Người chăm “giấc ngủ” cho các “linh hồn bất tử” (Bài 2): Trả ơn đồng đội đã ngã xuống để mình được sống
Người chăm “giấc ngủ” cho các “linh hồn bất tử” (Bài 2): Trả ơn đồng đội đã ngã xuống để mình được sống
Hà Tùng Long
Thứ sáu, ngày 05/08/2022 13:44 PM (GMT+7)
Những ngày rong ruổi đến nhiều nghĩa trang liệt sỹ trên địa bàn thành phố Hà Nội, chúng tôi đã gặp được nhiều người làm quản trang, được nghe kể rất nhiều câu chuyện cảm động và được chứng kiến sự tận tụy của họ dành cho các nghĩa trang, các phần mộ liệt sỹ và mẹ Việt Nam anh hùng.
Ấn tượng sâu đậm nhất phải kể đến đầu tiên đó là khi PV Dân Việt đến nghĩa trang liệt sỹ xã Hồng Vân – Thường Tín thì gặp cảnh bà Hoàng Thị Ánh (75 tuổi) - thương binh 4/4 đang ngồi bên các hàng mộ để ngâm thơ cho đồng đội nghe vào giữa trưa đầy nắng. Bà Ánh cho biết, đây là thói quen của bà kể từ khi nhận nhiệm vụ trông nom, chăm sóc nghĩa trang liệt sỹ xã Hồng Vân từ năm 2013.
Theo đó, tháng 1/1967, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tiếp nối truyền thống của thế hệ cha anh đi trước, bà Hoàng Thị Ánh quyết tâm xin nhập ngũ. Trở về từ chiến trường, bà mang trên mình nhiều vết thương chiến tranh và được xác định mức thương tật 4/4. Từ năm 2013, khi nghĩa trang liệt sỹ xã Hồng Vân chỉ là những nấm mộ lẻ tẻ, chưa có đài tưởng niệm, chưa có hàng rào bao quanh, chỉ có những hàng dứa dại và cây cỏ mọc um tùm… bà Ánh đã tình nguyện được trông nom, chăm sóc từng phần mộ ở đây.
"Bản thân là một người lính trải qua chiến tranh, thấu hiểu sự mất mát và hy sinh của biết bao đồng đội để giành lại độc lập, tự do cho đất nước. Chính họ đã hy sinh để những người như chúng tôi được sống, được trở về với gia đình và được hưởng cuộc sống hòa bình hôm nay. Vì thế, tôi không thể chỉ biết sống cho riêng mình mà phải làm gì đó tri ân đồng đội mình. 11 năm qua, tôi nhận trông nom, chăm sóc nghĩa trang liệt sỹ của xã như một cách để tôi trả ơn đồng đội mình, trả ơn những người đã ngã xuống để mình được sống", bà Ánh nói thêm.
Theo bà Ánh, dù đã bước qua tuổi 75, sức khỏe có đôi phần giảm sút, lúc trái gió trở trời vết thương cũ lại tái phát… nhưng bà vẫn không rời nghĩa trang liệt sỹ ngày nào. Cứ đều như "vắt chanh", khi đã lo xong việc gia đình là bà lại ra nghĩa trang thắp hương cho các đồng đội, sau đó là dọn dẹp cỏ dại, lau chùi từng nấm mộ, chỉnh trang từng góc khuôn viên. Những ngày đầu, khi tu sửa lại nghĩa trang, bà đã đề xuất chính quyền địa phương mua trồng thêm các loại cây cảnh để khuôn viên nghĩa trang có thêm màu xanh, bóng mát và thẩm mỹ hơn. Nhờ có bàn tay chăm sóc và sự tận tụy của bà Ánh mà nhiều năm nay, nghĩa trang xã Hồng Vân được người dân trong huyện biết đến như một "công viên tâm linh" vừa xanh, vừa sạch, vừa đẹp.
Bà Ánh tâm sự rằng, giờ bà không mong gì hơn ngoài mong có thật nhiều sức khỏe để nối dài tâm nguyện cận kề, chăm sóc phần mộ của các đồng đội, trông nom nghĩa trang như một điểm đến tâm linh của xã. Để mai này, khi nằm xuống, bà cũng sẽ mãn nguyện là đã phần nào đền đáp được ân tình đối với đồng đội, với những người đã nằm lại trên chiến trường hôm qua.
Ngày chăm sóc nghĩa trang, đêm ngủ cạnh các phần mộ
Câu chuyện của cựu chiến binh Nguyễn Khánh Toàn (88 tuổi) - quản trang Nghĩa trang liệt sỹ Phú Xuyên - Thị trấn Phú Xuyên cũng mang đến rất nhiều xúc động. Ông Toàn sinh ra trong một gia đình cách mạng có mẹ và em trai là liệt sỹ (đều chưa tìm thấy mộ). Tháng 7/1967, mặc dù đang là thầy lang có uy tín tại địa phương, nhưng ông vẫn bỏ nghề, tình nguyện lên đường nhập ngũ vào đơn vị Q16, trực thuộc Bộ Tổng tư lệnh, chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam Bộ.
Ông tham gia nhiều trận đánh ác liệt trên các địa bàn như: Lai Khê, Bến Cát, Trảng Bàng, Đồng Dù… Đến tháng 8/1968, ông bị thương nặng, phải chuyển về tuyến sau điều trị. Dù mang thương tật 67% nhưng ông vẫn xin rút xuống để được ở lại chiến trường chiến đấu đến tháng 6/1976 mới phục viên.
Những năm tháng trong quân ngũ, chứng kiến bao tấm gương hy sinh anh dũng của đồng đội, nỗi đau thương, mất mát của những gia đình có người thân ngã xuống, ông Toàn càng thấm thía cái giá của hòa bình... nên vài năm sau khi xuất ngũ, ông xung phong trông nom nghĩa trang liệt sỹ thay người tiền nhiệm đã già yếu qua đời. Từ đó đến nay, tròn 37 năm, ông Toàn xem nghĩa trang liệt sỹ như nhà mình, ngày ngày chăm sóc, dọn dẹp từng phần mộ, nhổ từng bụi cỏ dại, tỉa tót từng góc khuôn viên, đêm ngủ lại nơi đây cho bớt hiu quạnh.
Nghĩa trang liệt sỹ Phú Xuyên rộng hơn 1 hecta, hiện có hơn 200 phần mộ liệt sỹ, đa số là liệt sỹ thời chống Mỹ. Trong suốt 37 năm nhận nhiệm vụ trông nom, chăm sóc nghĩa trang liệt sỹ, ông Toàn không kể nắng mưa, không kể bệnh tật… luôn hết mình với công việc.
Từ hương khói cho đến quét dọn, lau chùi từng phần mộ, trồng cây tạo cảnh quan… việc gì ông cũng tự tay làm bằng cái tâm của một người cựu binh trở về từ cuộc chiến đối với đồng đội của mình. Thậm chí, ông còn bỏ tiền túi ra - những số tiền ít ỏi mà ông kiếm được từ việc lên rừng hái thuốc nam về bán để mua bát hương bị vỡ lắp vào các phần mộ và mua hương, đèn, hoa quả thắp hương cho các liệt sỹ.
"Nhiều người bảo tôi có tuổi rồi, sức khỏe ngày càng kém dần thì nên nghỉ ngơi đi chứ đừng làm nữa. Nhưng tôi bỏ làm sao được khi 37 năm qua, tôi với các liệt sỹ đã gắn bó như máu thịt. Tôi vẫn sẽ làm công việc nghĩa tình với đồng đội của tôi đến phút cuối cùng, khi tôi không thể làm được nữa mới thôi", ông Toàn bùi ngùi tâm sự.
Con nối gót cha "canh giấc" cho đồng đội "ngủ"
Chung một tâm nguyện, cựu chiến binh Nguyễn Quang Lai (75 tuổi) ở xã Cổ Đô - Ba Vì cũng đã có 28 năm gắn bó với công việc quản trang tại nghĩa trang liệt sĩ quê nhà. Trước đó, bố ông cũng là người đã đảm nhận công việc này trong một thời gian dài. Theo lời ông Lai kể,năm 1966, ông tham gia chiến đấu tại chiến trường Khe Sanh (tỉnh Quảng Trị) và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Trở về quê hương, năm 1994, sau khi bố qua đời, ông quyết định tiếp nối công việc của bố mình và cũng là một cách ông tìm chút hơi ấm bên anh linh những đồng đội đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến vệ quốc.
Trong 28 năm qua, 263 phần mộ trong Nghĩa trang liệt sỹ xã Cổ Đô luôn được ông Lai bảo vệ, chăm sóc với sự tận tụy, nghĩa tình. Cứ định kỳ 5 ngày một lần, ông lại dành thời gian quét dọn, nhổ cỏ, chăm sóc cây cối trong khuôn viên nghĩa trang. Để có được khuôn viên xanh ngắt màu cây và đẹp như một vườn cây cảnh, ông Lai vừa tự đi xin cây từ các nhà dân, vừa đề xuất chính quyền mua thêm về trồng.
Tính đến nay, trong khuôn viên nghĩa trang liệt sỹ xã Cổ Đô có hơn 30 cây với nhiều loại như hoa đại, hoa đào, cau cảnh, tùng, liễu... Trước các khoảng đất trống ở các phần mộ liệt sỹ, ông còn trông thêm các loài hoa mười giờ để có thêm sắc màu rực rỡ cho nghĩa trang thêm đẹp.
"Với tôi, từng phần mộ, từng gốc cây, từng ngọn cỏ trong khuôn viên nghĩa trang liệt sỹ này là nghĩa tình của tôi dành cho lớp lớp cha anh và đồng đội đã hy sinh trong cuộc chiến giữ gìn hòa bình, bảo vệ tổ quốc. Tôi được sống đến hôm nay là nhờ họ. Vì thế, tôi không bao giờ nghĩ ngợi gì cả và cũng không quản ngại chuyện nắng mưa, mệt nhọc. Trước đây, việc trông nom nghĩa trang hoàn toàn không có chế độ gì, chỉ mấy năm gần đây mới được xã hỗ trợ một khoản khiêm tốn. Số tiền không đáng là bao và tôi cũng không sống dựa vào khoản tiền đó mà điều quan trọng là tôi thấy thanh thản vì đã làm được những việc nghĩa tình với đồng đội của tôi", ông Lai bày tỏ.
Ở xã Cổ Đô, dường như nhắc đến tên ông Lai là không ai không biết. Những việc làm âm thầm mà đầy ắp nghĩa tình của ông đối với các liệt sỹ được chính quyền địa phương, Hội Cựu chiến binh xã và nhân dân địa phương hết sức ghi nhận và đánh giá cao. Người dân trân quý gọi ông là "Ông già chăm giấc ngủ cho các liệt sỹ". Vào những dịp lễ, tết, ngày thương binh – liệt sỹ, nhân dân không chỉ đến thắp hương, dâng hoa tri ân các liệt sỹ mà còn tìm đến bắt tay ông thật chặt để nói một lời cảm ơn. Với người cựu binh đã trải qua bao trận mạc, đang ở tuổi "xưa nay hiếm"… thì đó mới là "món quà" đáp nghĩa lớn lao nhất, giúp ông sống vui khỏe hơn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.