CLIP: Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 đến từ tỉnh Gia Lai là ông Huỳnh Văn Ánh chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi trâu bò thả rông ăn cỏ dại. Thực hiện: Hoàng Lộc
Ông Huỳnh Văn Ánh sinh ra và lớn lên tại xã Bình Sa (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam). Ở vùng quê nghèo, đất cằn sỏi đá, nhà lại ít đất sản xuất nên vào năm 1990, ông đưa cả gia đình vào xã Ia Hrú (huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) lập nghiệp.
Ở nơi đất khách quê người, ông Ánh cần mẫn khai hoang được 4 ha đất tại xã Ayun (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) để làm trang trại nuôi bò và làm đồng cỏ để bò ăn. Sau đó, ông mua 1 con bò cái của người dân địa phương để về nuôi.
Nhờ chịu thương chịu khó lao động, qua nhiều năm, đàn bò của ông sinh sôi, phát triển nhân lên thành vài chục, rồi vài trăm con. Thời cao điểm năm 2007-2008, đàn bò của gia đình ông có lúc lên đến 700-800 con. Ngoài ra, ông Ánh còn nuôi thêm cả com trâu.
Mỗi ngày, vào khoảng 6h sáng, đàn trâu bò sẽ được ông thả trên cánh đồng cỏ, đến khoảng 17h chiều thì chúng sẽ tự quay trở về chuồng. Ngoài ra vào mùa khô, đồng cỏ khan hiếm thì ông Ánh bổ sung thêm rơm khô cho đàn trâu bò ăn để có chất dinh dưỡng.
Trong chăn nuôi, ông Ánh cũng đặc biệt chú trọng khâu phòng trừ dịch bệnh. Mỗi tuần, ông lại phun khử trùng chuồng trại một lần; 6 tháng/lần lại tiêm vắc-xin phòng chống các bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng, đau mắt đỏ...Ngoài ra, ông cũng thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát.
Để duy trì công việc, gia đình ông phải thuê thêm nhân công tại địa phương để phụ giúp việc chăm sóc, chăn thả bò.
"Ở xã Ayun này, tôi thấy đồng cỏ khá mênh mông, bát ngát và gần sông suối nên nguồn thức ăn và nước uống luôn dồi dào cho trâu bò. Công việc chăn nuôi cũng khá nhàn hạ nữa. Buổi sáng tôi cứ thả rông đàn trâu bò, đến chiều tối thì chúng tự mò về chuồng. Có một số hôm không thấy chúng về thì tôi vẫn phải đi lùa.
Bên cạnh đó, khí hậu ở đây cũng ở khá mát mẻ quanh năm và không rét buốt như ngoài miền bắc nên việc chăn nuôi cũng thuận lợi. Chính vì vậy, đàn trâu bò của tôi con nào con nấy đều mập mạp, căng tròn", ông Ánh chia sẻ về công việc chăn nuôi trân bò.
Hiện tại, trang trại của ông Ánh có khoảng 200 con bò và 50 con trâu và tất cả đều là giống bản địa. Mỗi năm, ông thường xuất bán khoảng 50 con bò và 20 con trâu, giá bán trung bình từ 15-20 triệu đồng/con bò và từ 25-40 triệu đồng/con trâu. Theo ước tính, gia đình ông thu về gần 1,5 tỷ đồng/năm.
"Nhờ có đàn trâu bò này mà 3 đứa con của gia đình tôi được ăn học tử tế. Mỗi năm tôi bán gần trăm con và lấy nguồn đấy để nuôi các con", ông Ánh tâm sự. Hiện, 2/3 người con của ông Ánh đã lập gia đình, có công ăn, việc làm ổn định.
Không chỉ phát triển chăn nuôi, ông Ánh hiện còn trồng 8 ha cây trồng các loại như cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái, ngô, sắn.
Trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi, ông Ánh nhận thấy, nếu chỉ làm ăn đơn lẻ theo hộ gia đình thì sẽ gặp nhiều khó khăn, hạn chế khi vay vốn, tiêu thụ sản phẩm….Vì vậy, ông đã chủ động tìm hiểu mô hình hợp tác xã rồi đi vận động một số hộ kinh doanh, trồng trọt và chăn nuôi để liên kết lại thành hợp tác xã. Năm 2017, Hợp tác xã Nông – Lâm nghiệp xã Ia Hrú được thành lập với 20 thành viên do ông Ánh làm Giám đốc.
Mục đích của hợp tác xã là tập trung vào công việc trồng trọt, chăn nuôi, cung ứng giống cây trồng, vật nuôi, sản xuất và chế biến các sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ bao tiêu nông sản của người dân như cà phê, chanh dây, gạo, hồ tiêu….
Sau hơn 5 năm đi vào hoạt động, hợp tác xã đã dần đi vào ổn định. Hiện, hợp tác xã đã phát triển và sản xuất một số sản phẩm cung ứng ra thị trường như hạt tiêu đen, dầu đậu nành, cà phê Trung Sơn, gạo Khe Lau…Trong đó, gạo Khe Lau đã được đạt chứng nhận 3 sao OCOP cấp tỉnh. Mỗi năm, doanh thu của hợp tác xã gần 1 tỷ đồng, qua đó tạo thêm nhiều công ăn, việc làm cho người dân địa phương.
"Sau khi thành lập hợp tác xã, tôi cũng chủ động tuyên truyền, vận động một số hộ dân liên kết lại với nhau hợp tác xã. Theo đó, phía chúng tôi sẽ hỗ trợ về cây con giống, vật tư phân bón và kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho các hộ dân. Đến khi họ thu hoạch sản phẩm nông nghiệp, hợp tác xã sẽ đứng ra thu mua và làm kênh tiêu thụ cho họ. Như vậy, bà con không phải lo về đầu ra của sản phẩm nữa và hiệu quả kinh tế sẽ ngày càng nâng cao", ông Ánh chia sẻ.
Với những nỗ lực trong sản xuất, kinh doanh, ông Ánh mới đây được vinh dự là 1 trong 100 gương mặt nông dân tiêu biểu của cả nước được Hội đồng Bình chọn chung khảo Trung ương bình chọn là "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022".
Ông Trần Đức Hậu, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) cho biết: "Ông Huỳnh Văn Ánh là tấm gương điển hình của tinh thần vượt khó vươn lên trong cuộc sống. Bản thân ông luôn chịu khó tìm tòi, học hỏi nhiều mô hình kinh tế để nâng cao đời sống cho gia đình. Hiện, hợp tác xã của ông còn tạo công ăn, việc làm ổn định cho 15 lao động địa phươngvới mức thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng.
Trong công tác hội và phong trào nông dân, ông Ánh rất năng nổ và tích cực với những hoạt động như hỗ trợ Hội Nông dân xã Ia Hrú xây dựng "Con đường ánh sáng an ninh" với kinh phí 18 triệu đồng, hiến 220m2 đất làm đường xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, hằng năm, ông Ánh còn nhận hỗ trợ một số hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã".
Anh Huỳnh Văn Ánh là 1 trong 100 nông dân tiêu biểu nhất cả nước được Hội đồng Chung khảo Trung ương Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam bình chọn xứng đáng nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022". Lễ tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022" sẽ diễn ra trọng thể tại thủ đô Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2022); kỷ niệm 10 năm Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam (2013-2022).