Liên quan đến vụ việc Công ty TNHH Thương mại Khoáng sản Tấn Phát (Công ty Tấn Phát) phá núi, bê tông hoá xây dựng dự án điểm du lịch Hòn Khô (TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) khi chưa có giấy phép xây dựng, phóng viên Báo Dân Việt đã có cuộc trao đổi trực tiếp với ông Nguyễn Hoàng Sâm, đại diện doanh nghiệp này.
Theo đại diện Công ty Tấn Phát, tháng 5/2018 Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định đã có quyết định cho doanh nghiệp thuê gần 52.000m2 đất với mục đích xây dựng dự án điểm du lịch Hòn Khô (giai đoạn 1). Thời gian thuê đất 50 năm, hình thức nhà nước cho thuê đất trả tiền 1 lần cho cả thời gian thuê.
Mặc dù đã triển khai thi công dự án, thế nhưng đến nay Công ty Tấn Phát vẫn chưa nộp tiền thuê đất cho chính quyền.
"Trước đây, chúng tôi xin điều chỉnh quy hoạch trình xin UBND tỉnh Bình Định thống nhất chủ trương cho phép doanh nghiệp triển khai cùng lúc 2 giai đoạn nhưng tỉnh chỉ thống nhất làm trước giai đoạn 1. Dự án đã giao đất nhưng doanh nghiệp chưa nộp tiền thuê đất vì nhà nước chưa có thông báo số tiền, thời gian nộp, chứ không phải chúng tôi không muốn nộp tiền", ông Hoàng Sâm phân trần.
Trước câu hỏi vì sao lại xây dựng khi chưa có giấy phép, đại diện Công ty Tấn Phát cho rằng, dự án điểm du lịch Hòn Khô được chính quyền chấp thuận nhưng rơi vào thời điểm 2018 - 2020 bị ảnh hưởng dịch Covid-19 nên không thể triển khai.
Sau khi dịch bệnh tạm ổn, cơ quan nhà nước đôn đốc nhà đầu tư sớm triển khai dự án để góp phần phát triển du lịch tỉnh nhà.
"Trước việc thúc tiến độ, chúng tôi thực hiện song song triển khai xây dựng và hoàn tất hồ sơ, không phải doanh nghiệp tự ý xây dựng. Với địa hình đảo Hòn Khô, nếu để đúng quy trình thì dự án sẽ rất lâu vì nhân công chỉ có thể thi công khoảng 6 tháng, còn lại bị ảnh hưởng mưa gió bão. Hiện tại, chúng tôi đã nộp hồ sơ xin cấp phép xây dựng tại Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh và đang chờ", ông Hoàng Sâm cho hay.
Đảo Hòn Khô ở xã Nhơn Hải (TP.Quy Nhơn) vốn là địa điểm du lịch hấp dẫn du khách, bởi lâu nay chính quyền và người dân chung tay giữ được vẻ đẹp hoang sơ giữa biển và núi.
Thậm chí, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải - Nguyễn Ngọc Nam khẳng định, UBND xã từng có văn bản không đồng ý đối với việc triển khai dự án, bởi một số người dân có ý kiến chưa thống nhất khi giao khu vực đảo Hòn Khô cho nhà đầu tư.
Tuy nhiên, việc Công ty Tấn Phát đã đưa phương tiện phá núi, xây dựng bê tông hoá thực hiện dự án khi chưa có giấy phép xây dựng, khiến nhiều người ngỡ ngàng.
Điều khá bất ngờ, doanh nghiệp chưa nộp tiền thuê đất, dự án chưa có giấy phép xây dựng, thế nhưng sau khi nhận được công văn từ Công ty Tấn Phát thì ngày 13/5/2021, lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định đã ký văn bản số 605/BQL-QLQHXD, thống nhất chủ trương cho doanh nghiệp được triển khai xây dựng trước các hạng mục: cầu tàu, bến thủy nội địa và hệ thống điện của dự án như đề nghị của doanh nghiệp. Ngoài ra, yêu cầu Công ty Tấn Phát lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng nộp Ban xem xét và cấp giấy phép xây dựng theo quy định.
Ở góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Công Tín, Công ty Luật FDVN – Đoàn Luật sư TP.Đà Nẵng cho rằng, theo văn bản văn bản số 605/BQL-QLQHXD ngày 13/5/2021, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định đã "bật đèn xanh", cho phép chủ đầu tư được xây dựng trước các hạng mục cầu tàu, bến thuỷ nội địa, hệ thống điện trước khi được cấp phép xây dựng.
Đây là văn bản thiếu căn cứ, không những vi phạm pháp luật trầm trọng mà còn có nguy cơ dẫn đến các hệ luỵ không thể khắc phục. Việc đầu tư xây dựng các dự án du lịch tại các vị trí đặc thù như biển đảo cần phải hết sức thận trọng và tính toán thật kỹ lưỡng.
Vấn đề bảo vệ môi trường, bảo đảm cân bằng sinh thái phải được đưa lên hàng đầu và đặt ra như một điều kiện để nhà đầu tư phải đáp ứng trước khi tiến hành đầu tư.
Do đó, việc thẩm định hồ sơ thiết kế, thi công xây dựng là việc làm vô cùng cần thiết và pháp luật quy định bắt buộc phải thực hiện, trước khi khởi công xây dựng.
"Thay vì yêu cầu doanh nghiệp phải hoàn thiện hồ sơ cấp phép xây dựng đúng pháp luật để bảo đảm các yêu cầu nghiêm ngặt mang tính đặc thù của hệ sinh thái biển đảo, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định lại tỏ ra sốt sắng, ban hành một văn bản có dấu hiệu lạm quyền và trái pháp luật là cho phép doanh nghiệp xây dựng rồi mới hoàn thiện hồ sơ cấp phép xây dựng", luật sư Công Tín nói.
Cũng theo luật sư Công Tín, trong vụ việc này, bên cạnh việc xử lý các công trình xây dựng không phép, cũng cần phải xem xét trách nhiệm của Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định.
"Về phía doanh nghiệp, việc xây dựng công trình khi chưa có giấy phép xây dựng là hành vi vi phạm pháp luật, ngoài bị xử phạt theo quy định tại Khoản 7 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP (mức phạt cao nhất lên đến 140.000.000 đồng), doanh nghiệp còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm", luật sư Công Tín khẳng định.
Sau khi Báo Dân Việt đăng tải vụ việc chưa có giấy phép xây dựng nhưng Công ty Công ty Tấn Phát đã tiến hành phá núi, bê tông hoá xây dựng dự án điểm du lịch Hòn Khô, lãnh đạo Tỉnh uỷ Bình Định đã trao đổi thông tin với UBND tỉnh Bình Định.
Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định yêu cầu phải dừng ngay việc thi công khi chưa có giấy phép xây dựng ở dự án, cần thực hiện đủ thủ tục, đúng quy trình.
Trong công văn gửi Công ty Tấn Phát, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Bình Định Phan Viết Hùng cho rằng, tiến độ triển khai dự án là rất chậm. Đến nay, rất nhiều các thủ tục về đầu tư, quy hoạch, xây dựng, đất đai... chưa được hoàn thành và kéo dài, gây dư luận và hình ảnh không tốt trong chính quyền, người dân địa phương.
Vì vậy, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định đề nghị chủ đầu tư đánh giá lại khả năng thực hiện và có kế hoạch bàn giao lại dự án, nếu để tình trạng nêu trên tiếp tục kéo dài.
"Trường hợp vẫn quyết tâm đầu tư, cần có giải pháp đẩy nhanh các thủ tục theo quy định, làm cơ sở pháp lý cho hoạt động của dự án. Trước mắt, đề nghị chủ đầu tư dừng triển khai thi công tại hiện trường, hạn chế làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường của dự án", ông Viết Hùng yêu cầu.