Theo đó, từ ngày 6/8, VEC không kiểm soát số dư tài khoản thu phí tự động không dừng của khách hàng tại đầu vào các tuyến cao tốc VEC quản lý, khai thác.
Bên cạnh đó, VEC khuyến cáo tài xế, trước khi tham gia giao thông vào đường cao tốc, chủ phương tiện/người điều khiển phương tiện cần kiểm tra số dư trong tài khoản thu phí để đảm bảo đủ thanh toán cho chiều dài quãng đường phương tiện di chuyển.
Trong trường hợp tài khoản thu phí tự động không dừng không có đủ số dư để thanh toán tại đầu ra đường cao tốc, gây ùn tắc tại làn thu phí, chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện có thể bị cơ quan chức năng xử phạt theo quy định.
Được biết, sau khi đi qua các trạm thu phí trên cao tốc do VEC quản lý, nhiều tài xế bức xúc với quy định của VEC yêu cầu duy trì số dư tài khoản thu phí không dừng để được vào các tuyến cao tốc do VEC quản lý, khai thác.
Lý do được tài xế đưa ra là do chỉ đi quãng đường ngắn nhưng lại bị "ép" nhất định phải có đủ số dư cho toàn tuyến.
Đối với vấn đề mà dư luận và một số lái xe "bức xúc" như các chủ đầu tư đường bộ cao tốc có yêu cầu chủ phương tiện duy trì số dư tài khoản hay việc nạp tiền vào tài khoản giao thông tính phí cũng được đưa ra thảo luận.
Cụ thể là các tuyến đường do VEC quản lý, ông Nguyễn Văn Nhi, Phó Tổng giám đốc VEC lý giải: Việc áp dụng này là phương án tạm thời trước mắt nhằm đảm bảo nguyên tắc người điều khiển phương tiện phải duy trì số dư tài khoản để đi vào cao tốc".
Ông Nhi giải thích, thứ hai là đảm bảo nguyên tắc tối ưu thời gian xử lý sự cố, không để ùn tắc kéo dài tại các điểm ra cao tốc. Hiện, lượng phương tiện qua các trạm thu phí trên các tuyến do VEC quản lý chưa nạp tiền vào tài khoản hoặc số dư không đủ còn rất lớn.
Trong tình huống bình thường, một xe qua trạm thu phí ETC mất khoảng 2-4 giây, trường hợp tài khoản không đủ tiền, thì thời gian xử lý tại điểm ra sẽ mất trên 5 phút vì phải tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin điểm vào, hướng dẫn nạp tiền, thu tiền mặt….
"Nếu nhiều phương tiện phải xử lý thì có thể dẫn đến ùn tắc kéo dài lên trên tuyến đang lưu thông, gây cản trở giao thông, mất an toàn giao thông và không đảm bảo hiệu quả của thu phí tự động không dừng", ông Nhi giải thích.
Trả lời câu hỏi của báo chí đặt ra: Tại sao lại áp dụng mức số dư như hiện nay?, ông Nhi lý giải: "Trên cơ sở thống kê, tính toán thì số lượng, lưu lượng xe đi lộ trình ngắn nhất (mức phí thấp nhất) chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 3% trên tổng số lưu lượng xe di chuyển trên tuyến.
Vì vậy, rất cân nhắc đến lợi ích, tiện lợi của đại đa số phương tiện để đề xuất hạn mức phù hợp. Ví dụ nếu tất cả các xe đều đưa ra một hạn mức thấp nhất, chỉ đáp ứng được cho khoảng 3% xe tham gia trên tuyến (đi chặng ngắn nhất) nhưng với tỷ lệ 97% phương tiện tham các chặng dài mà không đủ tiền trong tài khoản dẫn đến phải xử lý sự cố đầu ra, mất rất nhiều thời gian và là sự cản trở sự thông thoáng đối với những phương tiện có đủ điều kiện.
"Hạn mức chỉ là tạm thời, sẽ có sự thay đổi phù hợp tốt nhất cho người tham gia giao thông", ông Nhi nêu rõ.
Từ ngày 1/8/2022, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đưa vào khai thác hệ thống thu phí điện tử không dừng hoàn toàn (ETC) trên 4 tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài – Lào Cai, Đà Nẵng – Quảng Ngãi và TP.Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây.
Theo đó, các phương tiện không dán thẻ ETC và không nạp tiền vào tài khoản thu phí sẽ không được lưu thông vào đường cao tốc.
Sau gần 1 tuần triển khai vận hành hệ thống và đánh giá chỉ số hiệu năng sử dụng (KPI), tuy còn một số tồn tại khách quan và chủ quan nhưng đến nay tình hình giao thông trên các tuyến cao tốc bảo đảm an toàn, thông suốt, tạo thuận tiện cho người tham gia giao thông. Tình trạng ùn ứ ở đầu ra, đầu vào tại một số thời điểm cơ bản được giải quyết.