Nhiều hoạt động ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận

Bùi Phụ Thứ sáu, ngày 19/08/2022 16:02 PM (GMT+7)
Ngày 19/8, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng Ban Tuyên giáo tỉnh Bình Thuận tổ chức họp báo thông tin về chương trình, nhiều hoạt động ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận.
Bình luận 0

Triển lãm ảnh về Bình Thuận

Tại cuộc họp báo, ông Bùi Thế Nhân- Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và du lịch tỉnh Bình Thuận (Sở VHTTDL) cho biết, chuỗi sự kiện hoạt động kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận (1992 - 2022) diễn ra từ trung tuần tháng 8 kéo sang giữa tháng 9/2022.

Nhiều hoạt động ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận  - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi họp báo chiều 19/8. Ảnh: Bủi Phụ

Nhân dịp này tỉnh Bình Thuận sẽ phối hợp với Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Thuận, tổ chức Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực miền Đông Nam Bộ lần thứ 29 năm 2022 tại Bình Thuận.

Triển lãm ảnh diễn ra từ ngày 15/8 đến ngày 15/9/2022 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận.

Cùng đó là triển lãm ảnh với chủ đề “Bình Thuận triển vọng phát triển”, từ ngày 20/8 đến ngày 5/9/2022 tại khuôn viên Khu di tích Dục Thanh và chủ đề “Bình Thuận: Tiềm năng, thành tựu và triển vọng phát triển” Thời gian: Từ ngày 15/8 đến ngày 15/9/2022 Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận.

Trong thời gian này còn diễn ra chương trình nghệ thuật và Khai mạc Đại hội Thể dục thể thao cấp tỉnh và khai mạc Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc tỉnh Bình

Thuận năm 2022, diễn ra từ ngày 19-21/8/2022 tại Trung tâm Văn hóa và Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao tỉnh Bình Thuận.

Nhiều hoạt động ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận  - Ảnh 2.

Ông Bùi Thế Nhân- Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và du lịch tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Bùi Phụ

Cũng theo ông Bùi Thế Nhân, nhân dịp này sẽ có nhiều chương trình hoạt động đưa văn hóa về cơ sở thông qua biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhân dân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, miền núi.

Song song đó là đẩy mạnh công tác quảng bá du lịch thông qua các chương trình hoạt động

kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh; giới thiệu hoạt động du lịch, sản phẩm, dịch vụ du lịch độc đáo, tour, tuyến du lịch mới, thắng cảnh thiên nhiên của Bình Thuận đến với du khách, công ty du lịch lữ hành trong cả nước. Đưa các thông tin lên website du lịch để giới thiệu rộng rãi với du khách trong nước và quốc tế.

Dịp này tỉnh Bình Thuận còn tổ chức lễ phát động Cuộc thi “Khát vọng Việt Nam: Đưa Phan Thiết trở thành điểm đến du lịch MICE và Wellness hàng đầu thế giới năm 2045”.

Nhiều hoạt động ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận  - Ảnh 1.

Làng chài Mũi Né TP.Phan Thiết tỉnh Bình Thuận. Ảnh: binhthuan.gov.vn

Lễ hội “Nghinh Ông Quan Thánh Đế Quân Xuất Du”

Tối 18/8, UBND TP. Phan Thiết đã tổ chức khai mạc lễ hội “Nghinh Ông Quan Thánh Đế Quân Xuất Du” lần thứ 13 năm 2022.

Lễ hội Nghinh Ông Quan Thánh Đế Quân là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận (1992-2022). Theo thông lệ, Lễ hội Nghinh Ông tổ chức 2 năm một lần, thường rơi vào các năm chẵn Dương lịch. Lễ hội năm nay, diễn ra trong 3 ngày - từ ngày 18 đến 20/8 (nhằm ngày 21 đến 23/7 Âm lịch) với mục đích bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân gian truyền thống của bà con người Phan Thiết gốc Hoa, một bộ phận cộng đồng dân cư trong quá trình hình thành và phát triển của TP. Phan Thiết. Lễ hội Nghinh Ông hiện là lễ hội truyền thống, góp phần phục vụ phát triển du lịch Bình Thuận.

Lễ hội Nghinh Ông Quan Thánh Đế Quân Xuất Du năm 2022 sẽ gồm các hoạt động chính như: Lễ Thỉnh Thánh Mẫu, Lễ Thỉnh kinh, Khai kinh, Lễ Yết Quan thánh, Lễ chiêu vong, phóng đăng, thả thuyền, biểu diễn nghệ thuật lân sư rồng…và điểm nhấn là Lễ Nghinh Ông xuất du trên các đường phố với sự tham gia biểu diễn của hơn 1 ngàn diễn viên quần chúng đến từ các hội quán, võ đường trong và ngoài TP. Phan Thiết.

Nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá và phát triển tương đối toàn diện

Từ năm 1992 đến nay, Bình Thuận luôn đạt tốc độ tăng trưởng khá, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) bình quân hàng năm tăng 9,07%; trong đó, GRDP nhóm ngành: Nông - lâm - thủy sản tăng 5,19%; công nghiệp - xây dựng tăng 15,16%; dịch vụ tăng 14,02%. 

Tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn cao hơn so với mức bình quân của cả nước. Cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ và giảm dần tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản, đến năm 2022, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng tăng lên 37,32% (năm 1992 chiếm 12,13%); dịch vụ tăng lên 33,04% (năm 1992 chiếm 25,25%) tỷ trọng nhóm ngành nông - lâm - thủy sản giảm còn 29,64% (năm 1992 chiếm 62,61%). Quy mô giá trị GRDP (theo giá hiện hành) tăng từ 3.914 tỷ đồng năm 1992 lên 94.858 tỷ đồng năm 2022 (bằng gấp 24,24 lần, tăng bình quân 11,21%/năm). 

Năng suất lao động năm 2022 bằng gấp 17,7 lần so với năm 1992, tăng bình quân 10,05%/năm. GRDP bình quân đầu người tăng từ 4,55 triệu đồng (tương đương 252,11 USD năm 1992 lên 75,69 triệu đồng (tương đương 3.248,52 USD), bằng gấp 12,89 lần so với năm 1992, tăng bình quân 12,89%/năm; thu nhập bình quân đầu người từ 1,35 triệu đồng năm 1992 lên 56,28 triệu đồng năm 2022 (bằng gấp 41 lần, tăng bình quân 13,24%/năm). 

Các ngành kinh tế phát triển khá đồng đều, tiềm năng, lợi thế của tỉnh được khai thác ngày càng tốt hơn, nhất là về năng lượng, du lịch.

Nhiều hoạt động ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận  - Ảnh 5.

Chế biến thanh long ruột đỏ ở Bình Thuận. Ảnh: Tô Thanh Long

Những nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2030

Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận cho biết, những nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2030, Bình Thuận sẽ tập trung lãnh đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, dồn sức thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá, cụ thể:

(1)Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, sắp xếp tổ chức bộ máy và cán bộ của hệ thống chính trị, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; siết chặt kỷ luật, kỷ cương gắn với đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

(2) Đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh nền kinh tế; chú trọng phát triển kinh tế biển; ưu tiên phát triển 03 trụ cột gắn với ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi giá trị: (1) Công nghiệp; (2) Du lịch; (3) Nông nghiệp.

(3) Chú trọng nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân. Củng cố, tăng cường quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

(4) Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản, bảo vệ rừng, vệ sinh, môi trường, phòng, chống dịch bệnh và ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu.

(5) Xây dựng và triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm hiệu quả.

Nhiều hoạt động ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận  - Ảnh 6.

Thanh long là cây trồng chủ lực của tỉnh Bình Thuận thời gian qua. Ảnh: Tô Thanh Long.

Các khâu đột phá

(1) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ có chuyên môn cao, có năng lực thực tiễn, phẩm chất đạo đức trong sáng, gần dân, trọng dân, có trách nhiệm với nhân dân; chú trọng xây dựng cán bộ nữ, cán bộ trẻ có triển vọng và bảo đảm tính kế thừa.

(2) Tăng cường đầu tư công và thu hút nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, kể cả hạ tầng công nghệ số. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân.

(3) Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư kinh doanh, liên kết, hợp tác, phát triển.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem