Đầu tháng 3 năm 1979, sau khi hoàn thành nhiệm vụ đánh đổ chế độ Khmer Đỏ, giúp giải phóng Campuchia, đơn vị chúng tôi được lệnh bàn giao địa bàn tác chiến cho một đơn vị thuộc Quân khu 9, hành quân đến cảng Shihanoukville lên tàu về nước, chi viện cho mặt trận biên giới phía Bắc đánh đuổi giặc Trung Quốc xâm lược.
Sau 2 ngày đêm lênh đênh trên con tàu mang tên Sông Bé, tối 7/3/1979 tàu cập cảng Sài Gòn. Đêm hôm đó, chúng tôi ngủ lại ở sân bay Tân Sơn Nhất trong tiếng gầm rú của máy bay cất hạ cánh liên tục suốt đêm.
Từ tờ mờ sáng 8/3/1979, chúng tôi nhận lệnh sẵn sàng hành quân, nhanh chóng tập hợp đội hình ra khu vực chờ lên tàu bay. Gần trưa thì máy bay cất cánh.
Khi chiếc TU.134 lăn bánh trên đường băng vào sân đỗ, chúng tôi mới biết mình đã đến sân bay Gia Lâm (Hà Nội). Đó là lần đầu tiên trong đời tôi đến Hà Nội – Thủ đô yêu dấu, trong lòng rộn ràng bao cảm xúc. Cái cảm xúc bâng khuâng xen lẫn niềm tự hào của những chàng trai tuổi hai mươi được đặt chân lên mảnh đất ngàn năm văn hiến mà lâu nay thi thoảng chỉ biết qua lời kể, sách, báo, phim ảnh.
Chúng tôi rời sân bay trong làn mưa xuân nhè nhẹ và cơn gió lạnh còn sót lại của mùa đông miền Bắc, hành quân bộ qua những con đường quanh co ở ngoại ô, qua cánh đồng lúa vừa bén rễ lá xanh mơn mỡn, rập rờn theo từng cơn gió như vẫy chào đoàn quân. Tất cả quá đỗi gần gủi, thân thương mà chúng tôi – những người lính làm nhiệm vụ quốc tế xa Tổ quốc trở về sau bao ngày khát khao, mong chờ. "Ôi, nói sao cho hết nổi vui sướng khi được sống trong lòng Tổ quốc, sống trong tình thương yêu của những người mẹ, người dân đất nước mình..."(Nhật ký ngày 8/3/1979).
Đơn vị tôi đóng quân ở thôn Sài Đồng, xã Gia Thụy (Gia Lâm). Tôi và một nửa tiểu đội vào xin ở tạm trong căn nhà của mẹ Chữ trạc ngoài 60, dáng hiền hậu, cao gầy. Mẹ tất bật, niềm nở đón chúng tôi. Mẹ tự tay sửa soạn chỗ ở, giành hết cho chúng tôi căn nhà trên. Còn mẹ và người con trai cả cùng 2 người con gái ở nhà dưới. Chúng tôi mắc võng, trải nilon nằm ngủ dưới sàn nhà nhưng mẹ một mực không đồng ý. Mẹ bảo tao thương, tao xót cho chúng mày quá, nhìn đứa nào cũng gầy, đen, mắt thâm quầng thế kia!
Mà đúng thật, hơn 2 tháng vào sinh ra tử trên chiến trường Campuchia, trải qua nhiều trận đánh, khói thuốc súng quện với bụi bặm lâu ngày không được tắm rửa khiến cho khuôn mặt mấy tụi tôi ai cũng đen nhẻm, hốc mắt sâu hoắm vì thiếu ngủ.
Tranh thủ những giây phút bình yên hiếm hoi, tôi xin giấy, viết thư về báo tin cho gia đình, không quên ghi mấy dòng vào trang nhật ký đã theo tôi suốt từ khi vào chiến dịch biên giới Tây – Nam.
"Ngày 9/3/1979, đêm qua ngủ một giấc ngon ngoại thành Hà Nội, sống trong gia đình mẹ Chữ (xã Gia Thụy) được mẹ chăm sóc đùm bọc như những đứa con ruột thịt. Còn tôi, từ ngày vào bộ đội, hôm nay mới được sống những ngày vui thế này. Niềm vui hiếm có của đời lính. Ngày mai sẽ là nơi biên cương, chiến trận.
Ngày 10/3/1979, hôm nay là ngày cuối cùng ở thôn Sài Đồng (Gia Thụy, Gia Lâm). Buổi chia tay với gia đình thật quyến luyến, chúng tôi cứ đứng tần ngần, chần chừ mãi tôi mới từ biệt mẹ, bước ra sau cùng".
Khoảng 9 giờ tối, chúng tôi hành quân bộ sang Ga Yên Viên, nơi đoàn tàu quân sự đang chờ sẵn. Chừng 2 giờ sáng 11/3/1979, đoàn tàu xình xịch chuyển bánh lao đi trong đêm. Tôi căng mắt nhìn ra cửa sổ con tàu thấy thấp thoáng những ngôi nhà, làng mạc, cánh đồng… tất cả đang chìm trong giấc ngủ. Chúng tôi đi bước vào trận mới, giữ cho những giấc ngủ bình yên. Suy nghĩ miên man rồi tôi cũng thiếp đi tự lúc nào, cho đến khi toa tàu giật khục và tiếng còi tàu hụ một hồi dài. Trời tờ mờ sáng, tàu đã đến ga Đồng Quang (Thái Nguyên). Đơn vị tôi chuyển tiếp lên ô tô hành quân lên mặt trận Lạng Sơn qua hướng Bắc Sơn, Bình Gia.
Năm tháng trôi đi, nhưng tôi vẫn nhớ mãi ký ức ấm áp trong lần đầu tiên đến Hà Nội, luôn mong có dịp trở lại thăm người mẹ Sài Đồng, nhưng vì thời gian trực chiến nghiêm ngặt trong quân đội ở biên giới, phương tiện đi lại cũng khó khăn nên đành lỗi hẹn.
Mãi nhiều năm sau, khi đã chuyển ngành vào Nam công tác, có lần ra Hà Nội, tôi tìm đến Sài Đồng. Những ngôi nhà, mảnh ruộng quê xưa nay là nhà phố liên kế san sát, thôn Sài Đồng xưa nay là phố Sài Đồng, không có thông tin gì gia đình mẹ Chữ. Thất vọng vì không tìm lại được miền ký ức, tôi chông chênh, lặng nhìn dãy phố dài hun hút, tấp nập dòng người, xe cộ, nấn ná bước lên xe, từ biệt, trong lòng thầm mong mẹ và gia đình ở đâu đó vẫn sức khỏe, bình an.
Bài viết Nhớ mãi mẹ Chữ ở Sài Đồng dự thi Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội trên Chuyên mục Hà Nội Hôm nay (Báo Điện tử Dân Việt). Kính mời độc giả gửi bài viết dự thi về địa chỉ email cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc gửi thư đến địa chỉ Ban Bạn đọc, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.
Tác phẩm gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.
Cơ cấu giải thưởng: 01 giải nhất trị giá 10 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 01 Giải nhì trị giá 7 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 02 Giải ba mỗi giải trị giá 5 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận và 05 Giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 2 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.