Sở Công Thương TP.HCM vừa có văn bản đề nghị UBND TP.Thủ Đức và các quận huyện theo dõi, nắm chắc diễn biến, tình hình thị trường trên địa bàn, báo cáo định kỳ và đột xuất về Sở Công Thương, Sở Tài chính và đề xuất phương án xử lý khi có dấu hiệu khan hiếm hàng hóa, tăng giá đột biến trên địa bàn.
Đồng thời, các địa phương tổ chức kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định nhà nước về giá hàng hóa tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi... trên địa bàn.
Các hệ thống phân phối hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi...) được yêu cầu phải dự báo nhu cầu thị trường, phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp bình ổn thị trường, đơn vị cung ứng chủ lực xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hoá, chuẩn bị nguồn hàng dồi dào, giá cả ổn định, không tăng giá bất hợp lý.
Sở Công Thương TP.HCM đề nghị các doanh nghiệp trong hệ thống phân phối cần tiếp tục rà soát, hỗ trợ áp dụng chiết khấu ưu đãi, chia sẻ chiết khấu và các chi phí khác để giảm áp lực tăng giá bán đến tay người tiêu dùng.
Với kênh phân phối truyền thống chợ đầu mối, các công ty quản lý chợ đầu mối được yêu cầu phải tăng cường kiểm tra, theo dõi số lượng hàng hóa xuất nhập, tình hình giá cả hàng hóa tại nguồn và về chợ; nắm bắt tình hình kinh doanh, kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng của thương nhân. Thực hiện nghiêm túc quy định về niêm yết giá, hàng hóa kinh doanh có nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường phải chủ động nguồn hàng, cung ứng hàng hóa đủ số lượng đã được phê duyệt; hàng hóa đạt chất lượng và bán đúng giá đã được Sở Tài chính phê duyệt.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết hiện nguồn cung hàng hóa vẫn đang đảm bảo số lượng, chất lượng, giá cả đúng theo quy định do các đơn vị chuẩn bị cung ứng nguồn hàng dồi dào. Nhiều doanh nghiệp bình ổn cam kết giữ giá cho người tiêu dùng.
Hiện đang vào mùa tựu trường, các đơn vị bình ổn giá cũng cam kết đảm bảo các mặt hàng cặp sách, ba lô dồi dào, giá bán bình ổn khi đến tay người tiêu dùng.
Trước đó, UBND TP.HCM vừa có công văn gửi các sở ngành, UBND TP.Thủ Đức và các quận huyện về việc triển khai các giải pháp quản lý điều hành giá các tháng cuối năm 2022. Đối với hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, các sở ngành, đơn vị được yêu cầu tiếp tục thực hiện các phương án đã được phê duyệt theo quy định.