Dân Việt

Bình Thuận: Đã có 70 sản phẩm OCOP, đủ thứ sản phẩm trên rừng dưới biển

Bùi Phụ 20/08/2022 11:49 GMT+7
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, nhằm thúc đẩy, nâng tầm những sản phẩm OCOP tiêu biểu của địa phương, các cơ quan chức năng đang xây dựng phần mềm số hóa quy trình triển khai Chương trình OCOP tỉnh Bình Thuận trong năm 2022.

Sản phẩm OCOP Bình Thuận đã khẳng định thương hiệu

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Bình Thuận, những sản phẩm OCOP tiêu biểu của địa phương được người tiêu dùng tin tưởng, đón nhận thời gian qua là: Nước mắm, mắm nêm của Công ty TNHH Cá Đen; nước ép thanh long Bảo Long; rau thủy canh của HTX Rau an toàn Tiến Phát; sản phẩm thủy - hải sản chế biến ăn liền của Công ty TNHH TM Đầm Sen; rượu vang thanh long của HTX thanh long Hàm Đức; bánh rế Hoàng Lam…

Bình Thuận: Nhiều sản phẩm OCOP công nghiệp nông thôn đã khẳng định thương hiệu, uy tín trên thị trường - Ảnh 1.

Nước mắm của Công ty TNHH Cá Đen và những sản phẩm OCOP tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Hữu Phước

Ngày 20/8, trao đổi với Dân Việt, lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Bình Thuận cho biết, thực hiện Quyết định 490/QĐ-TTg của Thủ tướng, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Quyết định số 1520/QĐ-UBND ngày 17/6/2019 phê duyệt đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bình Thuận năm 2019-2020, định hướng đến năm 2030. 

Bên cạnh đó, Kế hoạch số 3100/KH-UBND ngày 21/8/2019 của UBND tỉnh Bình Thuận triển khai Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Bình Thuận năm 2019-2020, định hướng đến năm 2030.

Qua thời gian 4 năm triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bình Thuận, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có các hoạt động như: Tổ chức tuyên truyền tập huấn chương trình OCOP cho cán bộ các cấp; tập huấn cho các chủ thể tham gia OCOP; tổ chức khảo sát, đánh giá và tư vấn để các chủ thể nâng cấp sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP để đạt từ 3 đến 5 sao cấp tỉnh...

Đặc biệt là tuyên truyền cho người dân và đội ngũ cán bộ quản lý hiểu về mục đích, ý nghĩa tốt đẹp của chương trình OCOP; hiểu rõ bản chất của chương trình và nắm rõ trách nhiệm của đơn vị, cá nhân trong việc thực hiện chương trình, từ đó có sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, hiệu quả.

Bình Thuận: Nhiều sản phẩm OCOP công nghiệp nông thôn đã khẳng định thương hiệu, uy tín trên thị trường - Ảnh 2.

Quầy hàng giới thiệu sản phẩm OCOP tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Hữu Phước

Theo Sở NNPTNT Bình Thuận, đến nay, toàn tỉnh đã có 70 sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên, trong đó có 34 sản phẩm 3 sao, 34 sản phẩm 4 sao, và 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Ngoài ra có 10 huyện, thị xã, thành phố đều có sản phẩm OCOP. 

Để có được kết quả này, thời gian qua, Sở NNPTNT đã phối hợp Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận thông tin, vận động, tổ chức cho các chủ thể tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, liên kết với nhau đăng ký tham gia một số chương trình hội chợ, triển lãm tại một số tỉnh, thành như: An Giang, Phú Quốc, TP.HCM, Đồng Tháp, Trà Vinh, Cần Thơ, Sơn La, Gia Lai, Bình Định, Hà Nội,… 

Tại các sự kiện này, các sản phẩm của tỉnh Bình Thuận được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, ủng hộ nhiệt tình, đặc biệt là tại các tỉnh Tây Nguyên, các tỉnh, thành phía Bắc.

Song song đó là phối hợp với các sở, ngành liên quan hỗ trợ hình thành 2 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại TP. Phan Thiết (341 Võ Văn Kiệt và 155A Nguyễn Thông), nhằm giới thiệu những sản phẩm chất lượng, đặc sản của tỉnh đến người dân Phan Thiết, khách du lịch.

"Với chủ trương, triển khai đảm bảo hiệu quả, thực chất, tránh hình thức, phô trương, làm theo phong trào… chương trình OCOP tỉnh Bình Thuận đang đi đúng hướng, không chạy theo số lượng mà chú trọng chất lượng…", lãnh đạo Sở NNPTNT Bình Thuận cho biết.

Chương trình OCOP có tính khuyến khích, vận động các chủ thể tập trung vào khâu chế biến, chế biến sâu để nâng cao giá trị sản xuất... Giảm nhanh tỷ trọng xuất khẩu các sản phẩm thô, không qua chế biến; tăng sản phẩm xuất khẩu, sản phẩm có hàm lượng khoa học, công nghệ cao

Bình Thuận: Nhiều sản phẩm OCOP công nghiệp nông thôn đã khẳng định thương hiệu, uy tín trên thị trường - Ảnh 4.

Quầy hàng giới thiệu sản phẩm OCOP tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Hữu Phước

Nâng tầm sản phẩm OCOP Bình Thuận 

Trao đổi với Dân Việt, lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Bình Thuận thông tin, qua rà soát, đánh giá những sản phẩm truyền thống, sản phẩm có lợi thế ở khu vực nông thôn có tiềm năng tham gia Chương trình OCOP.

Sắp tới, Sở NNPTNT Bình Thuận sẽ hỗ trợ các tổ chức sản xuất kinh doanh (tập trung phát triển thành phần kinh tế hợp tác, kinh tế tư nhân theo hướng cộng đồng (các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh cá thể) phát triển sản phẩm mới. 

Trong đó tập trung vào các sản phẩm truyền thống, sản phẩm lợi thế, sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng tham gia chương trinh góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị.

Thông qua việc phát triển sản xuất tại địa bàn khu vực nông thôn, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn; hạn chế nông dân di cư ra thành phố, bảo vệ môi trường, gìn giữ, phát triển truyền thống văn hóa, xã hội khu vực nông thôn.

Bình Thuận: Nhiều sản phẩm OCOP công nghiệp nông thôn đã khẳng định thương hiệu, uy tín trên thị trường - Ảnh 5.

Sản phẩm OCOP tỉnh Bình Thuận đã có uy tín và được người tiêu dùng tin tưởng... Ảnh: Hữu Phước

Tiếp tục triển khai chương trình OCOP hiệu quả thực chất, không chạy theo số lượng, khuyến khích các cơ sở sản xuất đẩy mạnh chế biến và chế biến sâu. Đến năm 2030, phấn đấu có 5 - 10 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 5 sao cấp quốc gia.

Tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, nâng cấp các sản phẩm OCOP của địa phương thành 4 sao, 5 sao. Đến năm 2045, cơ cấu sản phẩm OCOP 4 sao chiếm đa số.

Mục tiêu từ nay đến năm 2025, là duy trì các sản phẩm hiệu quả giai đoạn 1 và phát triển thêm khoảng 100 sản phẩm mới giai đoạn 2 và một số sản phẩm đề xuất khác, đề xuất định hướng mục tiêu cho giai đoạn tiếp theo. Trong đó định hướng nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm sau chế biến của thanh long và nâng cấp sản phẩm có sức cạnh tranh trung bình.

Phát triển mới 30 – 40 tổ chức kinh tế tham gia OCOP, tăng cường và phát triển 8 chuỗi giá trị sản phẩm.

Để thực hiện được mục tiêu này, tỉnh Bình Thuận tiếp tục tuyên truyền, giới thiệu về các sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành và các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các điểm bán sản phẩm OCOP, vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", nhất là đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; sử dụng sản phẩm OCOP phù hợp làm quà tặng, quà biếu trong các hoạt động đối ngoại và các sự kiện các cấp.

Kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các điểm bán sản phẩm OCOP gắn với du lịch, qua đó có hợp đồng thu mua các sản phẩm từ các chủ thể tạo chuỗi liên kết bền vững, giải quyết đầu ra cho các sản phẩm OCOP.

Đưa các sản phẩm OCOP tham gia các Hội chợ, hội nghị, triển lãm trong và ngoài tỉnh, đặc biệt tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Quảng Ninh,…

Sở NN PTNT tiếp tục là cầu nối giữa các chủ thể, các doanh nghiệp thu mua; hỗ trợ các chủ thể đẩy mạnh quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử.

Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch giới thiệu, quảng bá rộng rãi 2 điểm bán sản phẩm OCOP đến với khách du lịch thông qua các trang web, công ty du lịch lữ hành, các khách sạn, nhà nghỉ. Xem đây là một trong những điểm đến khi tham quan du lịch tại thành phố Phan Thiết. Đưa hình ảnh các điểm bán sản phẩm OCOP vào các tờ rơi, pano, áp phích trong các chương trình xúc tiến du lịch trong và ngoài tỉnh.

Bình Thuận: Nhiều sản phẩm OCOP công nghiệp nông thôn đã khẳng định thương hiệu, uy tín trên thị trường - Ảnh 6.

Nước ép thanh long Bảo Long. Ảnh: Hữu Phước

Phối hợp Sở Công Thương thông tin, vận động đến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất bày bán tại các điểm bán sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh, đồng thời giới thiệu hình ảnh điểm bán sản phẩm OCOP khi tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh.

Củng cố, xây dựng, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ công chức tham gia thực hiện Chương trình OCOP từ tỉnh đến cơ sở đảm bảo vững về chuyên môn, mạnh về năng lực để tham mưu tổ chức thực hiện cũng như hỗ trợ cho các chủ thể tham gia chương trình một cách thuận lợi.

Đồng thời thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, học tập kinh nghiệm lãnh đạo các doanh nghiệp/HTX tham gia OCOP.. Quản trị, quản lý chất lượngTriển khai thực hiện các chính sách của trung ương và tỉnh liên quan đến Chương trình OCOP bao gồm: Chính sách hỗ trợ tín dụng, vùng sản xuất tập trung, hỗ trợ Khoa học công nghệ, hỗ trợ phát triển sản phẩm, đào tạo nhân lực, hỗ trợ xúc tiến thương mại.Tăng cường ứng dụng về khoa học công nghệ trong quản lý, xây dựng mô hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX.

Bình Thuận: Nhiều sản phẩm OCOP công nghiệp nông thôn đã khẳng định thương hiệu, uy tín trên thị trường - Ảnh 7.

Quầy hàng giới thiệu sản phẩm OCOP tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Hữu Phước

Nâng cấp tổ chức, hoàn thiện sản phẩm: Hình thành các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ với các nhóm, hộ gia đình hoặc tái cơ cấu các tổ chức kinh tế đã có theo hướng có sự tham gia lớn hơn của cộng đồng, hoàn thiện cơ sở sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất theo quy định, quản trị chất lượng, áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất Nông nghiệp tốt, quản lý chất lượng tiên tiến như ISO, HACCP…