Với tỷ lệ che phủ 98%, sự đa dạng sinh học và phong cảnh tuyệt đẹp chứa đựng nhiều dấu ấn lịch sử, văn hóa, khoa học và du lịch độc đáo, rừng Động Châu-Khe Nước Trong là điểm du lịch sinh thái lý tưởng, mở ra triển vọng mới cho du lịch khám phá thiên nhiên giữa đại ngàn Trường Sơn.
“Khu rừng hy vọng”
Nằm ở phía tây nam của tỉnh Quảng Bình, giáp với biên giới Việt Nam-Lào, rừng Động Châu-Khe Nước Trong vốn là rừng phòng hộ được bảo vệ nghiêm ngặt nên ngày càng phong phú về loài động, thực vật và đa dạng sinh học. Vì thế, tháng 6/2020, Quảng Bình quyết định thành lập khu dự trữ thiên nhiên để ngày càng làm giàu thêm vốn rừng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu-Khe Nước Trong là một trong những khu vực có diện tích rừng tự nhiên liên tục rộng lớn nhất ở Việt Nam và chỉ còn tồn tại ở một số khu vực dọc biên giới Việt Nam-Lào. Đặc biệt, khu vực này còn bảo tồn được một diện tích lớn rừng nhiệt đới thường xanh còn tính chất nguyên sinh trên vùng đất thấp - kiểu rừng hiện đã trở nên rất hiếm ở Việt Nam.
Giải thích về thuật ngữ “rừng thường xanh”, Phó Giám đốc Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu-Khe Nước Trong Trương Minh Quảng cho biết, đây là khái niệm để chỉ những khu rừng bốn mùa xanh cây lá. Sự đa dạng của rừng nguyên sinh với hàng nghìn loài thực vật có đặc điểm sinh trưởng khác nhau đã tạo nên rừng “thường xanh”. Khi loài này rụng lá, loài kia đang ra hoa, kết trái... xen kẽ nhau.
Nhờ thế, rừng Động Châu-Khe Nước Trong “thường xanh” trong cả bốn mùa và thảm thực vật nơi đây rất dày và ẩm quanh năm. Nổi bật ở đây là hàng nghìn loài cây bản địa, trong đó có nhiều cây cổ thụ đường kính năm đến bảy người ôm nằm ở độ cao từ 700m đến 900m so với mực nước biển. Tầng tầng, lớp lớp cổ thụ như đan vào nhau để che chắn, mang lại sự bình yên cho vùng đồng bằng ở phía nam tỉnh Quảng Bình trong mùa mưa lũ.
Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong được Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) xác định là vùng đa dạng sinh học trọng điểm nối giữa Việt Nam-Lào có hệ động, thực vật rất phong phú. Trong đó có nhiều loài quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới.
Theo đánh giá của các nhà khoa học lâm nghiệp, rừng Động Châu có nhiều loài cây gỗ quý hiếm như gụ mật, gụ lau, lim xanh, vù hương, dạ hương...
Đây còn là môi trường sống của nhiều loài chim quý hiếm, có nguy cơ bị đe dọa toàn cầu như: trĩ sao, khướu mỏ dài và khướu má xám, các loài gà lôi... Rừng Động Châu-Khe Nước Trong được Tổ chức Bảo tồn chim thế giới công nhận là một trong 62 vùng chim quan trọng và vùng chim đặc hữu rừng kín thường xanh đất thấp của Việt Nam. Các nhà khoa học lâm nghiệp gọi đây là “khu rừng hy vọng”- niềm hy vọng lưu trữ và hồi phục hệ sinh thái thiên nhiên lâu đời được giữ vững ở đây.
Từ dốc Bãi Đạn trên nhánh tây đường Hồ Chí Minh, các nhân viên Trạm bảo vệ rừng Cầu Khỉ dẫn chúng tôi bắt đầu hành trình len lỏi dưới tán rừng, ngược về nơi khởi nguồn của Khe Nước Trong.
Đúng như tên gọi, nước khe trong vắt, mát lạnh, soi rõ từng hòn cuội nhỏ và những đàn cá tung tăng bơi lội. Sau vài chục phút đi bộ và lội suối, chúng tôi dừng bước chiêm ngưỡng cây vù hương cổ thụ vươn cao tỏa bóng xuống một vùng rừng rộng lớn. Năm người xúm lại, tay cầm tay nhưng vẫn chưa đủ cho một vòng quanh gốc cây.
Các nhân viên bảo vệ rừng cho biết, đi sâu vào phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, còn rất nhiều cây cổ thụ lớn như thế. Mỗi cây được đánh dấu và có một hồ sơ riêng về lịch sử phát triển. Trên nền mầu xanh không đồng nhất của khu rừng, lộc non phớt đỏ xen lẫn mầm xanh nhú lên trong nắng. Nhiều cây hoa vàng thân leo phủ kín lối đi và xen giữa những gốc cây già trầm tư bên bờ suối là vô số cây hoa rừng đỏ tươi tạo nên những bức tranh nhiều mầu sắc giữa khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Dưới tán rừng thường xanh Động Châu-Khe Nước Trong là thế giới kỳ thú của hàng nghìn loài động, thực vật. Chúng đang được sống trong sự bảo vệ nghiêm ngặt và tình yêu thiên nhiên của những người giữ rừng mẫn cán nơi đây.
Chinh phục những ngọn thác hùng vĩ
Chuyến thăm rừng Động Châu-Khe Nước Trong đã làm cho chúng tôi mê mẩn cảnh sắc nơi đây nên quyết định trở lại khu dự trữ thiên nhiên bên mái Trường Sơn bằng một hành trình trải nghiệm với rừng xanh và thiên nhiên hoang sơ.
Qua Cầu Khỉ rồi Bãi Đạn trên nhánh tây đường Hồ Chí Minh chưa tới 2km, chúng tôi dừng xe bên bìa rừng rồi theo lối mòn đổ dốc thẳng xuống suối Tiên. Trong khoảng 4km, dòng suối Tiên đã có ba thác nước rất đẹp, mỗi thác một vẻ. Thác Tóc Tiên nhẹ nhàng, thác Dương Cầm ảo diệu, thác Cổng Trời cao vút.
Men theo dòng chảy trong vắt của suối Tiên len lỏi dưới tán rừng nguyên sinh, vượt qua nhiều thác ghềnh, chúng tôi đến thác Dương Cầm.
Thác cao hơn 50m, dốc nghiêng khoảng 70 độ, nước chảy tràn trắng xóa, nhìn từ trên cao, thác trông giống như phím đàn dương cầm. Phong cảnh choáng ngợp, con người bỗng chốc trở nên bé nhỏ trước thiên nhiên hùng vĩ. Anh bạn đi cùng tấm tắc, đây đúng là địa điểm lý tưởng để tổ chức hoạt động vượt thác.
Bạn nhân viên của Công ty du lịch Netin phụ trách kỹ thuật vừa hỗ trợ từng người mang đai bảo hộ vừa giới thiệu từng loại thiết bị, hướng dẫn kỹ năng sử dụng dây, móc khóa an toàn, kỹ thuật leo núi để vượt thác.
Dù khá tự tin nhưng mỗi chúng tôi đều thấy hồi hộp trước thử thách vượt thác, loại hình du lịch lần đầu tiên được đưa vào khai thác ở Việt Nam. Từng người bước đến chân thác, nắm chặt sợi dây thừng dùng lực kéo bằng cả hai tay cộng thêm sự hỗ trợ phía trên thác của hai nhân viên thông qua một dây chuyên dụng. Ai nấy chậm rãi từng bước. Tiếng thác ầm ào réo gọi, từng tia nước dội xuống bắn tung tóe như níu lấy đôi chân hồi hộp của người leo. Lời động viên của bạn phụ trách kỹ thuật bị tiếng thác nước đổ nuốt chửng, những ngón chân bấm ghì xuống mặt đá, mắt lóa lòa vì nước, cảm giác tim đập như trống nhạc...
Mất hơn một giờ đồng hồ, tất cả các thành viên trong đoàn mới vượt được thác Dương Cầm, trong cảm xúc vừa tự hào vừa khâm phục bản thân của mỗi người.
Nếu vượt thác khó khăn, đòi hỏi tập trung cao độ và phải dồn sức lực bao nhiêu thì khi lên đến đỉnh thác mới thấy sảng khoái, tự hào bởi mỗi cá nhân đã vượt qua được giới hạn bản thân mà nếu không có trải nghiệm này thì khó lòng biết được. Quả là một hành trình khám phá thiên nhiên vô cùng ấn tượng.
Để phục vụ đoàn khách chúng tôi, Công ty du lịch Netin đã cử đến tám người hỗ trợ, trong đó có hai bạn là người dân tộc Vân Kiều ở bản Rum Ho ở gần Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu-Khe Nước Trong. Các bạn này cho biết, cung đường rừng với lội suối, vượt thác ở đây họ đã quen thuộc nhưng là lần đầu tham gia hỗ trợ cho du khách nên rất vui.
Họ mong muốn tua du lịch khám phá này ngày càng được nhiều người biết tới để họ có thêm thu nhập thông qua các hoạt động trợ giúp như vận chuyển đồ cho du khách (porter), hỗ trợ du khách vượt thác…
Xế chiều, chúng tôi lại xẻ ngang rừng trở ra, đến bên bìa rừng dựng lều, cắm trại. Khi màn đêm buông xuống, giữa không gian núi rừng rộng lớn, ngồi quây quần bên bếp lửa nhỏ, cùng nhau trò chuyện, thưởng thức những món ăn độc đáo, ngắm sao trời, cảm giác khi được hòa lẫn vào thiên nhiên hùng vĩ thật khó diễn đạt. Hai ngày một đêm trải nghiệm dưới tán rừng Động Châu hoàn toàn cách ly với sóng điện thoại và sự náo nhiệt của phố thị, tận hưởng đủ các cung bậc cảm xúc khi được khám phá, giao hòa với thiên nhiên hoang dã khiến nhóm chúng tôi ai ai cũng hào hứng.
Giám đốc Công ty du lịch Netin Trần Xuân Cương chia sẻ, muốn phát triển bền vững du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng nơi đây phải gắn với hỗ trợ sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số để giảm áp lực phụ thuộc vào rừng. Hiện, công ty đang phối hợp các đơn vị thực hiện dự án tăng cường sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số thông qua phát triển du lịch cộng đồng tại các bản Rum Ho và Trung Đoàn của xã biên giới Kim Thủy.
Dự án nhằm thay đổi nhận thức cho cộng đồng dân cư và giúp bà con Vân Kiều tham gia trực tiếp vào hoạt động du lịch, như hỗ trợ cắm trại, vận chuyển hàng hóa, chế biến các món ăn bản địa, biểu diễn văn nghệ dân gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc để phục vụ du khách. Thời gian tới, Công ty Netin phối hợp, hỗ trợ người dân địa phương thí điểm mở các nhà cộng đồng để phục vụ du khách lưu trú; đồng thời nghiên cứu các hoạt động du lịch khác nhằm tạo ra chuỗi giá trị ở Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu-Khe Nước Trong. Và miền thiên nhiên diệu kỳ nơi điệp trùng núi rừng Trường Sơn phía nam tỉnh Quảng Bình đang chờ đón du khách.