Là người đứng đầu bộ phận sáng tạo của một đơn vị sản xuất và phát sóng nội dung số, theo anh, các bạn trẻ cần có những tố chất gì để hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo nội dung? Họ đang thừa gì và thiếu điều gì và cần rèn luyện những gì, thưa anh?
- Tố chất để hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo nội dung thì tôi nghĩ có rất nhiều, tùy vào thế mạnh của mỗi người tham gia lĩnh vực này. Với tôi, quan trọng nhất là khả năng thu nạp chất liệu từ mọi nguồn có thể bởi nếu không có chất liệu thì dù chúng ta có sáng tạo tốt đến đâu cũng khó có thể tránh được sự nghèo nàn và lặp lại.
Tiếp đó là sự kỷ luật và thực tế. Nghe có vẻ hơi ngược lại với những gì mọi người nghĩ về công tác sáng tạo, nhưng một ý tưởng sáng tạo sẽ chỉ có giá trị nếu nó tuân thủ đúng những hành lang về nội dung và tiến độ, đồng thời nó phải có tính thực tế để còn triển khai được. Còn không thì nó chỉ mãi là một ý tưởng hay ho nào đó nhưng là hay ho trên giấy mà thôi.
Công việc thiên về sáng tạo đã cho anh được - mất những gì?
- Công việc này cho tôi nhiều thứ. Tôi được gặp gỡ với những con người, những ê-kíp sản xuất tài năng ở khắp nơi và được trở thành một phần của các dự án từ lớn đến nhỏ. Điều đó cũng giúp tôi có thu nhập ổn định cuộc sống của mình và gia đình. Còn mất thì tôi nghĩ là mất tập trung trong nhiều lĩnh vực bình thường khác của cuộc sống vì đầu óc khi đang mải theo đuổi suy nghĩ nào đó, tôi thường ít để ý tới những việc xung quanh.
Là một người sáng tạo nội dung, anh nhận xét thế nào về các loại hình nội dung về giáo dục, hướng nghiệp hiện nay? Phải chăng nó không dễ "câu view" như mảng giải trí nên bị bỏ ngỏ?
- Theo lẽ tự nhiên, chúng ta thích chơi hơn làm. Cho nên, đương nhiên những chương trình về vui chơi giải trí sẽ hấp dẫn hơn những chương trình về học tập hay hướng nghiệp.
Tuy nhiên, cuộc sống chẳng ai chơi được mãi cả, chúng ta phải đi làm thì mới có điều kiện để mà đi chơi, do vậy, những nội dung về giáo dục và hướng nghiệp cũng hết sức cần thiết. Nếu coi các nội dung là những món ăn thì tôi thấy nội dung về giáo dục và hướng nghiệp nó như cơm trắng vậy.
Có vẻ hơi "nhạt nhẽo" và không hấp dẫn như thịt bò hay hải sản. Nhưng cơm thì bữa nào ăn cũng được và không chán, chứ bữa nào cũng thịt bò hay hải sản thì chắc không chịu thấu ba ngày. Để nấu một nồi cơm trắng ngon đúng chuẩn thì chưa chắc ai cũng nấu được chứ đừng nghĩ là dễ. Khi cơm ngon rồi thì ăn với gì cũng ngon. Nên chúng ta hãy làm những nội dung mang tính giáo dục và hướng nghiệp thật chuẩn chỉnh, sau đó thêm chút thịt, cá giải trí ăn kèm vào thì vừa ngon lại ăn được lâu mà không chán.
Theo anh, xu hướng nghề nghiệp hiện nay có gì thay đổi so với 10 năm về trước?
- Tôi nghĩ điều thay đổi nhiều nhất là từ nghề nghiệp ổn định sang dạng nghề nghiệp thích ứng. Thế hệ chúng tôi câu nói cửa miệng là "nghề nghiệp ổn định", nhưng ngày nay, với sự phát triển và thay đổi "chóng mặt" về công nghệ và xã hội, chẳng có gì ổn định được mãi cả.
Sẽ luôn có những nghề cũ mất đi và những nghề mới hình thành, để tồn tại được vững vàng thì nghề nghiệp ngày nay cần có tính thích ứng cao, làm sao cập nhật với nhu cầu của cuộc sống, học là để ra làm thật chứ không phải chỉ để lấy bằng đi xin việc và quan trọng nữa là phải học nhanh, chứ giờ mà học 4 năm mới ra trường thì cái nghề vừa học xong khéo lại đã lỗi thời.
Các bạn trẻ, nhất là các bạn gen Z sẽ có được cơ hội và thách thức ra sao, thưa anh?
- Các bạn Gen Z ngày nay có những công cụ rất mạnh về công nghệ và thông tin. Để học một điều gì đó mới mẻ với các bạn không phải là quá khó vì mọi thứ có thể tìm kiếm và học hỏi một cách nhanh chóng. Nhưng từ điều đó cũng mang lại những thách thức, đó là các bạn sẽ bị khủng hoảng thừa, có quá nhiều lựa chọn khiến cho các bạn không biết nên chọn cái gì, liệu chọn sai có mất cơ hội không, cứ loay hoay lựa chọn có khi lại chính là điều khiến ta mất cơ hội tốt.
Cảm ơn "Giáo sư Cù Trọng Xoay" Đinh Tiến Dũng đã chia sẻ thông tin!