Lãnh đạo doanh nghiệp vận tải Bảo Yến chi nhánh phía nam cho biết, hiện nay tại đơn vị đang có có 110 xe buýt hoạt động trên 6 tuyến khắp địa bàn TP.HCM. Thế nhưng ở thời điểm này, doanh nghiệp này chỉ vận hành chưa tới 60% số xe, số còn lại nằm phơi nắng, phơi mưa.
Nguồn thu giảm sâu do vắng khách, lại vừa phải lo chi phí bảo dưỡng định kỳ cho các xe đang ngưng hoạt động. Doanh nghiệp phải gặp rất nhiều khó khăn trong việc trả lương cho nhân viên cũng như duy trì vận tải.
"Cơ cấu lao động cũng chuyển dịch về địa phương sau dịch Covid-19 vừa qua ở TP.HCM. Hệ quả của dịch Covid-19 ảnh hưởng đến sản lượng vận tải công cộng chung của ngành xe buýt", ông Trần Nguyên Thái, Giám đốc chi nhánh phía Nam doanh nghiệp vận tải Bảo Yến chia sẻ.
Theo khảo sát của phóng viên Dân Việt tại bến xe buýt trung tâm TP.HCM ở công viên 23/9 (quận 1), hiện nay lượng khách đã tăng lên so với một năm về trước thời điểm TP.HCM vẫn còn "dư âm" của dịch Covid-19. Tuy nhiên, các tài xế ở đây vẫn cho rằng, lượng khách vẫn vắng, đường đi chật chội do tình trạng kẹt xe ùn ứ kéo dài.
"Có khi bị out chuyến vì tình trạng kẹt xe triền miên, xe chỉ chạy đúng điểm đến rồi về lại chỗ cũ. Tình trạng này đang diễn ra thường xuyên. Thêm vào đó, các "xe dù bến cóc" hoạt động tung hoành khắp thành phố.
Những "xe dù bến cóc" hoạt động ngang nhiên không thấy ai xử lý. Đây cũng một trong những lý do chúng tôi mất khách", một tài xế tuyến xe buýt 86, công viên 23/9 chia sẻ với phóng viên.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách Lê Trung Tính cho biết, hiện nay TP.HCM có 90 tuyến xe buýt trợ giá với ngân sách thành phố hỗ trợ 1.000 tỷ/ năm. Thế nhưng, các năm gần đây liên tục giảm khách.
Thống kê của đơn vị vận tải hành khách công cộng tại thành phố, 6 tháng đầu năm nay, đạt khoảng 149 triệu hành khách, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn thu giảm nhưng các doanh nghiệp vận tải vẫn chưa được tạm ứng tiền trợ giá khiến hệ thống xe buýt thành phố gặp khó khăn.
Đây cũng chính là nguyên nhân khiến doanh nghiệp không chủ động cung ứng dịch vụ và chất lượng phục vụ nhằm hấp dẫn hành khách.
Cũng theo ông Tính, Sở GTVT TP.HCM và Trung tâm quản lý điều hành cần nhanh chóng điều chỉnh lại hợp đồng thầu hoặc hợp đồng đặt hàng. Trong 2 năm qua, vì dịch Covid-19 nên lượng hành khách giảm 50 - 60%. Vậy nếu tiếp tục đấu thầu xe buýt như lâu nay thì nên đưa điều kiện cho phù hợp với tình hình thực tế.
Theo các chuyên gia, để người dân không quay lưng với xe buýt, cần nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, đi xe đúng giờ, đúng tuyến, lái xe, nhân viên thân thiện.
Ngoài ra, yếu tố xã hội hóa cũng rất quan trọng, các phương tiện giảm thiểu trợ giá như tăng cường quảng cáo trên xe buýt, đấu thầu tuyến, áp dụng cơ chế thị trường để chọn được những doanh nghiệp có năng lực và cung cấp dịch vụ tốt.
"Để hoạt động xe buýt hiệu quả, về lâu dài, Sở GTVT TP.HCM cần thực hiện cấu trúc mạng lưới các tuyến đường bao gồm tuyến trục, tuyến chính và thu gom. Tiếp tục đầu tư, đổi mới, hiện đại hóa phương tiện, cải tạo xây mới các nhà chờ. Quan trọng nhất là đảm bảo tần suất hoạt động, đảm bảo đúng số tuyến, đúng giờ thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin trên tất cả các tuyến", ông Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược và Phát triển GTVT TP.HCM nhận định.