Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê yên bình. Thủa nhỏ nhà nghèo tôi không được ăn nhiều món ăn ngon, cũng không được đi đâu xa ngoài ngôi làng nhỏ bé của mình. Chỉ đến khi lên đại học tôi mới rời bỏ quê hương đến một vùng đất mới.
Hà Nội – trong mắt cô bé nhà quê lần đầu ra phố như tôi thật đáng sợ. Tôi sợ người lạ, sợ lạc đường, sợ cả những chiếc ô tô xe máy nờm nợp. Nhưng Hà Nội lại có những món ăn ngon hấp dẫn tôi. Những cốc chè, gói xôi, bánh mì kẹp thịt… thậm chí cả trà đá ven đường cũng làm tôi say mê. Trong muôn vàn món ngon ấy tôi thích nhất là phở.
Phở không chỉ là món ăn, mà còn như là tâm hồn của Hà Nội. Nghĩ mà xem, một buổi sớm mai mang chiếc bụng đói, vào hàng phở gọi ngay một bát phở bò. Chiếc bát sứ trắng, sợi phở còn trắng hơn, nước dùng nóng hổi. Điểm trên nền tuyết trắng ấy là những miếng thịt bò mỏng như tờ giấy, miếng cuộn tròn, miếng nằm nghiêng, miếng ngồi một góc.
Che trên đầu chúng là gốc hành trắng phau được chẻ nhỏ, những đoạn hành xanh cắt khúc, những mẩu rau thơm băm rối. Trên tất cả là lấm tấm những hạt tiêu đen xay mịn thơm lừng. Vắt một miếng chanh trộn đều lên, bên dưới còn vài miếng hành tây lát mỏng nữa đấy. Tôi ăn thật chậm, gắp mấy sợi phở đặt lên thìa để miếng thịt bò lên trên, thêm đoạn hành rồi cho vào miệng, múc một ngụm nước dùng.
Hương phở nở bung thấm đậm nơi đầu lưỡi, dù bụng có no thì lưỡi vẫn đói đến cồn cào. Nhưng khi còn là sinh viên, phở với tôi là một món xa xỉ lắm. Một suất cơm bụi chỉ 2 – 3 nghìn mà phở những 10 nghìn một bát cơ. Tôi đi làm thêm dành dụm tiền, cả tháng cũng chỉ dám ăn phở một lần.
Hà Nội của tôi khi xưa là những đêm học bài khuya, người ta rao bán đồ ăn khắp các ngõ nhỏ. Nghe cả trăm lần mà tôi vẫn nghe thành: "Tôi là bánh khúc đây". Hỏi đứa bạn cùng phòng nó cũng bảo nghe như thế. Có hôm đánh bạo mua gói bánh, tôi hỏi chú bán xôi: Sao câu rao của chú lạ vậy? Chú ấy cười: "Cả Hà Nội ai cũng rao thế". Tôi thấy không đúng lắm, mà ngại không dám hỏi nữa. Phải rất lâu sau tôi mới biết câu rao đó là: "Xôi lạc bánh khúc đây".
Nghĩ lại mà cười mãi. Rồi những chiều mùa đông, đạp xe qua hồ Hoàn Kiếm ăn kem Tràng Tiền. Hai quầy bán kem đầy ắp người xếp hàng, xe máy xe đạp dựng kín các khoảng trống. Người ngồi trên xe, người dựa lưng vào tường, mỗi người tự tìm cho mình một góc để thưởng thức kem. À, thì ra kem Hà Nội lại ăn bình dị như vậy, không bàn không ghế, không cả người phục vụ, không trang hoàng lộng lẫy.
Bạn có thấy không, mùa đông đi ăn kem mà còn đông người như vậy, thì mùa hè sẽ náo nhiệt thế nào đây? Tôi thích kem ốc quế nhất, lúc ấy chỉ 2 nghìn đồng một cái, thích mà vẫn xót tiền. Tôi ăn như một chú mèo nhỏ nhẩn nha liếm từng ngụm sữa. Miếng kem mát lạnh đập tan mọi muộn phiền và cái sự tiếc tiền của đứa sinh viên nghèo tôi đây. Ốc quế giòn tan khiến tôi vui vẻ mỉm cười. Ăn xong lạnh run cả người, lại dắt xe ra bờ hồ hóng gió đông.
Thời sinh viên của tôi ngoài những ngày dài miệt mài sách vở, còn là những buổi chiều buồn đạp xe ra hồ Linh Đàm ngồi than thở. Khi ấy hồ Linh Đàm còn hoang sơ lắm, như một góc quê giữa chốn thị thành. Gió mang hương cỏ dại xoa đều lên mái tóc rối của tôi. Nắng tinh khôi không vương khói bụi hong khô giọt nước mắt đang rơi vì tình đầu tan vỡ. Một khoảng không gian bình yên đến lạ kỳ, làm bạn với tôi suốt mấy tuần liền.
Sau rồi hết đau buồn, tôi vẫn đạp xe ra đây để nghe gió hát. Tôi thả hồn mình theo những con sóng nước lăn tăn. Hàng cây sau lưng như thủ thỉ kể cho tôi nghe những chuyện tình của các cặp đôi hay đến đây hờn dỗi. Tôi bật cười trước sự ngốc nghếch của bản thân. Giờ hồ Linh Đàm đã thay màu áo mới, màu của sự hiện đại và cao sang. Không biết gốc cây khi xưa tôi hay đứng, có còn nhớ tiếng thở dài của tôi hay không?
Thời gian trôi qua thật mau, mới đó mã đã gần 20 năm. Nếu khi xưa Hà Nội chỉ là nơi tôi đến, thì nay đã là nơi tôi về. Hà Nội nhìn tôi từ cô bé ngây thơ trở thành người phụ nữ nếm trải gần hết những thăng trầm của cuộc sống. Một người bạn tri kỉ thầm lặng luôn cho tôi mượn bờ vai vô hình để dựa dẫm. Cảm ơn Hà Nội đã ở bên tôi suốt quãng đường thanh xuân ấy nhé.
Bài Nhớ kỷ niệm về người bạn tri kỷ dự thi Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội trên Chuyên mục Hà Nội Hôm nay (Báo Điện tử Dân Việt). Kính mời độc giả gửi bài viết dự thi về địa chỉ email cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc gửi thư đến địa chỉ Ban Bạn đọc, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.
Tác phẩm gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.
Cơ cấu giải thưởng: 01 giải nhất trị giá 10 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 01 Giải nhì trị giá 7 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 02 Giải ba mỗi giải trị giá 5 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận và 05 Giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 2 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận.