Ở nhà, ông là chỗ dựa tinh thần cho con, cháu, tận tình chăm sóc người bạn đời không may mắc bệnh hiểm nghèo. Với cộng đồng, ông là "điểm tựa" với nhiều người từng một thời lầm lỗi, là "linh hồn" của nhiều hoạt động chắp cánh ước mơ cho những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn...
Ông Nguyễn Anh Tuấn là người có năng khiếu về nghệ thuật. Suốt 16 năm phục vụ trong quân đội, ông là "cây" văn nghệ, là họa sĩ chuyên vẽ, trang trí các sự kiện văn hóa và từng đạt giải ca hát trong thời gian tại ngũ. Nhưng mãi đến năm 1989 chuyển ngành về địa phương, ông mới thi vào Đại học Mỹ thuật và chính thức đi sâu về lĩnh vực mà mình yêu thích.
Đời sống gia đình khi đó khó khăn, ông phải lăn lộn đủ nghề kiếm sống và duy trì học tập, nuôi lớn tình yêu nghệ thuật tạo hình mà ông chọn. Ra trường, ông gây dựng sự nghiệp từ việc làm thợ cắt dán quảng cáo, thiết kế mỹ thuật. "Tôi trưởng thành từ gian khó và tôi luôn muốn được cống hiến sức mình để trả ơn cuộc đời..." - ông Tuấn chia sẻ.
Cũng từ ngày ra trường, năm 1993, ông Nguyễn Anh Tuấn chủ động mang kiến thức đến với cộng đồng, nhất là với những người có hoàn cảnh khó khăn. Với lớp trẻ, ông luôn ưu tiên dành thời gian, công sức giúp họ trưởng thành. Ở địa phương, ông là người thầy hiền hậu, tận tâm dạy vẽ, cắt dán miễn phí cho hàng nghìn lượt thanh, thiếu niên và các bậc phụ huynh yêu thích nghệ thuật. Kiến thức, tài năng sáng tạo và tâm hướng thiện của ông đã góp phần đào tạo ra nhiều lứa học trò thành đạt, trong đó nhiều người có những đóng góp tích cực cho xã hội.
Nhắc đến ông Nguyễn Anh Tuấn, nhiều thế hệ học trò như anh Nguyễn Long Hưng, giáo viên thỉnh giảng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội ngành chụp ảnh 3D, chị Nguyễn Thu Hòa, Giám đốc một bảo tàng gốm tư nhân, kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Dạy nghề Lê Quý Đôn... đều bày tỏ sự biết ơn.
Nhiếp ảnh gia Hoàng Hải cho biết, sau khi được ông Nguyễn Anh Tuấn dìu dắt, anh đã mở trung tâm giảng dạy cho những người đam mê nghệ thuật về tạo hình với chất liệu in, khắc tranh trên cao su bằng nhiệt, giảm thiểu chất thải môi trường và tiết kiệm chi phí. Còn anh Phạm Quốc Dũng (ở huyện Đông Anh) cho hay, khi biết anh sinh ra trong một gia đình nghèo, kinh tế thiếu thốn, ông Tuấn đã tận tâm dạy bảo, hỗ trợ anh học nghề. Từ sự chỉ bảo của thầy Tuấn, anh Dũng đã có thể tự đứng ra mở cơ sở sản xuất, thoát khỏi cảnh nghèo khó...
Ngoài vai trò Chủ tịch Hội Khuyến học phường, ông Nguyễn Anh Tuấn từng làm Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường, hội viên Hội Chữ thập đỏ phường Nguyễn Trung Trực... Với mỗi công việc tuy có đặc thù khác nhau nhưng ông luôn lấy tư tưởng "cho đi" làm lẽ sống.
Gần 20 năm nay, với vai trò Chủ nhiệm Câu lạc bộ B93 và Đội trưởng Đội tình nguyện viên phòng, chống ma túy của phường, ông đã trở thành "điểm tựa" của rất nhiều gia đình và những người từng lầm đường lạc lối. Với khiếu hài hước, hay nói, hay cười, hễ ông xuất hiện ở đâu, nơi đó mọi người cảm nhận được sự thân thiết, ấm áp.
Ông Tuấn đến với học viên Câu lạc bộ B93 bằng lòng cảm thương, tinh thần chia sẻ, yêu thương với họ và người thân của họ. Khi thì ông như người ông, người bác, khi thì như người anh, người bạn với mọi đối tượng, dạy họ kỹ năng sống, dạy hát, vẽ để họ có tinh thần vui tươi, yêu đời, vơi bớt mặc cảm. Với những gia đình khó khăn, ông kêu gọi các tập thể, cá nhân có lòng hảo tâm giúp đỡ.
Bà Phạm Tâm Liên ở phố Hòe Nhai (phường Nguyễn Trung Trực) cho biết: "Ông Tuấn luôn hết lòng vì cộng đồng. Những hoạt động như triển lãm mỹ thuật, múa hát..., từ hoạt động của thanh thiếu niên cho đến các phong trào của các hội phụ nữ, chữ thập đỏ, ông đều góp công, góp sức. Học tập ông, tôi đã vận động con cháu thu gom sách, truyện, quần áo, đồ dùng học tập, bút, giấy, màu để hỗ trợ các hoạt động sinh hoạt hè tại cộng đồng và làm thiện nguyện".
Không chỉ dạy nghề cho thanh thiếu niên ở địa phương, nhiều khi ông Tuấn còn đến làng nghề Bát Tràng hay các huyện vùng sâu, xa để dạy tạo hình miễn phí. Nói về những việc mình làm, ông Tuấn bộc bạch: "Có hai lẽ, một là truyền thống gia đình, bố, mẹ tôi đều là giáo viên; hai là do "chất lính" sẵn có trong người nên tôi lúc nào cũng muốn làm gì đó để xây dựng cộng đồng, ươm mầm tương lai".
Theo Phó Chủ tịch UBND phường Nguyễn Trung Trực Hứa Thị Minh Hồng, ông Nguyễn Anh Tuấn là người "thắp lửa" và "giữ lửa" đối với nhiều hoạt động cộng đồng ở địa phương. Công việc vì cộng đồng không có một đồng phụ cấp nào nhưng ông Tuấn vẫn "lăn lộn" vào làm, khiến mọi người cảm phục. Địa phương tự hào có người công dân, cán bộ như ông Nguyễn Anh Tuấn. Ông thật xứng đáng với danh hiệu "Người tốt, việc tốt" mà UBND thành phố Hà Nội trao tặng trong các năm 2013, 2019, 2022.
• Bài có sự biên tập ở title