Năm nào cũng vậy, trước rằm cả tuần chị Nguyễn Thị Nhung (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng đều lo liệu cúng rằm từ rất sớm. Chị Nhung chia sẻ: "Nhà mình là gia đình truyền thống, mẹ chồng coi trọng việc cúng bái, hương hỏa, nên để chuẩn bị cúng rằm tháng 7 năm nào cũng phải chuẩn bị đủ cơm chay, cơm mặn, hương, hoa, vật quả... Năm nay ngày rằm vào thứ 6 không được nghỉ làm nên mình chuẩn bị cúng từ thứ 7 tuần trước".
Không được chu toàn như Nhung, nhiều gia đình trẻ còn bận đi làm tất bật, ngược xuôi nên việc chuẩn bị cúng rằm cũng được gói gọn đơn giản hơn.
Chị Nguyễn Thị Hiền (32 tuổi, Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, hôm nay (11/8) chị mới thắp hương cúng rằm tháng 7. "Trời mưa bão nên tôi không đi chợ được đành phải lên hội chung cư mua tạm mấy món đồ thắp hương. Ngoài xôi giò, tôi mua thêm một mẹt hoa quả".
Giá cho một mẹt gồm: Hoa, quả, bánh cơ bản có giá từ 150-200 nghìn đồng. Với những mẹt hoa quả cao cấp thì sẽ có giá cao hơn chút, từ 300-1 triệu đồng, tùy khách hàng đặt. Chị Hiền chọn mẹt hoa quả gồm có giá 250 nghìn đồng, gồm: Hoa sen trắng, bánh trung thu, quả táo; quả bưởi; quả nho, quả thị, quả na.
Chị Nguyễn Thị Vân Anh (Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội) một cửa hàng chuyên cung cấp hoa quả, hương đồ lễ thắp hương cho biết, từ 2 năm gần đây người Hà Nội quay lại thói quen truyền thống, thích thắp hương đồ dân dã, xếp vào mẹt. Nắm bắt xu hướng này, cửa hàng chị đã nhanh chóng cung ứng sản phẩm dịch vụ này.
"Xếp mẹt đồ thắp hương tuy hơi mất công một chút nhưng bù lại giá bán cũng cao hơn bình thường, lợi nhuận cũng ổn hơn. Quan trọng là khách hàng vừa lòng", chị Vân Anh nói.
Trong dịp lễ Vu Lan, rằm tháng 7 này, của hàng chị Vân Anh và nhiều cửa hàng khác cũng làm các giỏ quà quê làm quà biếu. Các giỏ quà này được người trẻ mua khá nhiều về biếu bố mẹ, ông bà người thân.
Chị Nguyễn Thị Na (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, chị khá hài lòng với những mẹt hoa quả thắp hương hay những giỏ quà nhỏ. Món đồ khá đẹp, bắt mắt, gần gũi, đặc biệt mang hương vị cổ xưa gợi nhớ lại nét đẹp truyền thống của dân tộc. Chị Na cho biết, dù nó có giá thành đắt hơn một chút nhưng theo chị Na đồ thắp hương mua phải thành tâm, đồ lễ phải đẹp, chất lượng.
Là người thích tìm về những nét đẹp truyền thống, nhưng chị Hiền lại không thích những hủ tục. Chị Hiền cho biết, từ 2 năm nay chị đã xin các bậc gia tiên, tiền tổ, từ bỏ tục đốt vàng mã. Một phần vì sợ ô nhiễm môi trường phần vì sợ cháy nổ.
Thế nhưng, không phải ai cũng có tư tưởng giống chị Hiền, nhiều người dân vẫn có thói quen thắp hương, cúng tiền vàng và đốt vàng mã đặc biệt vào ngày rằm tháng 7 này.
Anh Nguyễn Văn Nam (Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: "Đã thành thói quen từ xưa tới nay lúc nào gia đình tôi cũng phải đốt vàng mã khi thắp hương. Tôi cũng nghe thấy mọi người nhắc hạn chế đốt vàng mã nhưng nó là tục lệ rồi, sao mà bỏ được".
7 giờ tối, mưa to, gió lớn anh Nam vẫn cầm một xấp vàng mã và hình nộm xuống sân chung cư đốt vàng mã. Gió lớn làm cho đám lửa trong lò bát quái cuộn lên đảo chiều bay tứ tung, kèm theo rất nhiều tàn lửa bay gây nguy hiểm cho người đi đường.
Ông Lê Văn Tạo (65 tuổi) nhân viên an ninh ở tòa nhà chung cư ở Nam Từ Liêm cho biết, mỗi dịp ngày lễ tết hay rằm, bà con thắp hương, đốt vàng mã khá nhiều. Nhiều gia đình bất cẩn đốt vàng mã trong nhà hay ban công, khói mù mịt khiến chuông báo cháy của tòa nhà rung lên liên tục.
"Mới hôm qua đây, chúng tôi còn lên tận nhà để kiểm tra, yêu cầu xử phạt với một gia đình tự ý đốt vàng mã ở ban công sau khi cúng rằm tháng 7, suýt gây hỏa hoạn. Tuy đề nghị xử phạt nhưng cư dân đó xin rút kinh nghiệm. Những trường hợp như thế này cũng thường diễn ra", ông Tạo nói.
Ông Tạo cho rằng, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân. Nếu không thể bỏ tục đốt vàng mã thì người dân cần nâng cao cảnh giác khi hóa vàng mã. Tìm nơi hóa an toàn, rộng, có thể có lò hóa vàng mã. Hóa vàng mã trong lúc thời tiết bình thường không có giông gió vì như vậy sẽ khiến ngọn lửa dễ bốc cháy, lan rộng gây hỏa hoạn.