Đây là tập sách phê bình của một nhà văn năm nay đã ở tuổi 83 và đã có hàng chục tác phẩm xuất bản trong hơn nửa thế kỷ qua. Ông cho in ngoài bìa dưới tên sách dòng chữ nhỏ nói rõ đây là "Tập phê bình ngoại hạng". Tại sao lại gọi thế? Vì ông không coi mình là nhà phê bình chuyên nghiệp, nhưng cuốn này đã là tập sách phê bình thứ 4 của ông. Ông ngỏ lời: "Các nhà phê bình hàn lâm thì hình như họ xem sách của tôi là "phê bình đại chúng", "phê bình hạng hai, thậm chí là phê bình hạng ba chi đó. Cuốn này xin được ghi thể loại là "Phê bình ngoại hạng" cho vui, và nếu bị chê, sẽ không lây tiếng xấu đến các nhà phê bình chính danh." (tr. 5-6) Một cách nói vui, hẳn rồi, nhưng cũng có ý ngầm bên trong.
Cuốn sách tập hợp 43 bài viết của Nguyễn Khắc Phê về hơn bốn mươi ba tác phẩm của các tác giả khác mà ông đã đọc, tâm đắc và muốn chia sẻ những suy nghĩ cảm xúc của mình về chúng đến với nhiều độc giả. Chủ yếu những sách ông đọc là tác phẩm văn chương, nhưng cũng có cả những tác phẩm lịch sử, khoa học, nghiên cứu phê bình, thậm chí cả một tạp chí. Nhìn vào danh mục thấy ra phổ đọc rộng của Nguyễn Khắc Phê. Nhìn vào đầu đề các bài viết thấy được tầm nghĩ rộng của ông. Từ những tác giả mới xuất hiện đến những tác giả lão thành, từ hiện tại đến lịch sử, từ địa phương đến toàn quốc, từ trong nước ra ngoài nước, Nguyễn Khắc Phê đã chịu đọc, chịu suy ngẫm và chịu viết với/cùng các tác giả về nhiều vấn đề của cuộc sống hôm nay cũng như lịch sử xưa nay. Nếu tính cả ba cuốn phê bình trước đó của ông (Hiện thực & sáng tạo tác phẩm văn nghệ - 2006; Trang sách, cuộc đời, nhà văn – 2014; Những cột mốc trên đường vô tận – 2018) thì ta càng thấy sức đọc, sức nghĩ của ông đáng nể phục thế nào, nhất là ở một nhà văn đã có tuổi. Nói thực, ở ta không nhiều nhà văn chịu đọc và đọc được như thế.
NHỮNG TRANG SÁCH THỨC TỈNH CON NGƯỜI
Tác giả: Nguyễn Khắc Phê
Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM, 2022
Số trang: 405 (khổ 14,5x20,5cm)
Số lượng: 500
Giá bán: 180.000đ
Điều đáng cảm phục nữa ở Nguyễn Khắc Phê là ông không bị già lão trong tư duy cảm thụ và bình luận văn chương. Nói cách khác, ông bắt nhịp nhanh với cái mới, cái khác của những người viết mới mà ông thích thú và không ngại biểu dương, khen ngợi, không tiếc sức giới thiệu, quảng bá. Lấy thí dụ tác giả Phan Thuý Hà (quê Hà Tĩnh) với bộ ba sách phi hư cấu (Đừng kể tên tôi, Tôi là con gái của cha tôi, Gia đình) đã được Nguyễn Khắc Phê hết sức ủng hộ.
Tên tập sách phê bình này của ông "Những trang sách thức tỉnh con người" là ông lấy từ tên bài mình viết về ba cuốn sách đó của Phan Thuý Hà. Bài viết dài đó (30 trang in) không còn là một bài đọc sách thông thường mà đã như một bài nghiên cứu công phu với ba phần: I. Vậy cái khác, cái đặc biệt về sự thật được chuyên chở trong sách Phan Thuý Hà là gì?; II. Nhà văn thì phải viết chuyện "nhạy cảm; III. Đôi điều về nghệ thuật viết truyện "phi hư cấu" của Phan Thuý Hà. Lão nhà văn sinh 1939 đã không ngần ngại cổ vũ một lối viết mới mẻ phơi bày sự thật cuộc sống, chiến tranh, của nữ nhà văn sinh 1979, mà còn thẳng thắn bảo vệ tác giả trước một số ý kiến trái chiều.
Đây là đoạn mở đầu phần II của bài viết: "Nghe đâu có người e ngại sách của Phan Thuý Hà toàn là chuyện "nhạy cảm". Ô hay! Nhà văn thì phải viết chuyện "nhạy cảm" chứ! Còn viết những điều xơ cứng, sáo mòn hay tình yêu lăng nhăng thì chỉ tốn giấy và tốn công người đọc. Trở lại những cuốn sách của Phan Thuý Hà. Những câu chuyện bi thương không chỉ "bổ sung" các "góc khuất" của lịch sử, mà còn giúp bạn đọc hiểu lịch sử sâu sắc hơn, sinh động hơn, thấy rõ hơn cái giá của cuộc sống hoà bình hôm nay, trách nhiệm của người đang sống…" (tr. 221) Phần đầu đoạn trích này tôi nghĩ cũng có thể coi là một quan điểm văn chương của Nguyễn Khắc Phê hiện nay. Nó thống nhất với điều tác giả kết lại bài viết: "Với các nhà văn, bộ ba sách "phi hư cấu" của cô gái vừa chạm tuổi bốn mươi bên sông Ngàn Sâu là lời nhắc nhở rằng cuộc sống phong phú và số phận chìm nổi của ngàn vạn con người sống thầm lặng khắp nơi trên đất nước đang trông chờ các cây bút giàu tâm huyết tìm đến." (tr. 233).
Chưa hết! Một năm sau bài viết này được in ra (2022), khi Phan Thuý Hà cho xuất bản cuốn sách mới "Những trích đoạn của các anh" (2021), Nguyễn Khắc Phê lại viết thêm đoạn bổ sung dài 8 trang nữa phân tích cuốn đó để giúp bạn đọc hiểu thêm đóng góp của nhà văn nữ này. Vẫn chưa hết! Sau bài viết "Những trang sách thức tỉnh con người", Nguyễn Khắc Phê còn viết một bài nữa về cuốn tự truyện của Phan Thuý Hà "Qua khỏi dốc là nhà" (2018) cũng với giọng trân trọng, yêu thương, và sự đánh giá cao: "Phan Thuý Hà đã chứng tỏ khả năng quan sát, lựa chọn chi tiết và thể hiện bằng một bút pháp riêng – giản dị, kiệm lời mà rất gợi cảm." (tr. 116)
Với một tác giả nữ mới xuất hiện khác, Nguyễn Hải Yến (quê Hải Dương) thì chỉ mới đọc chùm truyện dự thi của cô trên tạp chí "Nhà văn & Tác phẩm" Nguyễn Khắc Phê đã thấy "quá lạ, quá hay". Và khi tập truyện "Quán thuỷ thần" của tác giả này xuất bản thì ông đã có ngay bài viết với đầu đề khẳng định "Nguyễn Hải Yến, một giọng văn lạ, đầy sức ám ảnh". Ông coi sự xuất hiện của cây bút ở xứ Đông này là một sự kiện, một hiện tượng đáng mừng của văn chương Việt hiện nay.
Tôi muốn điểm thêm một bài viết nữa của Nguyễn Khắc Phê trong tập sách này để nói cái sự nhanh nhạy của ông. Đó là bài ông viết nhân đọc cuốn sách dịch "Không có bản sắc văn hoá" của nhà triết học Pháp François Jullien (Trương Quang Đệ dịch, 2019). Một cái tên mang tính thách thức khi khắp nơi đang hô hào gìn giữ bản sắc. Nhưng Nguyễn Khắc Phê cho thấy trong sách này nhà triết học không phải bàn đến văn hoá nói chung, cũng không phải xem nhẹ văn hoá, mà "chỉ bàn đến khái niệm "bản sắc" đang bị nhiều người ngộ nhận, gắn với từ văn hoá để dẫn đến những cách ứng xử có hại cho chính văn hoá." (tr. 128). Và ông đã nêu lên nhận xét của mình khi đọc sách: "Xem ra François Jullien nói đúng, khi ông thay việc hô hào giữ "bản sắc" là cái không dễ "điểm danh) (hoặc không cố định) bằng việc bồi đắp "nguồn nuôi dưỡng văn hoá" (tr. 130). Bài viết ngắn nhưng ngoài việc điểm nội dung sách Nguyễn Khắc Phê còn lồng thêm ý kiến của một vài người tại cuộc ra mắt sách này tại Huế là liên hệ từ sách ra thì vậy liệu có một "bản sắc Huế" không. Bài điểm sách vì vậy có ý cập nhật và gợi mở.
Trong sách "Những trang sách thức tỉnh con người" có những bài thú vị, bất ngờ như vậy. Đọc hết cuốn sách của Nguyễn Khắc Phê ta như đã được đi một vòng du lịch vui vẻ từ sách ra đời và vào lại văn chương văn hoá với một nhà văn tự nhận đã biết đùa vui, tung tẩy, nên văn viết phê bình cũng uyển chuyển, linh hoạt. Tác giả tự coi mình là "ngoại hạng" phê bình nghĩa là không thuộc hạng nào, nhưng đọc ông ta biết ông có một hạng – hạng riêng của ông.
Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác.
Hà Nội, 24/8/2022