhiều thì có tới 5-7 ha.
Với giá thu mua tại vườn từ 40 - 45 nghìn/kg (loại to 3-4 quả), mỗi cây cho từ 12- 15 kg quả, mỗi ha có thể trồng được 750 - 800 cây, cũng cho khoảng 15 tấn/ha, mang về giá trị kinh tế từ 400- 450 triệu đồng/ha.
Đến nay, so với nhiều giống cây trồng khác, cây na cho hiệu quả kinh tế từ 20 đến 25 lần, trong khi đó đầu ra khá ổn định. Đặc biệt, kể từ khi sản phẩm na đã được công nhận xếp hạng OCOP 4 sao (tháng 12/năm 2021).