Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, đến nay thành phố đã đánh giá, phân hạng và công nhận được 1.649 sản phẩm OCOP. Gồm 4 sản phẩm 5 sao của Công ty TNHH Gốm Sứ Quang Vinh; 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao (đã trình Bộ NNPTNT xem xét đánh giá, phân hạng); 1.098 sản phẩm 4 sao và 534 sản phẩm 3 sao. Với kết quả đó, Hà Nội đang là đơn vị dẫn đầu cả nước về số sản phẩm OCOP và số sản phẩm OCOP cấp quốc gia (5) sao.
Đánh giá về kết quả thực hiện Chương trình OCOP trong thời quan qua, ông Nguyễn Văn Chí - Phó Chánh Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội cho biết: Có 3 yếu tố chính góp phần tạo nên thành công bước đầu của chương trình này.
Trước hết, công tác thông tin, tuyên truyền được thành phố tổ chức sâu rộng, từ đó tạo sức lan tỏa, giúp chính quyền các cấp và mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các chủ thể hiểu được ý nghĩa của Chương trình OCOP và tích cực tham gia hưởng ứng.
Thứ 2, công tác đào tạo, tập huấn cho cán bộ các cấp, chủ thể, doanh nghiệp, hợp tác xã… được quan tâm, chú trọng thực hiện, giúp cho việc tổ chức triển khai Chương trình OCOP tại cơ sở ngày một bài bản, chuyên nghiệp, có hiệu quả.
Yếu tố quan trọng nhất chính là sự quan tâm, chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, đặc biệt là trong việc kết nối, giao thương, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm OCOP. Nhiều sự kiện, hội chợ, hội thảo kết nối giao thương, trưng bày sản phẩm nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP của Thủ đô với các tỉnh thành trong cả nước và bạn bè khách quốc tế đã được tổ chức.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Chí, thành phố có kế hoạch phấn đấu đến năm 2025 sẽ có thêm 2.000 sản phẩm OCOP được chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó 3% sản phẩm tiềm năng 5 sao. 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao có sản phẩm OCOP; có ít nhất 70% chủ thể OCOP là tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp.
Có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng hoặc tham gia liên kết chuỗi giá trị ổn định, hiệu quả; 100% các sản phẩm OCOP được tham gia các sự kiện trưng bày, giới thiệu, quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP.
Mỗi huyện, thị xã xây dựng ít nhất 1 trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch.
Hằng năm mỗi quận, huyện, thị xã phát triển ít nhất 2 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Phấn đấu 100% các trung tâm thương mại, siêu thị tổng hợp giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử…).
"Hà Nội là thị trường tiềm năng để các tỉnh, thành phố đưa các sản phẩm, đặc sản vùng miền tới quảng bá, giới thiệu, đẩy mạnh xúc tiến giao thương, tiêu thụ. Do đó, cần có sự đồng bộ trong xúc tiến thương mại, tạo điểm nhấn nổi trội và đặc sắc để xây dựng hình ảnh, thay đổi nhận thức của người tiêu dùng đối với sản phẩm, thương hiệu OCOP"- ông Chí nhấn mạnh.
Theo đó, từ đầu năm 2022 đến nay, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới TP.Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến, đầu tư, thương mại, du lịch: tham gia chương trình Hội chợ "Diễn đàn sản phẩm OCOP Đồng Tháp và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022" chủ đề Liên kết cùng phát triển tại tỉnh Đồng Tháp; tham gia chương trình "Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022 tại tỉnh Sơn La"…
"Đặc biệt, trong mùa dịch Covid-19 diễn ra căng thẳng, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới TP.Hà Nội đã phối hợp với một số đơn vị tổ chức chương trình "Ngày hội Livestream đặc sản OCOP Hà Nội - cơ hội mua sắm online an toàn trong mùa dịch". Qua đó, đã có rất nhiều đơn vị, người tiêu dùng ở Hà Nội cũng như các tỉnh kết nối xúc tiến đầu tư, bán sản phẩm của họ" - ông Chí chia sẻ.
Trên cơ sở những kết quả đó, từ nay đến cuối năm, Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức 4 sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa vùng miền (các tỉnh miền núi phía Bắc; các tỉnh, thành đồng bằng sông Hồng, Miền Trung và Tây Nguyên, Nam Bộ) tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội; Tổ chức tuần hàng các tuần hàng tư vấn, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP...
Ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới TP. Hà Nội thông tin: Song song với việc xúc tiến, quảng bá, công tác kiểm tra, giám sát sản phẩm OCOP cũng được Hà Nội đẩy mạnh triển khai thực hiện.
Đơn cử, trong năm 2021, Đoàn kiểm tra thuộc Văn phòng Điều phối nông thôn mới TP. Hà Nội đã tiến hành kiểm tra 41/50 chủ thể với 334 sản phẩm OCOP của 18 huyện, thị xã. Qua kiểm tra cho thấy các chủ thể cơ bản thực hiện tốt các quy định về sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP; sử dụng nhãn hàng hóa, duy trì chất lượng sản phẩm đảm bảo theo đúng sản phẩm OCOP đã được UBND thành phố chứng nhận...
Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng Nông thôn mới Thành phố Hà Nội.