Hai nghi phạm là Nguyễn Thị Lệ (42 tuổi) và Lê Văn Danh (34 tuổi, đều ngụ thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang). Cả hai nghi phạm bị tạm giữ về hành vi "tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép".
Sau thời gian tích cực điều tra, lực lượng an ninh điều tra Công an tỉnh An Giang phối hợp Công an huyện An Phú xác định, trong số 40 người tháo chạy khỏi casino Rich World Campuchia bơi qua sông về Việt Nam, Lệ cùng Danh đưa trót lọt 6 người xuất cảnh trái phép sang Campuchia trước đó.
Tại cơ quan điều tra, bước đầu Lệ khai nhận từ tháng 5/2022, Lệ được một người đàn ông không rõ lai lịch câu móc tham gia đưa người xuất cảnh trái phép từ Việt Nam qua Campuchia, Lệ đồng ý.
Sau đó, Lệ câu móc với Danh tham gia rước khách xuất cảnh chở đến bến sông bờ phía Việt Nam giao cho Lệ đưa sang Campuchia.
Theo thỏa thuận khi đưa khách trót lọt qua Campuchia, Lệ và Danh được trả công 100 nghìn đồng/khách. Ngoài việc đưa 6 người khách trên xuất cảnh trái phép qua Campuchia, Lệ còn thừa nhận cùng Danh đưa trót lọt nhiều lần, nhiều người xuất cảnh trái phép qua Campuchia với mục đích làm việc tại casino.
Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, theo quy định của pháp luật, hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh phải thực hiện theo quy định của Luật xuất nhập cảnh nhằm quản lý dân cư, đảm bảo an ninh trật tự.
Những hành vi tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép, nhập cảnh trái phép, ở lại nước ngoài trái phép hoặc ở lại Việt Nam trái phép là những hành vi vi phạm pháp luật.
Bởi hành vi này là nguy hiểm cho xã hội, làm mất an ninh trật tự, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn trong xã hội nên người vi phạm sẽ bị xử lý hình sự.
Cụ thể là bị xử lý về tội "Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép theo quy định tại Điều 348 Bộ luật hình sự 2015.
Theo ông Cường, như vậy, cơ quan điều tra sẽ làm rõ các đối tượng này đã tổ chức cho bao nhiêu người trốn đi nước ngoài trái phép.
Trường hợp kết quả điều tra cho thấy các đối tượng phạm tội nhiều lần, tổ chức đối với 11 người trở lên trốn đi nước ngoài trái phép, hai đối tượng có thể phải chịu khung hình phạt cao nhất của tội danh này là phạt tù từ 7 đến 15 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Vị này cho biết, cơ quan điều tra công an Việt Nam sẽ phối hợp với cảnh sát hoàng gia Campuchia để mở rộng điều tra vụ án, xử lý triệt để các hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng có liên quan.
Trong đó không loại trừ trường hợp sẽ khởi tố thêm tội mua bán người, tội tổ chức đánh bạc trái phép, tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet để lừa đảo chiếm đoạt tài sản...
Với những hành vi bắt giữ, đánh đập những người lao động, căn cứ vào hậu quả xảy ra, cơ quan điều tra có thể tiếp tục khởi tố vụ án hình sự về tội hành hạ người khác, tội cố ý gây thương tích, tội bắt giữ người trái pháp luật và các tội danh khác có liên quan theo quy định pháp luật.
Đối với những người Việt Nam bị lừa bán sang Campuchia để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật thì họ là nạn nhân trong các vụ án này.
Với hành vi giúp sức cho các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng internet hoặc tổ chức đánh bạc nhưng những người này bị ép buộc và chủ động tố cáo nên có thể sẽ không bị xử lý hình sự.
Trường hợp những người Việt Nam bị lừa bán sang Campuchia biết là giúp sức cho các đối tượng lừa đảo, tổ chức đánh bạc là hành vi vi phạm pháp luật, không bị ép buộc, có thể từ chối, lựa chọn việc làm khác nhưng vẫn cố tình thực hiện hành vi vi phạm pháp luật thì mới bị xử lý với vai trò đồng phạm.
Còn trường hợp họ bị bán, bị ép buộc phải thực hiện hành vi không phải là ý chí của họ thì không phải chịu trách nhiệm đối với những hành vi vi phạm pháp luật của nhóm đối tượng tội phạm xuyên quốc gia này.
Những nạn nhân sẽ là người làm chứng, phối hợp với cơ quan chức năng để làm rõ hành vi của nhóm đối tượng gây án, để sớm xử lý theo quy định của pháp luật.