Hải Dương: Bí quyết trồng na trái vụ thu tiền gấp đôi của nông dân Chí Linh
Dày công chăm sóc na trái vụ
Thu hoạch xong đợt na chính vụ, nông dân Chí Linh lại tất bật chuẩn bị, chăm sóc lứa na đông. Nếu như trước đây, na chỉ cho quả tập trung trong vòng hơn 1 tháng thì hiện tại, người dân đã rải vụ, kéo dài thời gian thu hoạch từ tháng 6 âm lịch tới Tết Nguyên đán. Điều này, không những làm gia tăng tuổi thọ của cây mà còn tránh tình trạng bị thương lái ép giá.
Anh Nguyễn Văn Hậu - nông dân trồng na phường Bến Tắm đi từng gốc cây, cẩn thận kiểm tra từng quả na với sự chăm chú đặc biệt. Anh Hậu chia sẻ: "Trồng cây sắp tới ngày hái quả nên chỉ cần sểnh ra một chút là hỏng ăn ngay. Thời kỳ này na còn nhỏ, dễ bị bọ trĩ hoặc rệp sáp trắng tấn công gây hại. Nếu không phòng trừ kịp thời quả na sẽ giảm chất lượng, giảm giá trị".
Là người nhiều năm gắn bó với cây na, anh Hậu nắm chắc các kỹ thuật để na ra quả theo ý muốn. Theo anh Hậu, muốn na cho quả ít hay nhiều phụ thuộc vào mầm na.
Anh Hậu cho biết bón phân Lâm Thao, cây na dai sinh trưởng và phát triển tốt, lá có màu xanh đậm, quả na to hơn nên năng suất đạt 20-30kg/cây, bình quân đạt 8 - 10 tấn/ha.
"Khi na chính vụ chuẩn bị thu hoạch, thân cây bắt đầu ra rất nhiều nhánh non, đó là lúc người trồng na tiến hành cắt cành cho cây nẩy hoa. Lúc này, người trồng phải biết cây na của mình khỏe hay yếu, còn sức hay không sau vụ chính mà để nhiều hay ít quả. Nhiều cây có thể để 50 - 70 quả nhưng cũng có cây chỉ dám để 10 - 15 quả".
Theo anh Hậu tuy trồng na trái vụ mất nhiều công chăm sóc nhưng bù lại giá bán na trái vụ cao gấp 2 lần (giá na khoảng 38.000- 45.000 đồng/kg) so với trồng chính vụ.
Chia sẻ kinh nghiệm trồng na trái vụ anh Hậu cho biết: "Mỗi năm, tôi thường bón phân 4 - 5 đợt cho na. Trước đây tôi sử dụng nhiều loại phân bón của các công ty khác nhau, nhưng từ năm 2014, qua "kênh" Hội Nông dân cung ứng, lần đầu tiên tôi sử dụng phân bón NPK Lâm Thao và được tập huấn bón đúng theo quy trình kỹ thuật. Thấy phân NPK Lâm Thao cho hiệu quả cao nên tôi tin dùng từ đó đến bây giờ. Tôi sử dụng phân NPK-S*M1 12.5.10-14 để bón cho na". Cứ cách 2 năm, anh Hậu bón thêm 1 lần phân gà ủ mục (liều lượng 20 - 30kg/cây) cùng với đợt bón thúc phân NPK-S*M1 12.5.10-14 sau khi thu quả. Để cây na ngấm phân bón tốt hơn, anh Hậu thường cuốc rãnh hình vành khăn, bỏ phân vào hố hoặc rãnh, lấp kín, ủ gốc bằng cỏ khô, lá khô tạo ẩm.
Phát triển thương hiệu na Chí Linh
Những năm gần đây, na là một trong những cây ăn quả chủ lực của TP.Chí Linh với khoảng 800ha. Giá trị cây na đem lại cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác trên địa bàn. Na được trồng tập trung chủ yếu ở các phường Bến Tắm, Hoàng Tiến.
Trao đổi với PV Báo NTNN, anh Hà Tuấn Hoàng - Chủ tịch Hội Nông dân phường Bến Tắm cho biết: Hiện trên địa bàn phường Bến Tắm có khoảng 200ha na thu hoạch. Trước đây, người dân thường làm thêm na gối vụ. Tuy nhiên, từ 3 - 4 năm nay người dân không làm na gối vụ nữa, chỉ trồng na chính vụ và na đông.
"Na đông có chất lượng, mẫu mã đẹp hơn na chính vụ nên giá bán cũng cao hơn, hiệu quả kinh tế đem lại cho người dân cũng lớn hơn. Vì vậy, hiện nay, 80% diện tích na được người dân làm thêm vụ đông"- anh Hoàng cho biết.
So sánh về giá trị kinh tế của cây na mang lại, Chủ tịch Hội Nông dân phường Bến Tắm nhấn mạnh: "Trong số các loại cây ăn quả mà người dân địa phương đã trồng, cây na là cây có năng suất và hiệu quả đứng đầu bảng. Nhiều hộ sau khi trừ chi phí lãi 200 - 300 triệu đồng/vụ là bình thường. Tuy nhiên, năm nay, trong bối cảnh dịch Covid-19, giá na xuống thấp, thị trường tiêu thụ chậm nên vụ na vừa rồi người trồng na hoà vốn, hoặc có lãi ít".
Theo anh Hoàng, nhằm hỗ trợ hội viên nông dân xây dựng, phát triển thương hiệu na Chí Linh, những năm qua, Hội Nông dân phường Bến Tắm đã tích cực phối hợp với các doanh nghiệp uy tín như Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao thực hiện cung ứng phân bón theo hình thức trả chậm, xây dựng mô hình trình diễn điểm, tổ chức hướng dẫn, tập huấn khoa học kỹ thuật cho người trồng na…
"Trung bình mỗi năm, Hội Nông dân phường Bến Tắm phối hợp với Công ty Lâm Thao cung ứng hơn 50 - 70 tấn phân bón trả chậm, mở 10 - 12 buổi tập huấn sử dụng phân bón, xây dựng hơn các mô hình trình diễn sử dụng phân bón Lâm Thao trên cây na cho bà con" - anh Hoàng thông tin.
Phân bón Lâm Thao giúp khẳng định thương hiệu hồng Gia Thanh sai quả
Vui lòng nhập nội dung bình luận.