Những người thầm lặng bảo vệ trẻ em: "Gọi đến tổng đài, chúng tôi xử lý ngay" (bài cuối)

Gia Khiêm Thứ hai, ngày 17/01/2022 06:00 AM (GMT+7)
"Khi người dân gọi điện đến tổng đài 111 phản ánh, chúng tôi phải xử lý ngay. Cơ quan nào không vào cuộc phải chịu trách nhiệm" - ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ LĐTBXH khẳng định.
Bình luận 0

Người dân đừng thờ ơ khi thấy các vụ bạo hành trẻ em

Liên quan đến nhiều vụ bạo hành, xâm hại trẻ em thời gian qua gây xôn xao dư luận, trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Công Hiệu, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn dịch vụ truyền thông Cục Trẻ em, đơn vị quản lý Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111) đã bày tỏ lo ngại.

Theo ông Hiệu, mỗi năm đơn vị tiếp nhận hơn 500.000 cuộc gọi liên quan đến bảo vệ quyền lợi của trẻ. Tổng đài 111 cũng đã xử lý giải quyết, phối hợp cùng cơ quan chức năng ngăn chặn hàng nghìn vụ việc. 

Trẻ em bị bạo hành, xâm hại: Đã đến lúc người dân đừng thờ ơ (bài cuối)  - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Công Hiệu, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn dịch vụ truyền thông Cục Trẻ em, đơn vị quản lý Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em. Ảnh: Gia Khiêm

"Thời gian qua, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, trẻ em dừng việc đến trường và chuyển sang học online. Việc trẻ ở nhà nhiều cũng khiến bố mẹ con cái mâu thuẫn, đặc biệt ở lứa tuổi học sinh cấp 2,3. Có gia đình con ở nhà lâu bị ảnh hưởng tâm lý, người dân cũng gọi điện đến phản ánh đến Tổng đài. 

Với ca khẩn cấp đặc biệt nghiêm trọng ảnh hưởng đến trẻ, chúng tôi phải kết nối trực tiếp với công an ngay để tách trẻ ra khu vực không an toàn đó. Số lượng cuộc gọi đến Tổng đài năm nay tăng hơn mọi năm", ông Hiệu chia sẻ.

Trẻ em bị bạo hành, xâm hại: Đã đến lúc người dân đừng thờ ơ (bài cuối)  - Ảnh 2.

Hình ảnh nhân viên Trực tổng đài 111 tiếp nhận thông tin phản ánh. Ảnh: Gia Khiêm

Liên quan đến vụ việc bé gái 8 tuổi ở TP.HCM bị mẹ kế bạo hành tử vong thương tâm, ông Hiệu cho biết, những ngày qua rất nhiều cuộc gọi đến Tổng đài 111. Có người gọi bày tỏ bức xúc mong muốn cơ quan chức năng xử lý nghiêm, có người gọi vì tò mò "Tổng đài có hoạt động không"…

"Đợt này người dân gọi điện rất nhiều. Vụ việc đau lòng gần đây hầu như cơ quan chức năng không biết. Chính vì vậy, theo tôi việc đánh giá được nguy cơ cực kỳ quan trọng. Nếu cán bộ chuyên trách địa phương kiểm soát tốt, người dân chỉ cần báo tin thì muộn nhất khoảng 1 tiếng công an khu vực, cán bộ Phòng Lao động Xã hội đến làm việc ngay. 

Sự việc bé gái 8 tuổi tử vong, chúng tôi rất đau xót, thương tâm. Lỗi người lớn ở đây rất nhiều. Với tư cách là người làm công tác bảo vệ trẻ em, chúng tôi muốn Nhà nước khẩn trương quan tâm bố trí nguồn nhân lực bảo vệ trẻ em ở các địa phương, đảm bảo tốt công việc quản lý, đánh giá được trẻ em để quản lý tốt hơn, tránh sự việc đau lòng", ông Hiệu bày tỏ.

Trẻ em bị bạo hành, xâm hại: Đã đến lúc người dân đừng thờ ơ (bài cuối)  - Ảnh 3.

Di ảnh bé gái 8 tuổi tử vong bị bạo hành tử vong được đặt trước sảnh tòa nhà Topaz 2, TP.HCM để mọi người cùng cầu nguyện, tưởng nhớ. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Phó giám đốc Trung tâm tư vấn dịch vụ truyền thông Cục Trẻ em cho hay, hiện nhân viên tư vấn Tổng đài 111 tại các vùng đang quá tải bởi số ca can thiệp quá nhiều trong khi nhân lực mỏng. Cục trưởng Cục trẻ em Đặng Hoa Nam đã trực tiếp cùng họp giao ban để có những giải pháp cụ thể trong công tác ngăn chặn tình trạng xâm hại, bạo hành trẻ. Tại Hà Nội, đơn vị này yêu cầu nhân viên trực Tổng đài thường xuyên, liên tục gọi điện xử lý các ca can thiệp.

"Với tư cách là người làm Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em, chúng tôi rất tiếc vì không biết những vụ việc đau lòng đã xảy ra, nếu Tổng đài 111 biết câu chuyện hoàn toàn khác. Chúng tôi mong muốn thời gian tới có đủ nguồn nhân lực, vật lực để chúng ta đánh giá được trẻ nằm trong nhóm nguy cơ, nguy cơ cao. Từ đó, chúng ta quản lý được nhóm trẻ này để tránh được việc đau lòng mà hầu như năm nào cũng có. 

Đối với người dân không nên thờ ơ, phải có trách nhiệm với cộng đồng. Mọi người chỉ cần làm một việc rất đơn giản đó là thông báo với cơ quan chức năng, thông báo Tổng đài những gì mắt mình nhìn thấy, nghe thấy về những trường hợp trẻ em bị xâm hại, bạo hành.… Như vậy, người dân đã hoàn thành trách nhiệm của mình với xã hội, việc còn lại cơ quan chức năng sẽ tiếp nhận, xử lý", ông Hiệu chia sẻ thêm.

"Gọi đến Tổng đài 111 phản ánh trẻ bị bạo hành, xâm hại, chúng tôi xử lý ngay"

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng cho hay, người dân cần lên tiếng tố cáo những trường hợp bạo hành, xâm hại trẻ nhỏ. 

Theo ông Nam, trong bối cảnh thời đại số không thể "đánh đồng" cơ quan chức năng không tuyên truyền, truyền thông, rất nhiều thông tin trên mạng được đăng tải. Bất cứ vụ việc bạo lực trẻ em nào, người dân cũng cần gọi ngay tổng đài 111. 

Trẻ em bị bạo hành, xâm hại: Đã đến lúc người dân đừng thờ ơ (bài cuối)  - Ảnh 4.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Ảnh: NVCC

Theo ông Nam, nhiều vụ việc thương tâm đã xảy ra nhưng người nhà cũng không có kiến thức. Nhiều bậc cha mẹ sau khi ly hôn hàng tháng bị ngăn cấm, không được gặp con cũng không nghĩ gì đến. Trong bối cảnh đó, nếu không được gặp phải đặt ra nghi vấn, nhờ cơ quan chức năng can thiệp kịp thời.

"Mọi trẻ em đều được bảo vệ bằng pháp luật, tất cả hành vi gây tổn hại cho trẻ em đều bị các cơ quan thực thi pháp luật xử lý, can thiệp bất luận là chuyện dạy con hay dạy học trò. Đây cũng là trách nhiệm người dân, trách nhiệm cộng đồng. Mỗi người dân hãy lên tiếng tố cáo nếu phát hiện cháu bé có dấu hiệu bị bạo hành, xâm hại…", ông Nam nhấn mạnh.

Ông Nam cũng cho biết, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111) đã được thiết lập, thường trực tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em. 

Quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin, thông báo, tố giác mọi hành vi xâm hại trẻ em đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Tổng đài này tiếp nhận thông tin phản ánh 24/24h kể cả ngày nghỉ lễ, Tết. 

"Luật pháp quy định rất rõ nên khi người dân gọi điện đến tổng đài 111 phản ánh, chúng tôi phải xử lý ngay, cơ quan nào không vào cuộc phải chịu trách nhiệm. Vấn đề nhiều người dân không tra cứu thông tin, không tố cáo vì lo sợ bị ảnh hưởng tình cảm hai bên sứt mẻ. 

Đáng tiếc vụ việc nghiêm trọng vừa qua, chúng tôi không nhận được thông tin phản ánh nào gọi điện đến tổng đài. Nếu gọi điện Cục Trẻ em sẽ ngay lập tức báo công an, chính quyền địa phương ngăn chặn kịp thời", ông Nam chia sẻ thêm.

Hết

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem