8 tháng đầu năm có hơn 145.000 tin, bài phản ánh liên quan đến trẻ em
Ngày 24/8 tại Hà Nội, Cục Báo chí (Bộ TTTT) tổ chức tập huấn cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí nhằm cung cấp thông tin về hiện trạng vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và các xu hướng công nghệ nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền để bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh.
Tại buổi tập huấn, ông Đỗ Khắc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Báo chí cho biết, hiện nay, internet được coi là một phần tất yếu của cuộc sống, không chỉ người lớn mà trẻ em có thể truy cập, tìm kiếm những điều bổ ích và những điều minh thích. Nhưng song hành cùng tiện ích lành mạnh là những tác động xấu, ảnh hưởng đến nhận thức của trẻ.
Để an toàn trên môi trường mạng theo ông Lợi, trẻ cần được trang bị những kiến thức, kỹ năng nhận biết cần và đủ để không lạc lối khi bước vào thế giới này. Trong đó, báo chí đóng vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền về các vấn đề trẻ em trên môi trường mạng.
"Theo thống kê của Cục Báo chí, 8 tháng đầu năm đã có hơn 145.000 tin, bài phản ánh liên quan đến trẻ em, như vậy số lượng này rất lớn đối với các lĩnh vực khác. Để nhiệm vụ này được thực hiện hiệu quả, không vi phạm các quyền của trẻ em, báo chí cần được trang bị nhiều hơn nữa về kiến thức và chia sẻ các giá trị đạo đức cụ thể trong truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng để bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng", ông Lợi nêu.
Thông tin về hiện trạng vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trượng mạng, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH) cho biết, trong năm 2021 đã có 422 cuộc gọi về Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để được tư vấn về vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Trong đó, số cuộc gọi các em quan tâm đến tư vấn về xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng chiếm 29,8%, số cuộc gọi các em quan tâm đến cách sử dụng internet an toàn chiếm 36,5%, các em đề nghị tổng đài tư vấn về trẻ bị dụ dỗ, gạ gẫm chiếm 13,7%.
7 tháng đầu năm 2022 đã có 268 cuộc gọi đến Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111, với 3 nhóm vấn đề lớn liên quan đến: Tư vấn về xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng chiếm 31,3%, tư vấn cách sử dụng internet an toàn 31,3%, tư vấn khi bị gạ gẫm, dụ dỗ gần 17%.
Cũng theo bà Nga, trong báo cáo Ngăn chặn hành vi gây tổn hại – Bằng chứng về bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em qua mạng của UNICEF và một số tổ chức quốc tế cho thấy có 89% trẻ truy cập và sử dụng internet 3 tháng trước khảo sát. Trong số này, 87% sử dụng internet hàng ngày nhưng có tới 11% người chăm sóc trẻ chưa bao giờ dùng internet, chỉ 36% (hầu hết là trẻ lớn hơn, độ tuổi 16–17) trẻ tham gia khảo sát đã được dạy để đảm bảo an toàn trên mạng.
"Khi bị xâm hại, hầu hết trẻ bị ảnh hưởng không tiết lộ ai là thủ phạm. Những trẻ tiết lộ hầu hết nói rằng thủ phạm là người lạ, một số trẻ cho biết đó là bạn trưởng thành hoặc bạn cùng trang lứa với các em. Việc trẻ không muốn nói ra thủ phạm là ai nhiều khả năng là do sợ tiết lộ hoặc sợ hậu quả", bà Nga cho biết.
Về vấn đề này, bà Đinh Thị Như Hoa, Trưởng phòng Kiểm định, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (Cục An toàn thông tin, Bộ TTTT) cho rằng, trẻ em rất dễ bị rơi vào "bẫy" của người lạ trên môi trường mạng mà không biết, không có kỹ năng để đề phòng.
"Trẻ dễ bị lôi cuốn vào các cuộc trò chuyện trên mạng với người lạ. Chẳng hạn những câu hỏi như: Em đi học có vui không? Hôm nay em mặc quần áo gì, đồng phục gì? Khi trẻ chụp lại quần áo thì sẽ được khen đẹp thế, chân dài thế khiến trẻ càng bị dẫn dắt vào việc vô tình tiết lộ thông tin như chụp ảnh đằng trước đằng sau, rồi dần dần đến những hình ảnh nhạy cảm.
Đến lúc nào đó, những người này sẽ dọa nạt nếu không tiếp tục câu chuyện sẽ tung những hình ảnh đó lên mạng khiến trẻ lo sợ. Ngoài ra, khi đăng ký tài khoản trên mạng xã hội, nhiều trẻ cũng vô tình công khai danh tính, quan hệ gia đình… cũng là nguy cơ để người xấu lợi dụng.
Nếu bố mẹ không đồng cảm, chia sẻ, không biết cách giúp đỡ, hỗ trợ trẻ mà uy hiếp bằng những câu hỏi tại sao làm thế này, tại sao làm thế kia, tại sao không cho phép mà vẫn làm… khiến trẻ càng sợ và giấu giếm", bà Hoa cho biết.
Cũng theo bà Hoa, hiện nay, Việt Nam đã có hệ thống các văn bản pháp luật, các nghị định, thông tư của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đến lĩnh vực bảo vệ, phòng, chống xâm hại trẻ em, tuy nhiên theo các chuyên gia, vai trò của gia đình, cha mẹ vẫn đóng vai trò quan trọng.
"Cần tăng cường vai trò của gia đình, cha mẹ và trường học trong việc huấn luyện, giám sát, hướng dẫn trẻ em sử dụng mạng an toàn, biết cách nên và không nên khi sử dụng các tiện ích, ứng dụng trên mạng cũng như cách nhận biết các thông tin, video clip độc hại, không phù hợp, cách kiểm soát thông tin cá nhân.
Đồng thời cha mẹ cũng là những người 'gác cổng', áp dụng các biện pháp để chủ động bảo vệ trẻ em như thu hút sự tham gia của trẻ em tìm hiểu những kiến thức, kỹ năng bổ ích trên môi trường mạng…", bà Hoa nhấn mạnh.