Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 7/2022, Việt Nam xuất khẩu được 196.500 tấn cao su, trị giá 318,98 triệu USD, Trung Quốc vẫn là thị trường mua nhiều nhất.
Lũy kế 7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cao su đạt 983.760 tấn, trị giá 1,68 tỷ USD, tăng 7,2% về lượng và tăng 9,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Tháng 7/2022, giá cao su xuất khẩu bình quân đạt 1.623 USD/tấn.
Tháng 7/2022, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ cao su nhiều nhất của Việt Nam, chiếm 71,3% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với 140.040 tấn, trị giá 220,09 triệu USD.
Giá cao su xuất khẩu bình quân sang Trung Quốc ở mức 1.572 USD/tấn, giảm 1,1% so với tháng 6/2022 và giảm 3% so với tháng 7/2021.
Lũy kế 7 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 676.360 tấn cao su, trị giá 1,12 tỷ USD, tăng 5,3% về lượng và tăng 7,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Tại thị trường trong nước, từ đầu tháng 8/2022 đến nay, giá mủ cao su nguyên liệu trong nước giảm nhẹ so với cuối tháng trước. Tại Bình Phước, giá mủ cao su nguyên liệu được Công ty cao su Phú Riềng thu mua ở mức 290-302 đồng/độ TSC, giảm 5 đồng/độ TSC so với cuối tháng 7/2022.
Tại Bình Dương, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu của Công ty cao su Phước Hòa ở mức 306-308 đồng/độ TSC, giảm 5 đồng/độ TSC so với cuối tháng 7/2022.
Mủ cao su tại Gia Lai được Công ty cao su Mang Yang thu mua với giá 285-295 đồng/độ TSC, ổn định so với cuối tháng 7/2022.
Nhập khẩu cao su của Trung Quốc tiếp tục tăng trong tháng 7/2022. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong tháng 7/2022, Trung Quốc nhập khẩu 579.700 tấn cao su tự nhiên và tổng hợp (kể cả mủ cao su), với trị giá 1,06 tỷ USD, so với tháng 7/2021 tăng 10,4% về lượng và tăng 10,9% về trị giá.
Lũy kế 7 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu 3,97 triệu tấn cao su tự nhiên và tổng hợp, trị giá 7,48 tỷ USD, tăng 4,1% về lượng và tăng 10,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Nhật Bản và Hàn Quốc là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Trung Quốc. Trong đó, trị giá nhập khẩu cao su từ 3 thị trường Thái Lan, Việt Nam và Nhật Bản tăng so với cùng kỳ năm 2021.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc với 959,67 triệu USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Thị phần cao su Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2022 chiếm 14,45%, cao hơn so với mức 14,37% của 6 tháng đầu năm 2021.
Theo nhận định của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong những tháng gần đây, nhu cầu nhập khẩu cao su của Trung Quốc có xu hướng tăng trở lại. Tuy Trung Quốc vẫn đang thực hiện chính sách “Zero Covid”, nhưng quốc gia này vẫn đang cần nhập khẩu lượng mủ cao su và cao su sơ chế rất lớn để phục vụ cho sản xuất các sản phẩm cao su của nước này.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, trị giá nhập khẩu cao su tự nhiên (HS 4001) của Trung Quốc đạt 2,03 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2021, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 6 cho Trung Quốc với 123,48 triệu USD, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Trị giá nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Trung Quốc đạt 2,66 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2021. Việt Nam là thị trường cung cấp hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp lớn thứ hai cho Trung Quốc với 828,88 triệu USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Việt Nam chiếm 31,2% trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc.