Người giả bác sĩ vào bệnh viện bắt cóc trẻ sơ sinh ở Hà Nội có thể bị xử lý thế nào?

Quang Trung Thứ bảy, ngày 20/08/2022 18:16 PM (GMT+7)
Đóng giả bác sĩ, Tuyến vào Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ (Hà Nội) bắt cóc 1 trẻ sơ sinh. Trong lúc đang tìm cách tẩu thoát ra ngoài, Tuyến bị bắt giữ. Hành vi của Tuyến có thể bị xử lý ra sao?
Bình luận 0

Giả bác sĩ vào bệnh viện bắt cóc trẻ sơ sinh

Chiều nay (20/8), lãnh đạo UBND huyện Chương Mỹ (Hà Nội) cho biết, cơ quan công an vừa tạm giữ hình sự 1 đối tượng liên quan vụ bắt cóc trẻ sơ sinh, xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ.

Người giả bác sĩ vào bệnh viện bắt cóc trẻ sơ sinh ở Hà Nội có thể bị xử lý thế nào? - Ảnh 1.

Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ, nơi Tuyến đóng giả là bác sĩ rồi lẻn vào bắt cóc trẻ sơ sinh. Ảnh: TT

Theo đó, lực lượng chức năng đã tạm giữ Nguyễn Thị Tuyến (SN 1989, trú Thụy Hương, Chương Mỹ) để điều tra hành vi "Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi".

Thông tin bước đầu, khoảng tối qua (19/8), Tuyến đã giả danh nhân viên y tế của Bệnh viện Đa khoa Chương Mỹ, sau đó đến Khoa sản rồi chiếm đoạt 1 trẻ sơ sinh. Khi Tuyến đang tìm cách đưa cháu bé ra khỏi bệnh viện thì bị phát hiện.

Trẻ sơ sinh được xác định là con của chị N.T.H. (SN 1983, Hòa Chính, Chương Mỹ). Công an huyện Chương Mỹ đang vào cuộc làm rõ sự việc này.

Quy định về hành vi chiếm đoạt người dưới 16 tuổi

Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo thông tin ban đầu, thấy hành vi của Nguyễn Thị Tuyến đã có dấu hiệu của tội "Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi" theo quy định tại Điều 153 Bộ luật hình sự 2015.

Trong quá trình điều tra, nếu có căn cứ chứng minh Tuyến bắt cóc cháu bé nhằm tống tiền, có thể đối tượng này sẽ bị xử lý hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 169 Bộ luật hình sự 2015.

Luật sư Hòe cho biết, chiếm đoạt người dưới 16 tuổi là hành vi sử dụng mọi phương thức nhằm chiếm giữ trái phép người dưới 16 tuổi.

Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi xâm phạm đến quyền trẻ em, quyền được sống cùng bố mẹ, quyền được nhận sự chăm sóc, nuôi dưỡng từ bố mẹ, xâm phạm sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm của người dưới 16 tuổi.

Tội phạm này thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Tức là người phạm tội hoàn toàn nhận thức được hành vi của mình xâm phạm đến quyền tự do của nạn nhân nhưng mong muốn hậu quả đó xảy ra, muốn chiếm giữ nạn nhân một cách bất hợp pháp.

Động cơ phạm tội và mục đích phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc cấu thành tội phạm nhưng mục đích phạm tội ở đây phải nhằm chiếm giữ nạn nhân. Nếu việc chiếm đoạt nạn nhân nhằm mục đích khác sẽ không cấu thành tội phạm này.

Ví dụ, trường hợp chiếm đoạt người dưới 16 tuổi, chiếm giữ họ để tống tiền gia đình nạn nhân sẽ cấu thành tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.

Về hình phạt, theo luật sư Hòe, tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi quy định, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ người dưới 16 tuổi sẽ bị phạt tù từ 3 đến 7 năm.

Nếu phạm tội có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp; Đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng; Phạm tội 2 lần trở lên; Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%... sẽ bị phạt tù từ 5 đến 10 năm.

Nếu phạm tội có tính chất chuyên nghiệp; Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Làm nạn nhân chết…sẽ bị phạt tù từ 10 đến 15 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1đến 5 năm. Đây là hình phạt bổ sung.

"Như vậy người bị chứng minh là có tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi, tùy tính chất mức độ mà có thể đối mặt với các khung hình phạt nêu trên" – vị luật sư thông tin.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem