Dân Việt

Người chăm “giấc ngủ” cho các “linh hồn bất tử” (Bài 3): Gần 30 năm, vừa đi tìm đồng đội, vừa làm quản trang

Hà Tùng Long 07/08/2022 14:17 GMT+7
Trở về từ chiến trường Quảng Trị, cựu chiến binh Phạm Song Toàn (82 tuổi) luôn ám ảnh với hình ảnh đồng đội mình đang nằm lại trên chiến trường. Và trong gần 30 năm rõng rã, ông vừa làm quản trang, vừa đi tìm đồng đội.

Trong quá trình thực hiện loạt bài viết này, PV Dân Việt đã nhiều lần không kìm được xúc động khi chứng kiến cảnh những người quản trang tóc đã hoa râm, mắt đã mờ nhòe… vẫn ngồi ngâm thơ, đọc thơ, đọc báo cho các liệt sĩ nghe sau khi đã hoàn tất công việc của mình. Dường như những thói quen khi sống và chiến đấu cùng đồng đội trong chiến trường vẫn được các thương bệnh binh, cựu chiến binh, thanh niên xung phong giữ nguyên như giữ một điều gì đó thân thuộc.

Dành dụm từng đồng lương ít ỏi để đi tìm mộ đồng đội

Sau dịp 27/7, khi PV Dân Việt tìm đến nghĩa trang xã Nhị Khê – Thường Tín (Hà Nội) thì cũng gặp được cảnh cựu chiến binh Phạm Song Toàn (82 tuổi) đang ngồi cầm tập thơ Tố Hữu đọc hết bài này đến bài khác cho các liệt sĩ trong nghĩa trang nghe. Nhìn các trang sách đã nhàu cũ, chi chít dấu vân tay ở góc cũng đủ hiểu ông Phạm Song Toàn đã đọc thơ cho đồng đội nghe nhiều đến mức nào.

Người chăm “giấc ngủ” cho các “linh hồn bất tử” (Bài 3): Gần 30 năm, vừa đi tìm đồng đội, vừa làm quản trang - Ảnh 1.

Nghĩa trang liệt sĩ xã Nhị Khê. Ảnh: Tùng Long.

Ông Toàn cho biết, ông sinh năm 1941, năm nay tròn 82 tuổi nhưng đã gần 30 năm làm công tác quản trang nghĩa trang liệt sĩ xã Nhị Khê. Trước đó, vào tháng 1/1966, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ ngày càng ác liệt, dù không thuộc diện phải đi lên đường nhập ngũ nhưng ông vẫn xung phong được ra chiến trận chiến đấu.

Ông được phân về Trung đoàn Pháo Binh 84, thuộc Sư đoàn 351, sau đó chuyển sang Đại đội trinh sát Pháo binh, tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Đến tháng 12/1973, ông bị sốt rét nặng, đơn vị đã cho ông xuất ngũ, về Bắc để chữa bệnh. Trở về địa phương, ông Toàn tham gia công tác tại xã, từng giữ các cương vị Xã đội trưởng, Trưởng công an xã và đến năm 1993 ông nghỉ hưu.

Ông Phạm Song Toàn nghẹn ngào khi tâm sự chuyện đi tìm mộ đồng đội. Clip: Tùng Long.

Trở về cuộc sống thời bình, dù phải đối diện với muôn vàn khó khăn, phải làm đủ nghề để mưu sinh nhưng trong lòng ông Toàn vẫn đau đáu với những đồng đội đang nằm lại trên chiến trường. Với ông, nếu không có những đồng đội đã chiến đấu và hy sinh anh dũng để bảo vệ đất nước thì mình đã không thể lành lặn trở về. Không ít đêm, ông thảng thốt gọi tên đồng đội trong cơn mê và tỉnh dậy khi toàn thân ướt đầm mồ hôi. Những cơn mê ám ảnh như thế cứ nhiều dần lên và ông nghĩ mình phải làm gì đó. Quyết tâm sẽ lên đường vào lại chiến trường xưa để tìm mộ đồng đội, ông Toàn đã dành dụm những đồng lương bảo vệ ít ỏi (ông Toàn làm bảo vệ cho trường cấp 3 huyện sau khi thôi công tác ở xã - PV) và bắt tay vào thu thập thông tin qua báo đài.

"Lúc về lại với đời thường, tôi luôn ám ảnh với hình ảnh đồng đội đã chiến đấu và hy sinh trên chiến trường Quảng Trị. Nghĩ thương anh em cùng ra đi với nhau mà mình được trở về, còn họ nằm lại giữa lòng đất lạnh…. lại chứng kiến cảnh thân nhân các gia đình liệt sĩ đi tìm hài cốt của người thân mà cứ đi rồi lại trở về, không thể nào tìm ra nổi nên tôi đã quyết tâm dành dụm tiền để cùng thân nhân các liệt sĩ đi tìm mộ.

Năm 1995, gia đình anh Bùi Thanh Huệ (Hà Tây cũ) tìm đến nhờ tôi đi tìm mộ của anh. Anh Huệ trước ở cùng đại đội với tôi, sau chuyển sang đơn vị tác chiến. Lúc anh ấy đang đi trinh sát thì bị địch phục kích, hy sinh ở bờ Nam sông Bến Hải và được đơn vị đưa ra an táng ở bờ Bắc sông Bến Hải. Năm đó, tôi mang theo xe đạp, bắt xe khách vào Quảng Trị. Vào đến nơi, tôi đạp xe ngược dốc vào các nghĩa trang Vĩnh Linh, Cam Lộ, Đông Hà… để tìm phần mộ của anh Huệ nhưng không tìm được vì mộ được di chuyển nhiều lần nên không còn dấu vết.

img
img

Cuốn sổ ghi chép thông tin phần mộ liệt sĩ của ông Phạm Song Toàn trong quá trình đi tìm mộ đồng đội ở các nghĩa trang liệt sĩ. Ảnh: Tùng Long

Đi đến đâu, các đồng chí quản trang cũng bảo là có nhiều người đã quy tập về đây nhưng vì không có thông tin nên không biết người nằm dưới đó là ai. Tuy vậy, tôi đã kịp chép tốc ký được một số thông tin phần mộ các liệt sĩ ở phía Bắc. Tính từ thời điểm đó đến năm 2008, tôi đã hơn 30 lần vào lại chiến trường xưa tìm đồng đội, đưa được 16 liệt sĩ trở về với quê hương, dòng tộc, gia đình", ông Toàn kể.

Theo ông Toàn, cứ mỗi lần ghi chép được các thông tin về phần mộ các liệt sĩ, ông lại viết thư gửi cho các gia đình liệt sĩ hoặc gửi thư lên báo Hà Tây, báo Quân đội Nhân dân, báo An ninh Thủ đô… nhờ đăng tải nhằm báo tin cho thân nhân các liệt sĩ. Tính từ năm 1995 đến năm 2008, ông Toàn đã đặt chân đến hơn 30 nghĩa trang của các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế để tìm mộ liệt sĩ.

Ông cũng đã ghi chép được tên tuổi, địa chỉ, nơi an nghỉ của gần 3.000 liệt sĩ. Riêng ở xã Nhị Khê, ông đã cùng gia đình đưa được 4 liệt sĩ trở về quê hương. Từ năm 2008 đến nay, do sức khỏe đã yếu đi nhiều nên ông không thể đi xa tìm hài cốt đồng đội được nữa mà dồn hết tâm sức cho công tác quản trang.

Giao cảm với đồng đội bằng đọc thơ Tố Hữu

Ông Phạm Song Toàn chia sẻ, nghĩa trang liệt sĩ xã Nhị Khê rộng khoảng 3 sào Bắc Bộ (tương đương với 1ha), có gần 100 phần mộ liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Những ngày đầu mới nhận nhiệm vụ trông nom, chăm sóc đài tưởng niệm, phần mộ liệt sĩ tại nghĩa trang, ông Toàn khá vất vả. Vì thời đó, do mọi thứ còn khó khăn nên gọi là nghĩa trang nhưng chỉ có một ít phần mộ nằm lọt thỏm giữa cánh đồng. Cỏ và cây dại mọc um tùm, che lấp cả mộ. Thỉnh thoảng, người dân trong vùng lại thả trâu bò ra ăn cỏ, trâu bò giẫm đạp lên mộ, trông rất tiêu điều và xơ xác. Ông thường phải có mặt ở đó để nhổ cỏ, chặt cây, phong quang và xua đuổi trâu bò.

Ông Phạm Song Toàn chia sẻ về nghĩa trang liệt sỹ xã Nhị Khê. Clip: Tùng Long.

Sau này, khi nghĩa trang được xây dựng khang trang, nhiều hài cốt liệt sĩ được quy tập về đây thì ông lại lau chùi, quét dọn các phần mộ, trồng thêm cây cảnh, chỉnh trang khuôn viên để ngày càng đẹp hơn. Tính đến nay, trong khuôn viên có rất nhiều loại cây xanh, các loại hoa và trước khuôn viên là những hàng cây tùng thẳng tắp.

Hai bên cổng vào còn có những bể nước nhỏ để nuôi cá và thả các loài hoa sống dưới nước. Cứ đều đặn ba bốn ngày ông lại đạp xe từ nhà ra quét dọn, nhổ cỏ, đốt rác… Bản thân ông Toàn còn tự bỏ tiền ra mua hơn 100 cây giống để trồng dọc trục đường đi qua nghĩa trang nhằm tạo bóng mát và cảnh quan cho đường làng.

Những ngày lễ lớn của cả nước như: 30/4, 27/7, 2/9… ông Toàn thường có mặt ở nghĩa trang liệt sĩ rất sớm để thắp hương, cắm hoa và bày biện lễ vật trên đài tưởng niệm và ở các phần mộ, chờ chính quyền lẫn bà con nhân dân ra làm lễ tưởng niệm. Những ngày đó dường như là ngày vui nhất của ông bởi nghĩa trang liên tục có người đến thắp hương, không chỉ hiu quạnh mình ông với những nấm mồ của đồng đội.

Người chăm “giấc ngủ” cho các “linh hồn bất tử” (Bài 3): Gần 30 năm, vừa đi tìm đồng đội, vừa làm quản trang - Ảnh 6.

Tập thơ mà nhà thơ Tố Hữu tặng cho ông Phạm Song Toàn lúc nhà thơ còn sống. Ảnh: Tùng Long.

Kể về thói quen đọc thơ cho các liệt sĩ nghe, ông Phạm Song Toàn cho biết, từ thời trẻ ông đã rất mê thơ của nhà thơ Tố Hữu. Lúc nhà thơ còn sống, ông đã nhiều lần đạp xe từ quê lên phố để thăm nhà thơ và được ông tặng tập thơ "Từ ấy, Việt Bắc, Gió lộng" có bút tích kèm chữ ký. Có được tập thơ, ông nảy ra ý nghĩ đọc thơ cho đồng đội nghe như những ngày còn ở chiến trường. Vì thế, thỉnh thoảng ông lại cầm tập thơ mà nhà thơ Tố Hữu tặng ra nghĩa trang đọc cho các liệt sĩ nghe. Những lúc đó, ông cảm giác như đồng đội cũng về nghe và ông giao cảm được gần hơn với từng liệt sĩ.

"Tôi được UBND và Hội Cựu chiến binh huyện Thường Tín tặng nhiều giấy khen và Hội Cựu chiến binh TP Hà Nội tặng danh hiệu "Cựu chiến binh gương mẫu". Hàng tháng, tôi được nhận mức trợ cấp 300.000 đồng cho công việc quản trang. Số tiền trợ cấp này cũng phải 10 năm trở lại đây mới có, còn 20 năm trước hoàn toàn không có.

Tôi cũng không đòi hỏi gì cả vì ngay từ đầu tôi đã xác định làm việc này vì nghĩa tình đồng đội. Cái tôi cảm thấy an ủi nhất đó là được chính quyền các cấp, Hội Cựu chiến binh cùng bà con nhân dân ghi nhận. Những dịp lễ, tết… thỉnh thoảng tôi cũng được biếu chút quà và bà con nhân dân khi ra nghĩa trang thắp hương thì cũng biếu chút hoa quả thay cho lời cảm ơn. Với tôi, như thế là mãn nguyện rồi!", ông Phạm Song Toàn bày tỏ.

img
img

Ông Phạm Song Toàn chăm sóc từng cây hoa trên phần mộ các liệt sĩ. Ảnh: Tùng Long.

Năm nay đã bước vào tuổi 82, cái tuổi như ngọn đèn dầu trước gió… nhưng ông Toàn vẫn chưa ngày nào thôi nghĩ về đồng đội. Mong muốn lớn nhất của ông là những phần mộ khắc bia "chưa xác định được thông tin" trong nghĩa trang liệt sĩ xã Nhị Khê nói riêng và trong tất cả nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước nói chung sớm tìm được danh tính người nằm dưới mộ để trả lại tên tuổi cho họ. Ông cũng mong, nếu sau này mình có phải về với ông bà tổ tiên thì người tiếp quản công việc quản trang cũng sẽ dốc hết tấm lòng trong việc trông nom, chăm sóc từng phần mộ, từng gốc cây, từng tiểu cảnh để nghĩa trang luôn sạch đẹp.

(còn tiếp)