Dân Việt

Có nhiều chính sách hỗ trợ, HTX không sợ thiếu cơ hội phát triển

Trần Khánh 13/08/2022 07:01 GMT+7
Định hướng phát triển nông nghiệp gắn với kinh tế tập thể luôn nhận được sự quan tâm của TP.HCM. Nhất là với các HTX làm nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị đều có nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực từ vốn vay, kỹ thuật đến chuyển giao các mô hình tiến bộ.

Lợi thế bền vững nhờ chính sách hỗ trợ cho HTX

Nhiều người thường quan niệm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là phải trồng những loại rau lạ, có giá bán cao hơn các rau canh tác truyền thống. Anh Trần Văn Mạnh – Giám đốc HTX rau sạch Củ Chi ở xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi lại nghĩ khác.

Mô hình trồng rau thủy canh ở HTX rau sạch Củ Chi. Ảnh: T.L

Mô hình trồng rau thủy canh ở HTX rau sạch Củ Chi. Ảnh: T.L

Anh Mạnh cho rằng, thị trường vẫn có nhu cầu cao với các loại rau sạch. Thế nhưng, sau dịch Covid-19, người tiêu dùng sẽ có nhiều cân nhắc để lựa chọn những mặt hàng cần thiết. Họ không mạnh dạn mua sắm thoải mái theo sở thích hoặc theo trào lưu như trước dịch.

Vì thế mô hình trồng rau thủy canh ở HTX rau sạch Củ Chi vẫn tập trung trồng những loại rau quen thuộc như rau cải, rau muống, rau đay... Đây là những loại rau không kén khách và dễ được số đông lựa chọn.

Năm 2019, diện tích ban đầu của HTX chỉ 500m2. Sau 4 năm, hiện nay HTX đã mở rộng ra lên 3.000m2. Sản lượng thu hoạch trung bình từ 150-200 kg/ngày.

Với giá bán dao động từ 20.000-22.000 đồng/kg, các xã viên HTX rau sạch Củ Chi có thu nhập ổn định 30-40 triệu/tháng.

Anh Mạnh cho biết, về kỹ thuật, trồng rau ứng dụng công nghệ cao không quá khó. Chi cục Phát triển nông thôn hoặc Trung tâm khuyến nông Thành phố có nhiều chương trình hỗ trợ cho người trồng.

Anh Mạnh thừa nhận, đầu tư trồng rau ứng dụng công nghệ cao sẽ có chi phí ban đầu cao so với canh tác truyền thống. Tuy nhiên với 3.000m2 hiện tại, nếu trồng đất, chi phí phân bón khoảng 20 triệu đồng. Trong khi diện tích này trồng bằng công nghệ cao chỉ tốn 5 triệu đồng.

HTX rau sạch Củ Chi đang ứng dụng công nghệ cao trên các loại rau thông dụng như cải, xà lách... Ảnh: T.L

HTX rau sạch Củ Chi đang ứng dụng công nghệ cao trên các loại rau thông dụng như cải, xà lách... Ảnh: T.L

Hơn nữa, TP.HCM hiện nay có nhiều chính sách hỗ trợ vốn vay, nhất là vốn vay cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Khi mô hình đã ổn định, lợi thế trồng rau ứng dụng công nghệ cao sẽ bền vững hơn cách làm trồng truyền thống.

"Về giá cả, rau công nghệ cao chênh lệch không quá lớn với rau trồng đất nên được nhiều khách hàng lựa chọn", anh Mạnh nói.  

Hiện tại, nguồn rau thủy canh của HTX chỉ mới đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu của khách hàng. Thời gian tới, HTX rau sạch Củ Chi dự kiến sẽ mở rộng diện tích thêm 2.000m2 để tăng nguồn cung sản phẩm.

Chính sách hỗ trợ cho HTX nông nghiệp công nghệ cao

Chị Trần Thị Mỹ Trinh, Tổ trưởng Tổ hợp tác Lan Việt ở xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi khởi nghiệp trồng hoa lan mokara chỉ từ 20 triệu đồng vốn vay. Đến nay, chị Trinh đã có vườn lan rộng 1,2ha với thu nhập trung bình mỗi tháng khoảng 60 triệu đồng.

Chị Trinh kể, việc trồng hoa lan mokara bắt đầu từ sự động viên của UBND xã Tân Thông hội. Lúc đầu, UBND xã cho chị vay 20 triệu đồng theo diện hỗ trợ công nhân thất nghiệp.

Chị Trần Thị Mỹ Trinh có nguồn thu ổn định từ mô hình trồng hoa lan mokara. Ảnh: Trần Khánh

Chị Trần Thị Mỹ Trinh có nguồn thu ổn định từ mô hình trồng hoa lan mokara. Ảnh: Trần Khánh

Từ năm 2018, UBND xã tiếp tục vận động cho chị Trinh vay 2 tỷ đồng từ chương trình hỗ trợ 655 của TP.HCM. "Nhờ đó, tôi mạnh dạn phát triển mô hình nông nghiệp đô thị và tạo ra thu nhập ổn định như hiện tại".

Ông Trương Hùng Cường - Chủ tịch hội nông dân huyện Củ Chi cho biết, Hội Nông dân thường xuyên phối hợp cùng với Trạm khuyến nông và Phòng Kinh tế huyện để chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các HTX.

Song song đó là giới thiệu cho HTX vay vốn từ các nguồn như Quỹ hỗ trợ nông dân hoặc chương trình 655 của UBND TP.HCM.

Mới đây, Sở NNPTNT ban hành kế hoạch 1513 nhằm phát triển kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn TP.HCM năm 2022.

Chi cục Phát triển nông thôn TP.HCM hỗ trợ các HTX nông nghiệp công nghệ cao liên kết sản xuất, tiêu thụ với doanh nghiệp. Ảnh: Trần Khánh

Chi cục Phát triển nông thôn TP.HCM hỗ trợ các HTX nông nghiệp công nghệ cao liên kết sản xuất, tiêu thụ với doanh nghiệp. Ảnh: Trần Khánh

Ông Đinh Minh Hiệp – Giám đốc Sở NNPTNT cho biết, các HTX càng có thêm nhiều điều kiện để phát triển. Trong đó, Kế hoạch 1531 khuyến khích các HTX ứng dụng công nghệ cao, ưu tiên ứng dụng công nghệ tin học (4.0), công nghệ thông tin truyền thông (ICT), công nghệ sinh học, công nghệ tự động và bán tự động vào sản xuât.

Nội dung này sẽ do Chi cục Phát triển nông thôn cùng Trung tâm Khuyến nông phối hợp với các ngành liên quan chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp cho HTX.

Đặc biệt, các Chi cục thuộc Sở NNPTNT sẽ phối hợp với Trung tâm Công nghệ sinh học hỗ trợ các HTX tuyển chọn giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản theo công nghệ sinh học, công nghệ chuyển đổi gen, nuôi cấy mô tế bào, lai hữu tính chất lượng cao.

"Các thành viên HTX sẽ có nhiều cơ hội tái cơ cấu sản xuất, đổi mới phương thức kinh doanh, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao thu nhập", ông Hiệp chia sẻ.