Chuyển đổi mô hình hoạt động HTX từ kiểu cũ sang kiểu mới làm cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo các HTX lúng túng trong sản xuất, kinh doanh, chưa bắt nhịp được mô hình mới vận hành theo cơ chế thị trường.
Chính vì vậy mà nhiều HTX nông nghiệp ở Hóc Môn, Củ Chi (TP.HCM) đều cho rằng, tập hợp nông dân vào HTX không khó, cái khó là quản lý, điều hành sản xuất và kinh doanh HTX. Từ việc quản lý thu chi, hóa đơn, chứng từ…cũng phải cần kế toán chuyên nghiệp vì đầu ra HTX bán cho doanh nghiệp, siêu thị, tất cả đều có chứng từ mua bán. Đây là điều mà những nông dân sản xuất truyền thống không thể làm được.
Kế đến là người điều hành kinh doanh, phải biết xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh để cung cấp đúng và đủ đơn hàng nên rất cần quản lý có chuyên môn, biết sử dụng phần mềm máy tính. Những công việc như thế phải cần người có chuyên môn, có trình độ.
Trước tình hình đó, Sở NNPTNT TP.HCM đã chỉ đạo Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp trong năm 2022 tổ chức 12 lớp tập huấn các chuyên đề "Hướng dẫn lập báo cáo tài chính năm và Hướng dẫn hạch toán giá thành sản xuất sản phẩm nông nghiệp" nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp lập báo cáo tài chính năm, hạch toán giá thành sản xuất phù hợp với từng nhóm ngành hàng nông sản sản xuất - kinh doanh.
Chi cục Phát triển nông thôn TP.HCM cũng đang phối hợp với Viện nghiên cứu và Phát triển nguồn nhân lực (thuộc Trường Đại học Kinh tế TP.HCM) tổ chức 2 lớp bồi dưỡng kiến thức HTX dành cho Hội đồng quản trị và giám đốc HTX; kiến thức chung về HTX; kỹ năng nghiệp vụ tổ chức, quản lý HTX; kỹ năng mềm hỗ trợ tổ chức điều hành HTX dự kiến thực hiện trong quý 3 năm 2022. Trước đó, công tác đào tạo nâng cao nguồn nhân lực cho HTX phát triển kinh tế tập thể, UBND TP.HCM giao cho Liên Minh HTX TP.HCM thực hiện với hàng ngàn cán bộ quản lý HTX đã qua đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng hàng năm.
Bên cạnh đó, UNBD huyện Cần Giờ trong 6 tháng đầu năm 2022 đã tổ chức 05 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho 182 lao động nông thôn (trong đó có các thành viên tổ hợp tác, HTX) với các nội dung: Nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình VietGAP, kỹ thuật nuôi cua thương phẩm, kỹ thuật chăm sóc và cắt tỉa cây cảnh, kỹ thuật trồng rau sạch trong nhà màng.
Ngoài ra, Học viện Cán bộ Thành phố đã xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng dành cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đương nhiệm và thuộc diện quy hoạch, dự nguồn theo chức năng, nhiệm vụ được giao nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực cho hệ thống chính trị của thành phố, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM nói chung và trong lĩnh vực phát triển HTX nông nghiệp nói riêng.
Học viện đã phối hợp với Sở Nội vụ tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý hành chính cho 23 học viên là cán bộ thuộc các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Cần Giờ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện xây dựng nông thôn mới, phát triển HTX với các nội dung: Vấn đề tập trung cơ sở hạ tầng đồng bộ các vùng nguyên liệu tập trung gắn với liên kết chuỗi giá trị các cụm làng nghề, ngành nghề nông thôn; phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền; phát triển hạ tầng số, chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn; xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, chợ đầu mối, trung tâm thu mua - cung ứng nông sản an toàn cấp huyện, trung tâm kỹ thuật nông nghiệp, chợ an toàn thực phẩm…; xây dựng hệ thống trung tâm cung ứng nông sản hiện đại.