Đọc sách cùng bạn: Mở thêm rộng lớn con đường

Phạm Xuân Nguyên Thứ sáu, ngày 22/07/2022 13:26 PM (GMT+7)
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay, tôi mời bạn đọc cuốn sách "Cần Thơ về Kinh Bắc" của tác giả Thích Nữ Chân Không.
Bình luận 0
Đọc sách cùng bạn: Mở thêm rộng lớn con đường - Ảnh 1.

Cuốn sách "Cần Thơ về Kinh Bắc" của tác giả Thích Nữ Chân Không.

Cuối năm 1980 nhà thơ Hoàng Cầm ở Hà Nội nhận được một lá thư gửi từ Pháp về. Người gửi xưng tên là Bùi Thị Cần Thơ hiện mới ra trường, đang là bác sĩ làm việc tại một bệnh viện nhỏ ở miền Đông Nam nước Pháp, nhưng không thích kiếm tiền nhiều, chỉ muốn làm đủ sống thôi và muốn có thời gian học hỏi về văn hoá và thi ca Việt Nam. Từ đó bắt đầu một mối dây liên lạc bằng những lá thư thăm hỏi và những hộp thuốc chữa bệnh mà người phụ nữ mang tên Bùi Thị Cần Thơ từ Pháp gửi về để chăm lo sức khoẻ và động viên tinh thần cho nhà thơ nổi tiếng đang trong những ngày lao đao, khó khăn của đời sống và tâm trạng.

CẦN THƠ VỀ KINH BẮC

Tác giả: Thích Nữ Chân Không

Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam, 2019

Số trang: 186 (khổ 14,5x20,5cm)

Số lượng: 2000

Giá bán: 59.000

Thực chất, lá thư này và hoạt động này là nằm trong cả một chương trình thiện nguyện giúp đỡ đồng bào trong nước nói chung, văn nghệ sĩ nói riêng, của tăng đoàn Làng Mai do thầy Thích Nhất Hạnh (1926 – 2022) chủ trì. Từ năm 1977 họ đã liên lạc giúp đỡ cho các văn nghệ sĩ ở phía Nam như nhạc sĩ Lê Thương, tác giả bộ ba nhạc phẩm nổi tiếng "Hòn Vọng phu". Khi viết thư và gửi quà về trong nước như vậy các thành viên của tăng đoàn thường lấy những tên họ khác nhau, cốt sao cho hợp với từng đối tượng. Người viết thư cho nhạc sĩ Lê Thương ký là Ngô Thị Phương Hương (vì nhạc sĩ gốc họ Ngô). Người viết thư cho nhà thơ Hoàng Cầm ký là Bùi Thị Cần Thơ (vì nhà thơ gốc họ Bùi). Nhưng Phương Hương và Cần Thơ chỉ là một người.

Ngay cả nội dung lá thư cũng có sự đóng góp của nhiều người. Trong lá thư gửi Hoàng Cầm sau đoạn tự giới thiệu nói trên, thì các đoạn sau là thế này: "Tôi nhờ Thầy viết thêm cho mấy đoạn khen vở kịch thơ "Lên đường" rồi chép lại gửi cho Hoàng Cầm. Thành ra, cái phần tươi mát của người trẻ là của tôi, rồi thêm cái phần tri kỷ hiểu và bình thơ Hoàng Cầm là của Thầy chúng tôi. Phần trị bệnh là của anh Năm tôi, vốn là bác sĩ y khoa tốt nghiệp tại Paris và đã hành nghề hơn 20 năm ở Việt Nam, mới trở qua Pháp. Rồi sau cuối là phần thăm hỏi và khen ngợi từng người thân trong gia đình, trong đó có chị Yến vợ của người nghệ sĩ nhận quà, lại do tôi viết. Tóm lại, đó là một bức thư rất đầy đủ chân tình của nhiều trái tim biết trân quý những viên ngọc của đất nước."

Những lá thư và những hộp thuốc do Bùi Thị Cần Thơ gửi từ Pháp về đã vực dậy sức khoẻ và khôi phục niềm hứng khởi sáng tác của nhà thơ vùng Kinh Bắc. Hoàng Cầm viết trong thư đề ngày 9/3/1981 cho người em gái xa xôi lạ mặt mà thấy gần gũi: "Anh biết trái tim em chứa một trời xanh màu xanh Cần Thơ, mắt em chứa chan cái nắng Cần Thơ và tóc em chảy dòng những dòng mưa ở một ngàn xanh nào đó của Đất Mẹ hiền. Em yêu thơ Việt, yêu thơ anh đằng đẵng và thấm đọng đến mức tìm được địa chỉ anh sau bao lần dò hỏi, điều đó chứng tỏ tình yêu quê hương trong em rất sâu, bắt nguồn từ máu. Mặc dầu em xa quê hương từ tấm bé, mà tâm hồn em là một hồn thơ, là tâm hồn Việt Nam ngàn năm. Ton âme, s'est la Muse Vietnamiene elle-même (Linh hồn em đích thực là hồn thơ của đất Việt)."

Khởi từ sự tin cậy được xác lập từ đầu, người em xa mà không lạ tuy chưa gặp mặt muốn được lưu giữ sáng tác của người anh thi sĩ kính trọng. Thư Cần Thơ viết cho Hoàng Cầm ngày 5/5/1981: "Em sẽ rất vui sướng nếu anh gửi cho em toàn bộ tác phẩm của anh, gửi từ từ mỗi lần vài bài chép trên giấy mỏng viết thư là không lạc bao giờ, mà lại tiện. Chúng em sẽ nâng niu giữ gìn thơ anh như bảo vệ gia tài của quê hương và nếu cần thì tìm cách bảo vệ như "Tiếng hát quan họ". Chúng em cũng sẽ lại "mừng hết lớn" nếu anh gửi cho chúng em những tác phẩm Inédits (chưa nhuận và chưa in) của anh và những bài thơ mới làm. Em sẽ vâng lời anh tuyệt đối về những điều anh căn dặn về thể thức và phương thức bảo tồn, tàng trữ hoặc phổ biến thơ anh. Anh có thể đặt niềm tin trọn vẹn nơi em về việc bảo tồn sự nghiệp thi ca của anh."

Đọc sách cùng bạn: Mở thêm rộng lớn con đường - Ảnh 3.

Được Cần Thơ khích lệ, Hoàng Cầm đã sống lại thơ mình. Nhà thơ đã phấn chấn chép tay những bài thơ nổi tiếng của mình gửi vào từng lá thư sang Pháp. Ông chờ nhận xét của người nhận và giải đáp những thắc mắc, những điều chưa rõ. Ví như khi Cần Thơ hỏi "bưởi Nga My" là gì thì ông nói đó là một thứ bưởi ngon ở làng Nga My vùng Kinh Bắc. Còn như lá Diêu Bông ông nói rõ với cần Thơ: "Không thể ai tìm thấy tên trong bất cứ một sách vở tài liệu nào về khoa học tự nhiên. Tự người đọc, nếu yêu thơ sẽ hình dung ra cái lá ấy. Một cái lá anh đặt tên để làm symbole (biểu tượng) thế thôi. Symbole của những mối tình cao đẹp, của những lý tưởng trong sáng, của những gì là Thật, là Lành, là Đẹp vốn có trong mỗi con người. Nhưng rồi cuộc sống lắm khi tàn nhẫn vì xâu xé vật lộn, vì ngu si tham lam nên lắm khi cái lá ấy ở ngay trong mình mà mình không thấy, và đến khi nhận ra thì cuộc đời đã tàn!"

Ông còn sáng tác những bài thơ mới tặng Cần Thơ: "Người Thơ ơi cứ yên lòng/ Vẫn còn Anh với mấy dòng Hư Vô". Và ông ngồi cặm cụi viết lại bằng tay cả tập thơ "Về Kinh Bắc" để chuyển cho người em gái mến thương. Nhưng chính việc đó, cũng như cả quá trình trao đổi thư từ này, đã khiến Hoàng Cầm bị bắt ngày 20/8/1982 đến cuối năm 1984 mới được thả ra. Việc này đã được tác giả nói rõ trong một chương sách. Tiếp sau đó lại là những tháng ngày người em Cần Thơ chăm sóc người thi sĩ Kinh Bắc từ xa bằng thuốc men và những lá thư khích lệ, động viên. Cho đến ngày Cần Thơ trong phái đoàn Làng Mai Quốc Tế cùng thầy Nhất Hạnh được về nước (2005) và gặp mặt lần đầu nhà thơ yêu quý. Cuộc gặp chót tại Hà Nội của người anh thi sĩ và người em sư cô là vào đầu năm 2008. Trong cuộc gặp đó mọi người ở ngoài về đã năn nỉ nhà thơ viết hồi ký về sự nghiệp thi ca của mình. Và mười trang đầu phác thảo hồi ký của Hoàng Cầm đã được Cần Thơ cho in lại ở cuối sách này. Hơn hai năm sau Hoàng Cầm qua đời thì Cần Thơ từ Pháp không về được.

Bùi Thị Cần Thơ trong thư gửi Hoàng Cầm, hay Nguyễn Thị Phương Hương trong thư gửi Lê Thương, hay còn những cái tên khác nữa trong thư gửi các văn nhân nghệ sĩ khác, đó là những hoá thân của sư cô Thích Nữ Chân Không. Bà sinh năm 1938 tại Bến Tre. Theo Thầy Làng Mai học đạo từ tháng 11/1959 dưới hình thức cư sĩ tập sự xuất gia, thọ giới Khất Sĩ nữ tại núi Linh Thứu ngày 17/11/1988. Sư cô nhận đèn tuệ giác năm 1990.

Cuốn sách "Cần Thơ về Kinh Bắc" là tập 4 của bộ hồi ký "Sáu mươi năm theo Thầy học đạo và phụng sự" của Thích Nữ Chân Không. Ba cuốn còn lại là: "Con đường mở rộng" (tập 1, kể gốc rễ mình và cơ duyên gặp Thầy theo Phật), "Bước chân hộ niệm, hơi thở từ bi" (tập 2, kể hoạt động của Phái đoàn Hoà Bình của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại hoà đàm Paris 1968 – 1975 và công việc cứu vớt thuyền nhân những năm 1976, 1977), "Phương Hương xuôi vạn lý" (tập 3, kể việc quyên góp giúp đỡ các văn nghệ sĩ gặp khó khăn, đặc biệt nói nhiều về nhạc sĩ Lê Thương). Đọc bộ sách bốn tập này người đọc sẽ biết rõ cuộc đời của một người phụ nữ theo Đạo lo Đời giúp Người, và qua bà hiểu thêm về thầy Thích Nhất Hạnh với những đóng góp to lớn của ông cho đời sống văn hoá xã hội trên thế giới và ở Việt Nam. Riêng hai cuốn nói về nhạc sĩ Lê Thương và nhà thơ Hoàng Cầm còn có giá trị cung cấp tư liệu quý giá cho việc tìm hiểu cá nhân hai ông và thời kỳ hai ông sống sau 1975.

Đây là một bộ sách đáng đọc để nói như tên một bài thơ của Thích Nữ Chân Không "mở thêm rộng lớn con đường" mà Hoàng Cầm khi được đọc đã gọi đó là "sáng tạo từ thiền căn" cho mọi người đến với nhau trong tình yêu thương rộng lớn vô bờ.

Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác!

Hà Nội, 22/7/2022

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem