Trước đó, báo chí đưa tin khoảng 36-40 doanh nghiệp gỗ Việt Nam bị Bộ Thương mại Mỹ (DOC) nhận định bất hợp tác, từ chối bản bình luận do các doanh nghiệp này nộp báo cáo xác nhận chậm, không khớp dữ liệu.
Trước đó, Mỹ đánh thuế rất cao đối với sản phẩm gỗ Trung Quốc vào Mỹ, sau đó nước này tiếp tục điều tra nghi ngờ gỗ Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu hoặc Trung Quốc mượn Việt Nam là nơi trung chuyển vào Mỹ để né, lẩn tránh thuế.
DOC Mỹ cho phép doanh nghiệp gỗ Việt tự xác nhận, khai báo. Tuy nhiên, có nhiều doanh nghiệp khai báo chậm, không đúng. Trong kết quả điều tra sơ bộ, phía Mỹ có cơ sở khẳng định có doanh nghiệp Việt nhập gỗ từ Trung Quốc. Hạn cuối để DOC Mỹ có kết luận chính thức và áp đặt các biện pháp thuế là 17/10.
Theo ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương: Phía Cục Phòng vệ đã trao đổi với phía hiệp hội, doanh nghiệp để họ làm lại cho chuẩn. Về phía DOC, chúng tôi cũng cố gắng trao đổi với họ để chấp nhận trả lời, giải trình của doanh nghiệp Việt.
Theo ông Dũng, DOC Mỹ khá rộng rãi về vấn đề này, ngay cả doanh nghiệp chưa trả lời thì họ cũng cho cơ chế tự xác nhận mình không sử dụng lõi của Trung Quốc, những doanh nghiệp tự xác định này theo ông Dũng chiếm trên 80% giá trị kim ngạch nhập khẩu gỗ vào Mỹ.
Về phía doanh nghiệp, chúng tôi cũng khuyến nghị họ vấn đề nguyên liệu xuất xứ, quy trình phải chuẩn chỉ. Phải tự chủ nguồn nguyên liệu, nếu lạm dụng sử dụng nhập khẩu nguyên liệu, một ngày nào đó sẽ bị điều tra C/O và lẩn tránh xuất xứ hàng hoá.
Đại diện Bộ Công Thương phủ nhận những sai sót của doanh nghiệp trên do thông tin tuyên truyền, trợ giúp pháp lý và hỗ trợ của cơ quan nhà nước. Cục trưởng, Cục Phòng vệ Thương mại cho biết: "Ngay từ trước đây, chúng tôi đã làm việc với các hiệp hội về nguồn thông tin các nước về các biện pháp phòng vệ, quy trình rà xét, bảng câu hỏi ra sao, các phương án đánh thuế, phòng vệ ra sao… để doanh nghiệp chú ý, điền đúng. Có thể khi làm, doanh nghiệp không để ý nên phát sinh sai sót không đáng có", ông Dũng nêu.
Theo đại điện Cục Phòng vệ Thương mại, dù việc chủ động nguyên liệu không phải một sớm, một chiều, song các doanh nghiệp cũng đừng lạm dụng nhập khẩu quá nhiều, dễ chịu tổn thương trong xung đột và bị lợi dụng. Đặc biệt là những ngành có tỷ trọng xuất khẩu lớn, công nghiệp nền tảng của đất nước, có thể sẽ bị điều tra C/O và lẩn tránh thuế bất cứ lúc nào. Ngoài ra, trong quá trình sản xuất, cần hệ thống hoá các hoá đơn, chứng từ đầy đủ để trình đối chứng khi nước ngoài yêu cầu.
Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương lưu ý thêm các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất cần hệ thống quản lý, chứng từ rõ ràng, đầy đủ, khi nước ngoài yêu cầu, mình có thể trình ra đối chứng được.
"Chúng tôi sẵn sàng trả lời các doanh nghiệp các vướng mắc của họ…", ngoài ra, Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại nhấn mạnh: "Các doanh nghiệp nên tiếp xúc với đầu mối chính thống, kênh chính thống, bởi vì rất có thể các doanh nghiệp khi khai báo tự tìm hiểu các nguồn thông tin không chính xác, thông tin giữa các doanh nghiệp với nhau, tiếp cận có thể không đầy đủ.
Thông tin vụ việc, do Mỹ đánh thuế chống bán phá giá 183,36% và thuế chống trợ cấp từ 22,98% - 194,90% với gỗ dán cứng Trung Quốc, nên tháng 6/2020, DOC tiến hành điều tra doanh nghiệp gỗ Việt Nam, tháng 7/2022 họ có kết luận sơ bộ gỗ dán từ Việt Nam nếu có lõi sử dụng nguyên liệu là ván bóc nhập khẩu từ Trung Quốc.
Bên cạnh các biện pháp đánh thuế tạm thời, phía Mỹ cho phép doanh nghiệp gỗ Việt Nam và đối tác nhập khẩu tự xác nhận có hay không sử dụng gỗ từ Trung Quốc để được loại trừ khỏi biện pháp lẩn tránh. Số doanh nghiệp gỗ Việt Nam được tham gia xác nhận chiếm khoảng 80% kim ngạch xuất khẩu gỗ từ Việt Nam sang Mỹ.
Tuy nhiên, ngày 4/8, DOC Mỹ thông báo từ chối bản bình luận của 40 đơn vị do nộp chậm, sai. Vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra, được biết, DOC gia hạn đến ngày 17/10/2022 sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng có hay không đánh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với gỗ Việt Nam như Trung Quốc do vi phạm hay không.