Đọc sách cùng bạn: Khoa học và đạo đức

Phạm Xuân Nguyên Thứ ba, ngày 19/07/2022 11:12 AM (GMT+7)
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay, tôi đưa đến bạn cuốn sách "Giáo hoàng vật lý" của hai tác giả Gino Segrè và Bettina Hoerlin (Mỹ) do hai dịch giả Phạm Văn Thiều và Phạm Long dịch từ tiếng Anh. Cuốn sách còn có thêm phụ đề của người dịch (hoặc Nhà xuất bản) là "Enrico Fermi và sự ra đời của thời đại nguyên tử".
Bình luận 0

GIÁO HOÀNG VẬT LÝ

Tác giả: Gino Segrè – Bettina Hoerlin

Dịch giả: Phạm Văn Thiều – Phạm Long

Nhà xuất bản Trẻ, 2022

Số trang: 488 (khổ 14,5x20,5cm)

Số lượng: 2.000

Giá bán: 220.000

Phụ đề này đã nói rõ nội dung cuốn sách. Danh xưng "Giáo hoàng vật lý" (The Pope of Physics) là dành cho nhà vật lý học người Italia Enrico Fermi (1901 – 1954). Đấy là vào năm 1927 khi Fermi trở thành giáo sư vật lý ở Rome. Vì đang ở trên miền đất của Giáo hội Thiên Chúa giáo thế giới nên một nhóm bộ tứ các nhà vật lý trẻ (được gọi là các chàng trai phố Panisperna, nơi đóng Viện Vật lý) đã đặt cho nhau những biệt danh liên quan đến giáo hội. Trong đó, Fermi được gọi là "Giáo hoàng" vì là người được xem là không thể sai lầm.

Hai tác giả cuốn sách đã kể lại cho người đọc biết toàn bộ cuộc đời của Enrico Fermi, từ những phát kiến khoa học trong lĩnh vực vật lý đến những vấn đề chính trị, xã hội trong cuộc sống liên quan đến khoa học. Ông được nhận giải Nobel Vật lý năm 1938 và cũng chính năm đó ông cùng gia đình rời Italia sang Mỹ để tránh chính sách bài trừ Do Thái của chính quyền phát xít Mussolini. Sau một thời gian ông định cư tại Mỹ và tham gia vào "Dự án Manhattan" chế tạo bom nguyên tử trong cuộc Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Từ đây sẽ ra đời hai quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống hai thành phố Nhật Bản là Hiroshima và Nagasaki tháng 8/1945. Nhưng trước đó đã có cuộc tranh luận về các khía cạnh đạo đức của việc có nên ném những quả bom nguyên tử hay không. cuốn sách "Giáo hoàng vật lý" của hai tác giả Gino Segrè và Bettina Hoerlin (Mỹ) do hai dịch giả Phạm Văn Thiều và Phạm Long dịch từ tiếng Anh.

Fermi là người thiên về khoa học, ít để ý đến khía cạnh đạo đức của các kết quả nghiên cứu. "Về mặt này, Fermi và Szilard, một người là thành viên của Hội đồng Khoa học và người kia ký tên vào bản báo cáo của Franck, lại có quan điểm khác nhau như họ từng thể hiện trong những trường hợp khác. Szilard kiên quyết cho rằng các nhà khoa học nên là người ra quyết định chính. Fermi, trái lại, giữ nguyên lập trường "không có thẩm quyền đặc biệt" và nhận thấy các nhà khoa học không phải là những người có quyền hành tối thượng, mà cũng chỉ sẵn sàng cùng hành động phối hợp như các chuyên gia khác mà thôi." (tr. 348)

Đọc sách cùng bạn: Khoa học và đạo đức - Ảnh 2.

Cuốn sách "Giáo hoàng vật lý" của hai tác giả Gino Segrè và Bettina Hoerlin (Mỹ) do hai dịch giả Phạm Văn Thiều và Phạm Long dịch từ tiếng Anh.

Nhưng sau chiến tranh Fermi đã thấy khoa học không thể đứng ngoài đạo đức. Mặc dù thúc đẩy tiến bộ khoa học luôn là động lực của Fermi, ông đã thấy cần thiết phải cảnh báo con người về việc sử dụng các thành tựu của khoa học để phục vụ cho sự tiến bộ của nhân loại chứ không phải huỷ diệt nó. 

Năm 1952, khi nhắc lại việc vật lý đã góp phần vào sự phát triển vũ khí huỷ diệt con người ra sao, Fermi đã nói: "Điều ít chắc chắn hơn, cũng là điều mà tất cả chúng ta đều hy vọng, là con người sẽ sớm trưởng thành để có thể tận dụng tốt các sức mạnh mà họ có được từ thiên nhiên." (tr. 384). Dẫn ra câu này, hai tác giả cuốn sách lưu ý độc giả: "Có lẽ đây cũng gần như một thông điệp mang tính đạo đức và cảnh báo liên quan đến những tiến bộ khoa học mà Fermi muốn truyền đạt." Trước đó, năm 1949, với tư cách một thành viên của "Hội đồng tư vấn chung" thuộc "Uỷ ban năng lượng nguyên tử Hoa Kỳ" Fermi đã viết gửi Hội đồng một bản khuyến nghị phản đối mạnh mẽ việc Hoa Kỳ tiến hành phát triển bom nhiệt hạch (bom H, Siêu bom) trên cả phương diện đạo đức và kỹ thuật.

Năm 1954, Enrico Fermi qua đời vì bị nhiễm phóng xạ. Ngày an táng ông tại Chicago (Mỹ) đúng mười hai năm một ngày sau khi sức mạnh nguyên tử được giải phóng, báo hiệu sự ra đời của thời đại nguyên tử mà Fermi có dự phần quan trọng.

Ở "Lời bạt" Gino Segrè cho biết: "Trong cuốn sách này, Bettina và tôi tìm cách mô tả một con người đáng kính đã định hình lịch sử, cùng với một lịch sử đầy biến động đã định hình bản thân ông. Enrico Fermi vừa là người sáng tạo vừa là sản phẩm của thời đại mình. Trí tuệ đáng kinh ngạc của ông được đông đảo mọi người biết đến, nhưng khía cạnh con người thì vẫn còn ít được chia sẻ. Chúng tôi đã kết hợp hai khía cạnh ấy của ông, với hy vọng sẽ trình bày chân dung đầy đủ hơn về Fermi trong bối cảnh của một thế giới nhiều biến đổi." (tr. 439) Cuốn sách này đã đạt được điều hai tác giả muốn. Đọc nó, qua bản dịch thanh thoát của hai dịch giả, độc giả được biết kỹ hơn, sâu hơn, lịch sử của một nhà khoa học xuất chúng, một "Giáo Hoàng vật lý" đã để lại di sản có tác dụng làm biến đổi thế giới như câu kết sách đã viết. Nhưng độc giả còn được biết tường tận lịch sử của một thời đại khủng khiếp với việc con người đã khám phá ra sức mạnh ghê gớm của vật chất và đã dùng sức mạnh ấy làm vũ khí ghê gớm huỷ diệt con người.

Nguy cơ chiến tranh hạt nhân hiện nay vẫn đang lơ lửng trên đầu nhân loại. Enrico Fermi đã góp thiên tài của mình cho nhân loại tìm ra sức mạnh ấy. Nhưng ông cũng chịu phần trách nhiệm về việc sức mạnh ấy bị dùng chống lại loài người. Ngay vợ con ông cũng thấy đau khổ vì điều này. Laura, vợ ông, về sau "đã cố gắng biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn, hướng đến tương lai hơn là sống trong quá khứ - cái quá khứ khiến bà khổ đau ít nhiều." Nella và Judd, con gái và con trai ông, phải "trải qua nhiều lần di chuyển, phải sống cuộc sống bí mật và bị cô lập, và sự tiết lộ dần dần rằng cha của họ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển loại vũ khí có khả năng xoá sổ hàng ngàn sinh mệnh vô tội." (tr. 433) "Giáo Hoàng" như vậy là cũng có sai lầm.

Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác!

Hà Nội, 19/7/2022


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem