Clip: Mô hình chăn nuôi trồng trọt tổng hợp của gia đình chị Hoàng Thị Liên ở Lai Châu thu hàng tỷ đồng/năm.
Trang trại tổng hợp cho hiệu quả kinh tế cao
Chia sẻ với phóng viên báo Dân Việt điện tử, chị Hoàng Thị Liên ở phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu (Lai Châu) bồi hồi nhớ lại: Những năm đầu khi mới lập nghiệp gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế.
Thích chăn nuôi và trồng trọt, chị Liên tìm tòi trên sách vở, báo mạng, các tài liệu hướng dẫn chăm sóc cây trồng, vật nuôi, nhận thấy thị trường gà trên địa bàn còn ít, chị đã mạnh dạn vay mượn vốn từ người thân để đầu tư nuôi gà.
Nghĩ là làm, ban đầu chị mua gần 2.000 con gà giống về nuôi tại khu trang trại thuộc xã Bản Giang, huyện Tam Đường (Lai Châu).
Vạn sự khởi đầu nan, do chưa có nhiều kinh nghiệm nên việc chăn nuôi đàn gà đạt chất lượng không đồng đều nên không không lãi được bao nhiêu. Không nản trí, chị cùng chồng mình lặn lội đi khắp nơi tìm hiểu cách nuôi gà của bà con ở các địa phương lân cận, thêm nữa chị mày mò ngày đêm nghiên cứu tài liệu, học hỏi, tham khảo thêm các kiến thức qua nhiều kênh thông tin…
Cũng vào thời điểm đó, chị được sự hỗ trợ vốn vay của hội phụ nữ tín chấp và thông qua hội nông dân chị đã vay thêm được 250 triệu làm vốn để mua thức ăn và cơi nới thêm chuồng trại, nhờ đó đàn gà đã phát triển tốt, khoẻ mạnh, tăng đàn nhanh, mang lại nguồn thu đáng kể cho gia đình.
Có thêm vốn, chị Liên lại mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích nuôi thêm thỏ, đào ao thả cá, trồng chè và tranh leo.
Tích luỹ được nhiều kinh nghiệm, nhờ cần cù chịu khó, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi và trồng trọt, đến nay mô hình nuôi thỏ của gia đình chị đã có gần 3.000 con phát triển mạnh và được tiêu thụ rất nhanh, gần 2ha chanh leo, 5.000m2 ao cá, 7.000m2 chè và hàng trăm gốc bưởi xen chè, từ những mô hình đó mỗi năm cho gia đình chị thu nhập trên 1 tỷ đồng.
Chia sẻ với phóng viên báo Dân Việt, chị Liên cho biết: Khi mới bắt tay vào phát triển kinh tế, gia đình tôi gặp nhiều khó khăn bởi thiếu kinh nghiệm và không có vốn đầu tư, nhưng tôi và gia đình đã quyết tâm phát triển kinh tế, bên cạnh việc tìm tòi học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi và trồng trọt, tôi cũng chủ động tìm cách huy động nguồn vốn.
"Thú thật là tôi có đam mê làm nông nghiệp, chắc bởi thế nên gặp may mắn trong sản xuất và kinh doanh, gia đình tôi có được cơ ngơi như này, ngoài nỗ lực của bản thân và gia đình không thể không kể đến sự trợ giúp của các cấp chính quyền, đặc biệt là hội nông dân và hội phụ nữ ở địa phương", chị Liên chia sẻ.
Nông dân trong vùng tới tham quan, học hỏi
Từ kinh nghiệm thành công của gia đình, chị Liên không ngần ngại chia sẻ những kinh nghiệm hay, những cách làm có hiệu quả trong sản xuất với bà con trong thôn, trong xã để họ tích cực tham gia thực hiện các mô hình do địa phương xây dựng.
Nhờ đó, nhiều hội viên nông dân trong thôn, trong xã đã học tập mô hình của gia đình chị tích cực trong phát triển kinh tế, tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học vào sản xuất và xuất hiện nhiều mô hình kinh tế cho năng suất và lợi nhuận cao.
Chia sẻ với chúng tôi về kinh nghiệm trong chăn nuôi và trồng trọt liên cho biết: Nuôi con gì cũng vậy phải thường xuyên theo dõi, nắm rõ về sở thích như thức ăn và những đặc điểm riêng biệt, hiểu được con vật đó thì mới chăm nuôi cho nó khoẻ mạnh được. Bên cạnh đó cần phải đặc biệt quan tâm tới việc tiêm vắc xin để phòng các loại bệnh cho vật nuôi.
Đối với cây trồng cũng không khác bao nhiêu, phải theo dõi thường xuyên, chăm bón, vun sới và phòng trừ các loại sâu bệnh hại cho cây, từ đó cây mới sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất và sản lượng cao.
Với cách làm kinh tế của chị Liên không những làm giàu cho gia đình mà còn là tấm gương sáng bà con quanh vùng mạnh dạn học và làm theo, dần tạo thành phong trào thi đua "Sản xuất giỏi", "Xây dựng gia đình hạnh phúc", "Gia đình văn hóa" rất sôi nổi ở địa phương.
Nhờ đó, thời gian qua trên địa bàn phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu đã dấy lên phong trào "nông dân sản xuất kinh doanh giỏi", "phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc"…
Nhờ phát huy đức tính cần cù, chịu thương, chịu khó, tích cực trong học tập, lao động sản xuất, xây dựng gia đình ấm no. Bằng nghị lực, lòng đam mê trong chăn nuôi trồng trọt và phát triển kinh tế gia đình, chị Liên đã lan toả được mô hình phát triển của gia đình tới bà con nông dân trong thôn xóm và địa phương.
Nhiều chị em nông dân sau khi học tập mô hình phát triển kinh tế của gia đình chị Liên đã biết vượt qua khó khăn, vươn lên làm kinh tế giỏi, ổn định cuộc sống gia đình và góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.