Ký ức Hà Nội: Phố hoa và nỗi nhớ Hà Nội

Kiều Xuân Quỳnh Thứ tư, ngày 17/08/2022 11:39 AM (GMT+7)
Phố bắt đầu ngày mới bằng những sắc hoa tỏa hương trong chợ hoa Quảng Bá (Hà Nội). Còn đường Âu Cơ tươi xinh màu sắc trong tia nắng dịu nhẹ như chưa vương mùi khói bụi...
Bình luận 0

Tâm thức anh chợt lạc về câu chuyện em nói với anh ngày xưa khi anh cùng em ngang qua đoạn đường này. Em nhắc về truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ rời xa nhau bởi nỗi nhớ non cao, biển sâu nhưng đôi mắt, trái tim vẫn dõi theo nhau. 

Em hứa, chúng mình sẽ mãi mãi bên nhau dẫu điệp trùng non cao hay thẳm sâu biển cả. Con đường xưa, kỷ niệm cũ, lời em nói như vẫn còn đây chỉ có em là không trở về bên anh. Những ngày Hà Nội chuyển mùa, một mình anh lẻ bước ngắm phố hoa.

Ngày ấy, anh từ miền cao nguyên đá về Hà Nội trọ học. Chiếc ba lô bạc màu kỷ vật từ đời lính làm hành trang. Khi ấy, em đã là cô sinh viên khoác chiếc áo xanh tình nguyện. Cánh cổng trường thênh thang khiến một người từng rèn luyện trong quân ngũ như anh cũng cảm thấy đôi chút e dè. Nhưng nhìn vào đôi mắt em anh thấy vững niềm tin theo đuổi ước mơ.

Ký ức Hà Nội: Phố hoa và nỗi nhớ Hà Nội - Ảnh 1.

Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội luôn thu hút hàng ngàn lượt khách đổ về mỗi tuần để vui chơi, hòa mình với thiên nhiên, chụp ảnh... Ảnh: Cao Oanh.

Em là con gái gốc Hà Nội nhưng vẫn giản dị trong tà áo dài trắng tinh khôi, chiếc cặp da, mái tóc đen buông ngang vai mỗi ngày tới giảng đường. Còn anh đến lớp cũng giản dị trong bộ quần áo lính.

Chúng mình thường gặp nhau trong thư viện nên cảm mến nhau từ những trang sách. Buổi chiều anh đưa em về nhà trên con đường nồng nàn hương hoa sữa. Em nói về những trang sách viết về những địa danh lịch sử. Chính vì em yêu những địa danh lịch sử nên em đã đưa anh đi thăm những luỹ thành ngàn năm không phai dấu của kinh đô. 

Ngày chúng mình đến Hoàng Thành Thăng Long. Em nhắc về những triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn... Đất nước từng trải qua biến cố thăng trầm, ngai vàng bao lần đổi chủ nhưng dòng máu lạc hồng vẫn bừng sáng trong mạch rồng tiên. Gươm báu đã trả Đức Long Quân nhưng hai chữ "thuận thiên" vẫn khắc trong tâm thức dòng máu lạc hồng để những cuộc "trường kỳ kháng chiến" vọng vang mãi ngàn năm.

Một lần đến thăm nhà tù Hoả Lò em đã khóc ướt vai áo anh khi nhìn những bức tượng mô phỏng sự giam cầm khắc khổ trong buồng giam lạnh lẽo. Cố nội em và những chiến sỹ cách mạng kiên trung đã hy sinh nơi đây nhưng tên tuổi vẫn bất tử cùng non sông. Anh muốn nói một điều gì đó nhưng đôi khi sự im lặng là cách sâu thẳm nhất để chúng mình sẻ chia cùng nhau những đau thương.

Một buổi chiều trên cầu Long Biên, hoàng hôn buông xuống sông Hồng màu tím biếc như những cánh hoa lưu ly. Anh đan bàn tay chai sạn của anh vào bàn tay nhỏ bé của em. Anh nói về sông Hồng trên quê hương anh. 

Ký ức Hà Nội: Phố hoa và nỗi nhớ Hà Nội - Ảnh 3.

Cầu Long Biên, Hà Nội: Ảnh: Phạm Hưng.

Nơi đó, sông Hồng e ấp bên những dãy núi cao nhưng dòng chảy nơi thượng nguồn chẳng đủ sức níu giữ phù sa cho mạch đá xanh màu diệp lục. Đôi tay cha anh chai sần vì khuân vác những tảng đá, đôi vai mẹ gùi đất lấp đầy những mạch đá. Sông Hồng ưu ái vùng kinh đô hơn bằng những dòng phù sa đỏ nặng bồi lấp bến bờ. Nên ven sông những vườn hoa mùa nối mùa điểm tô sắc màu cho Hà Nội xinh tươi bằng những phố hoa.

Từ những vườn hoa ven sông những bông hoa toả đi khắp những phố phường. Những cánh hoa nhỏ bé mang đến cho lòng người những nỗi nhớ chênh chao! Anh dừng bên một sạp hoa lựa chọn những bông lưu ly đẹp nhất. Ngày mai, tròn một năm em rời xa anh. Cô sinh viên y khoa vào miền nam chống đại dịch và mãi mãi không trở về bên anh.

Anh nhớ có lần bên giếng Ngọc trong thành Cổ Loa. Anh đùa rằng sẽ may tặng em chiếc áo lông ngỗng để khi mình xa nhau anh sẽ luôn tìm thấy em. Năm tháng trôi qua, anh vẫn đi tìm hình bóng em trên những phố hoa nhưng chỉ thấy những bông hoa sữa vương vấn trên vai.

Bài Phố hoa và nỗi nhớ Hà Nội dự thi Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội trên Chuyên mục Hà Nội Hôm nay (Báo Điện tử Dân Việt). Kính mời độc giả gửi bài viết dự thi về địa chỉ email cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc gửi thư đến địa chỉ Ban Bạn đọc, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Tác phẩm gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.

Cơ cấu giải thưởng: 01 giải nhất trị giá 10 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 01 Giải nhì trị giá 7 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 02 Giải ba mỗi giải trị giá 5 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận và 05 Giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 2 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem