Ở thời điểm hiện nay, kênh dẫn nước La Khê để kết nối đưa nước đến Trạm bơm Yên Nghĩa chưa có dấu hiệu thi công trở lại, nhiều đoạn đang xây dựng dở dang, thép hoen gỉ, có điểm nước ứ đọng như ngừng chảy.
Hành lang một số nơi chưa giải phóng xong mặt bằng, nhiều nơi dù đã được đơn vị thi công quây tôn nhưng có người dân đã phá dỡ để làm nơi kinh doanh bán hàng và đổ chất thải.
Phản ánh của một số người dân sinh sống ven kênh dẫn nước La Khê đoạn qua phường La Khê cho biết: "Mỗi khi mưa lớn, báo chí đưa tin Hà Nội ngập, hay trạm bơm không có nước thì thấy máy xúc đến cào múc một hai hôm rồi lại nghỉ. Cứ thi công như này chưa biết khi nào mới xong".
Việc thi công chậm tiến độ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân ven kênh cũng như giao thông đi lại hai bên kênh, nhiều đoạn khi mưa lớn đường bị ngập, nước bẩn và rác thải lênh láng trên lòng đường. Dù ở ngay gần kênh dẫn nước, gần trạm bơm nghìn tỷ công suất lớn nhất Đông Nam Á nhưng nhiều người dân vẫn phải lội nước, vượt ngập để đi làm mỗi khi mưa lớn.
Trước đó, cuối tháng 5, đầu tháng 6 nhiều khu vực ở Hà Nội xảy ra ngập úng sau những đợt mưa lớn, Báo điện tử Dân Việt đã đăng tải loạt bài "Nghịch lý Hà Nội ngập" phản ánh Hà Nội có nhiều trạm bơm tiêu nước, có những trạm bơm được đầu tư nhiều nghìn tỷ đồng nhưng khu vực nội thành cứ mưa lớn là ngập. Nghịch lý diễn ra khi chính trạm bơm nghìn tỷ lại "khát nước", còn nhiều quận, huyện chìm trong nước khi mưa lớn.
Trả lời Dân Việt, một lãnh đạo Công ty TNHH Thoát nước Hà Nội nhận định, nhiều nơi ở Hà Nội ngập có nguyên nhân do hệ thống kênh dẫn nước đến trạm bơm chưa đồng bộ. Cụ thể là việc xây dựng cụm công trình đầu mối Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa và cứng hóa kênh La Khê thuộc Dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây thành phố Hà Nội đến nay chưa hoàn thành.
Điều này dẫn tới Trạm bơm tiêu nước Tây Hà Nội, lớn nhất Đông Nam Á được đầu tư nhiều nghìn tỷ đồng do Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển Thủy lợi Sông Nhuệ quản lý, vận hàng đang "nghỉ ngơi" vì... khát nước.
Ngay sau khi Báo điện tử Dân Việt phản ánh, đại diện Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai cùng nhiều lãnh đạo Sở, ngành, đơn vị có liên quan đã đi kiểm tra công tác vận hành tại 2 trạm bơm tiêu lớn nhất Hà Nội, trong đó có Trạm bơm tiêu lớn nhất Đông Nam Á "hoạt động cầm chừng" khi Hà Nội xảy ra mưa lớn.
Quan trọng nhất vẫn phải xuất phát từ thiết kế tổng thể hệ thống
Bên lề phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV về việc thực hiện chính sách pháp luật kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực hồi tháng 5/2022, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bày tỏ quan điểm về giải pháp quy hoạch đô thị, tránh tình trạng cứ mưa là "phố cũng như sông" diễn ra thường xuyên ở Hà Nội cũng như nhiều đô thị khác.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế cho rằng: "Việc ngập đường cũng đã thể hiện và dự tính trong quy hoạch rồi nhưng cũng phải có điều chỉnh quy hoạch, thậm chí là bổ sung và cải tiến những hạ tầng công trình giao thông đã thực hiện, có thể là nhiều năm sẽ xuống cấp vì trong quy hoạch có quy hoạch tổng thể, có quy hoạch chung của cấp quốc gia, cấp tỉnh, còn có cả quy hoạch chuyên ngành kĩ thuật".
Còn đại biểu Võ Mạnh Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, hiện nay cứ mưa là ngập, ngay cả khi mưa chưa phải lớn lắm nhưng nhiều tuyến phố nội thành Hà Nội đã ngập rất nặng.
Tình trạng ngập úng sau mưa không chỉ diễn ra tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM mà ngay cả các thành phố khu vực miền núi cũng gặp phải.
"Có thể do bài toán quy hoạch chưa đảm bảo, cần khắc phục ngay, thậm chí cần cả một cuộc cách mạng tổng thể về quy hoạch. Quy hoạch rồi, nhưng cũng cần xem đến việc thực hiện quy hoạch thế nào" - đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa nói.
Cũng tại kỳ họp, dưới góc độ chuyên môn, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng thực tế cứ mưa là ngập tại Hà Nội, hay TP.HCM diễn ra trong thời gian qua, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, phải nhìn lại toàn bộ hạ tầng ở các đô thị.
Chia sẻ với Dân Việt, Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà đã từng nói: "Cần có một dự án tiếp cận một cách tổng thể, xuất phát từ dự báo, quy hoạch tính toán để có một hạ tầng có thể chống chịu, thích ứng, phù hợp được.
Thêm vào đó là các giải pháp kỹ thuật, sử dụng các giải pháp mang tính chủ động như các khu vực khi lũ lụt thì có khu vực để chứa nước trong thời điểm đó. Phải tạo ra một hệ thống hạ tầng, bao gồm cả hệ thống chứa nước ở các nơi giao thông, những khu ngập lụt lớn. Nhưng quan trọng nhất vẫn phải xuất phát từ thiết kế tổng thể hệ thống".