Người chăm “giấc ngủ” cho các “linh hồn bất tử” (Bài 1): Những nghĩa tình cao đẹp!

Hà Tùng Long Thứ năm, ngày 04/08/2022 10:13 AM (GMT+7)
Xuất phát từ tấm lòng tri ân và nghĩa tình đồng đội mà nhiều thương bệnh binh, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong... đã nhiều năm âm thầm và lặng lẽ trông nom, chăm sóc các phần mộ liệt sỹ ở các nghĩa trang liệt sỹ trên địa bàn Hà Nội.
Bình luận 0

Lời tòa soạn!

Năm nay, tròn 75 năm kỷ niệm ngày Thương binh – Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2022). Chưa bao giờ các hoạt động đền ơn đáp nghĩa lại được tổ chức rầm rộ và thiết thực như thế trên khắp cả nước nói chung, Hà Nội nói riêng. Ngoài các đối tượng chính sách được hưởng chế độ theo đúng quy định, ở nhiều địa phương còn tổ chức khen thưởng người làm công tác quản trang đài tưởng niệm, nghĩa trang liệt sỹ. Tuy nhiên, cho đến nay, người làm công tác quản trang vẫn chưa thực sự được tri ân đúng mức dù sự đóng góp của họ không hề nhỏ. Chính nhờ họ mà các đài tưởng niệm, nghĩa trang liệt sỹ luôn được sạch sẽ, khang trang, tôn nghiêm và ấm áp. Có lẽ vì thế mà người dân ưu ái gọi họ là "người chăm giấc ngủ cho các liệt sỹ"…

Trong số họ, có rất nhiều người là cựu chiến binh, thương - bệnh binh, cựu thanh niên xung phong… trở về từ cuộc chiến ác liệt, đang mang trên mình nhiều vết thương chiến tranh nhưng vẫn luôn canh cánh trong lòng "món nợ ân tình" với các đồng đội đã ngã xuống để mình được sống.

Trong số họ là những người vợ, người mẹ liệt sỹ... họ tình nguyện trông nom đài tưởng niệm, nghĩa trang liệt sỹ như một cách hướng về người thân của mình. Và có những người dân rất bình thường cũng hết mình chăm sóc các đài tưởng niệm, nghĩa trang liệt sỹ xuất phát từ lòng biết ơn những người đã không tiếc máu xương và tuổi trẻ để bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc hôm nay. Họ tình nguyện nhiều đêm "thức không ngủ" để báo đáp sự hy sinh của lớp lớp cha anh đi trước.

Và chính vì thế mà báo Dân Việt thực hiện loạt bài "Những người chăm "giấc ngủ" cho các "linh hồn bất tử" để tôn vinh những tấm lòng, những nghĩa cử cao đẹp, những ứng xử nghĩa tình của những người làm công tác quản trang đài tưởng niệm, nghĩa trang liệt sỹ trên toàn địa bàn thành phố Hà Nội.

Xưa chiến đấu quên mình, nay trọn nghĩa tình với đồng đội

Trong buổi đến thăm và làm việc với Bộ Tư lệnh Quân khu 4 vào tháng 7/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu rằng: "Không có đất nước nào mà có nhiều nghĩa trang liệt sỹ như đất nước chúng ta, không có đất nước nào có nhiều tượng đài được xây dựng để ghi công những người đã hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như của đất nước chúng ta".

Người chăm “giấc ngủ” cho các “linh hồn bất tử”: Những nghĩa tình cao đẹp! - Ảnh 2.

Lãnh đạo TP. Hà Nội dâng hương tưởng nhớ và tri ân các anh hùng liệt sỹ ở Nghĩa trang liệt sỹ TP. Hà Nội. Ảnh: Quỳnh Anh.

Theo thống kê của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, tính đến tháng 7/2022, cả nước hiện có hơn 3.200 nghĩa trang liệt sỹ và hơn 3.000 công trình ghi công liệt sỹ. Khắp 63 tỉnh, thành phố, địa phương nào cũng có nghĩa trang liệt sỹ. Riêng TP. Hà Nội có tất cả 300 nghĩa trang liệt sỹ, với 3 nghĩa trang lớn là Nghĩa trang Mai Dịch (Cầu Giấy), Nghĩa trang liệt sỹ Hà Nội (Tây Tựu, Bắc Từ Liêm) và Nghĩa trang liệt sỹ Ngọc Hồi (Ngũ Hiệp, Thanh Trì).

Trong đó, Nghĩa trang liệt sỹ Hà Nội (Tây Tựu, Bắc Từ Liêm) hiện là nơi an nghỉ của hơn 2.000 liệt sỹ và mẹ Việt Nam anh hùng, Nghĩa trang Mai Dịch có khoảng 1.200 phần mộ liệt sỹ và Nghĩa trang Ngọc Hồi có khoảng 1.300 phần mộ liệt sỹ. Theo quy định phân cấp của TP. Hà Nội, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội sẽ quản lý 3 nghĩa trang liệt sỹ lớn kể trên, còn các quận, huyện, phường, xã sẽ tự quản lý các nghĩa trang liệt sỹ trên địa bàn của mình. 

Chính vì sự phân cấp này nên các địa phương sẽ phải chủ động trong công tác quản lý, trông nom và chăm sóc các đài tưởng niệm, nghĩa trang liệt sỹ. Và vì thế, đội ngũ thực hiện công tác quản trang, trông nom và chăm sóc các đài tưởng niệm, nghĩa trang liệt sỹ cũng rất đa dạng, thuộc nhiều thành phần và lứa tuổi khác nhau.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu, phần lớn trong số đó là các thương - bệnh binh, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong… Họ chăm sóc và hương khói cho các phần mộ liệt sỹ, mẹ Việt Nam Anh hùng đều trên tinh thần tình nguyện và nhận một mức trợ cấp khá khiêm tốn. Mức trợ cấp tùy từng địa phương nhưng chủ yếu dao động từ 300 nghìn đến 500 nghìn đồng.

Người chăm “giấc ngủ” cho các “linh hồn bất tử”: Những nghĩa tình cao đẹp! - Ảnh 3.

Nghĩa trang liệt sỹ Hà Nội hiện có hơn 2.000 phần mộ là nơi an nghỉ của các liệt sỹ đã anh dũng hy sinh trong các thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Ảnh: Thu Hiền.

Đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội (LĐTBXH) chia sẻ với Dân Việt, nhiều năm qua, công tác chỉnh trang, tu sửa các công trình đài tưởng niệm và nghĩa trang liệt sỹ trên toàn TP. Hà Nội luôn được chú trọng đầu tư đúng mức. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2022, các quận, huyện đã tu sửa, nâng cấp 123 công trình ghi công liệt sỹ với kinh phí hơn 71 tỷ đồng. Tuy nhiên, các công trình dù có được xây dựng khang trang, nâng cấp đẹp đẽ đến mấy mà không có những người làm công tác quản trang thì cũng sẽ "hương tàn khói lạnh", xuống cấp theo thời gian.

"Chính nhờ bàn tay trông nom, chăm sóc của những người làm công tác quản trang mà các đài tưởng niệm, các nghĩa trang liệt sỹ trên toàn thành phố được sạch đẹp, ấm áp. Phần lớn trong số họ làm việc với tinh thần tình nguyện, bằng tấm lòng biết ơn dành cho các liệt sỹ, các mẹ Việt Nam anh hùng. Nhiều người dù là thương - bệnh binh, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong… trở về từ cuộc chiến, hoàn cảnh gặp muôn vàn khó khăn nhưng đã không quản ngại khó khăn, luôn hoàn thành tốt công việc của mình", đại diện Sở LĐTBXH Hà Nội nhấn mạnh.

Chăm sóc các phần mộ liệt sỹ như chăm chính ngôi nhà mình!

Trao đổi với Dân Việt, ông Lê Hào Quang – Trưởng phòng LĐTBXH huyện Ba Vì chia sẻ rằng, toàn huyện Ba Vì có 29 nghĩa trang liệt sỹ, trong đó, nghĩa trang liệt sỹ Đá Chông (Minh Quang) có khoảng 400 phần mộ liệt sỹ. Cả 29 nghĩa trang liệt sỹ này đều có người làm công tác quản trang, trông nom và chăm sóc các phần mộ thường xuyên và được hưởng chế độ phụ cấp. Dịp 27/7 vừa qua, phòng LĐTBXH huyện Ba Vì cũng đã tổ chức khen thưởng cho 3 người làm công tác quản trang ở Đài tưởng niệm liệt sỹ  huyện Ba Vì, Nghĩa trang liệt sỹ Đá Chông và Nghĩa trang liệt sỹ xã Phong Vân. Cả 3 đã không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chăm sóc các phần mộ liệt sỹ mà còn có nhiều đóng góp trong việc tạo dựng cảnh quan cho nghĩa trang.

Người chăm “giấc ngủ” cho các “linh hồn bất tử”: Những nghĩa tình cao đẹp! - Ảnh 4.

Bệnh binh Nguyễn Văn Lịch đã có 33 năm làm công tác trông nom và chăm sóc các phần mộ ở Nghĩa trang Châu Sơn, Ba Vì. Ảnh: BV.

"Trên địa bàn huyện Ba Vì, có nhiều nghĩa trang liệt sỹ được các thương - bệnh binh, cựu thanh niên xung phong hoặc cựu chiến binh tình nguyện chăm sóc, trông nom. Họ làm công việc này hoàn toàn không phải vì phụ cấp bởi chế độ phụ cấp cực kỳ ít ỏi, mà làm vì nghĩa tình với đồng đội, với anh linh của liệt sỹ đã nằm lại trên chiến trường. 

Thực sự mà nói là chúng tôi rất biết ơn các bác làm công tác quản trang, bởi họ chăm sóc nghĩa trang, chăm sóc từng phần mộ liệt sỹ như chăm sóc chính ngôi nhà của mình. Nhiều người đã gắn bó với công tác quản trang này trên 30 năm, nay đã có tuổi, sức khỏe kém đi đôi phần nhưng họ vẫn tận tụy làm, không đòi hỏi bất kỳ một điều gì cả", ông Lê Hào Quang cho biết.

Theo ông Lê Hào Quang, ở Nghĩa trang liệt sỹ Châu Sơn có bệnh binh 2/3 Nguyễn Văn Lịch (72 tuổi) đã gắn bó với công tác quản trang 33 năm. 33 năm qua, người bệnh binh này vẫn âm thầm hương khói cho từng phần mộ liệt sỹ, chăm sóc từng gốc cây xanh, chỉnh trang từng cảnh quan, nhắc nhở người dân không cho trâu bò xâm hại nghĩa trang. Những ngày đầu làm công việc này, ông Lịch hoàn toàn không được nhận bất kỳ một đồng phụ cấp nào, 8 năm trở lại đây mới được huyện hỗ trợ 350 nghìn đồng/tháng. Lãnh đạo huyện, xã và người dân địa phương rất ghi nhận sự đóng góp của ông Lịch trong việc chăm sóc nơi an nghỉ của các anh hùng liệt sỹ xã Châu Sơn.

Người chăm “giấc ngủ” cho các “linh hồn bất tử”: Những nghĩa tình cao đẹp! - Ảnh 6.

Nghĩa trang liệt sỹ xã Trần Phú - Chương Mỹ mới được tu sửa khang trang. Ảnh: Trần Thụ.

Ông Nguyễn Đình Nghĩa - Trưởng phòng LĐTBXH huyện Chương Mỹ cũng cho Dân Việt biết, trên địa bàn huyện có 32 nghĩa trang liệt sỹ, mỗi xã một nghĩa trang. Ở các nghĩa trang cấp xã, những người làm công tác quản trang đóng vai trò rất quan trọng bởi họ không chỉ trông nom, dọn dẹp và hương khói cho các phần mộ liệt sỹ mà còn ngăn cản các vật nuôi vào quấy phá. Bên cạnh đó, nhiều công trình xây dựng đã lâu năm nhưng chưa có kinh phí để chỉnh trang, tu sửa… thì những người làm công tác quản trang cũng đóng luôn vai trò người "thợ".

"Thực sự là những người làm công tác quản trang đóng vai trò rất quan trọng. Họ xứng đáng được gọi là người "chăm" giấc ngủ cho các "hồn thiêng bất tử". "Chăm" chứ không phải "canh", bởi họ không chỉ "canh" để ngăn sự xâm phạm của các vật nuôi mà còn "chăm" sóc từng gốc cây, ngọn cỏ, bát hương, lọ họa… Hàng năm, họ còn tự tay sơn sửa và chỉnh trang lại các phần mộ cho sạch đẹp để thân nhân liệt sỹ đến viếng người thân cũng cảm thấy ấm lòng. 

Nhiều người ở địa phương là cựu chiến binh, nhận nhiệm vụ trông nom và chăm sóc nghĩa trang liệt sỹ không đòi hỏi bất kỳ điều gì cả. Chính quyền lẫn nhân dân địa phương rất biết ơn những người làm công việc này. Chỉ tiếc là chưa đủ ngân sách để có thể tri ân họ một cách xứng đáng", ông Nguyễn Đình Nghĩa bày tỏ.

Người chăm “giấc ngủ” cho các “linh hồn bất tử”: Những nghĩa tình cao đẹp! - Ảnh 8.

Ông Nguyễn Phùng Thao bên những nấm mộ liệt sỹ trong Nghĩa trang liệt sỹ Sài Sơn (Quốc Oai). Ảnh: HNM.

Cựu chiến binh Nguyễn Phùng Thao - quản trang Nghĩa trang liệt sỹ Sài Sơn (Quốc Oai) kể với Dân Việt rằng, với những người làm công tác quản trang như ông thì việc được chăm sóc các phần mộ liệt sỹ là một niềm hạnh phúc. Đó cũng là cơ hội để ông trả món nợ ân tình với những lớp lớp cha anh đã ngã xuống để bảo vệ độc lập, tự do cho đất nước. Bản thân ông không nghĩ nhiều đến chuyện vất vả, khó khăn… mà chỉ đau đáu với những nấm mộ "chưa xác định được thông tin" trong các nghĩa trang liệt sỹ trên địa bàn hiện nay. Vì thế, ông đã nhiều lần đề xuất lên chính quyền địa phương và cũng bàn bạc với nhiều người dân để làm sao có thể "trả lại tên" cho những phần mộ đó.

"Chúng tôi không nghĩ gì đâu, chúng tôi chỉ mong cha anh và đồng đội mình được an bình trong giấc ngủ vĩnh hằng. Họ đã quá gian khổ trong các trận chiến bảo vệ tổ quốc Việt Nam. Chúng tôi sẽ nguyện tận tụy hết mình để chăm sóc phần mộ các liệt sỹ - những linh hồn bất tử", ông Nguyễn Phùng Thao bày tỏ.

(còn tiếp)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem