Bạo hành trẻ em: Cha mẹ đừng xem con như bịch bông... trút giận
Những người thầm lặng bảo vệ trẻ em: Cha mẹ đừng xem con như "bịch bông" để... trút giận (bài 2)
Gia Khiêm
Chủ nhật, ngày 16/01/2022 06:06 AM (GMT+7)
"Cha mẹ nên tránh việc coi trẻ như 'bịch bông' để giận cá chém thớt, là nơi trút giận. Có rất nhiều vụ việc bố mẹ mâu thuẫn nhau sau đó đưa con cái ra đánh đập để xả bực tức khiến con trẻ bị tổn thương...", nữ nhân viên Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 chia sẻ.
Chuyện về người mẹ đau đớn tố cáo chồng xâm hại tình dục con riêng
Làm ở Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đến nay đã hơn 8 năm, với chị Nguyễn Thu T. (32 tuổi) đã có rất nhiều kỷ niệm.
Trao đổi với PV Dân Việt, chị T. kể, cách đây khoảng 3 năm, một người mẹ đầy trăn trở, bật khóc gọi điện đến tổng đài. Bên này đầu dây, chị T. cầm máy nói "Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 xin nghe", nói hai ba lần nhưng đầu dây bên kia có tiếng người bật khóc nhưng không lời đáp.
Chị T. ngập ngừng "Nếu bạn chưa sẵn sàng chia sẻ, chúng tôi xin dừng máy tại đây ạ". Lúc này, giọng một người phụ nữ ngập ngừng chia sẻ về chuyện đau lòng xảy ra trong chính gia đình mình.
"Chị ấy kể, trong lúc đi làm ca đêm thì người chồng hiện tại đã xâm hại tình dục con gái riêng của chị. Chị ấy rất bối rối gọi đến nhờ chúng tôi tư vấn, hỗ trợ. Sau khi tiếp nhận thông tin, chúng tôi đã có những chia sẻ và đưa ra lời khuyên.
Ngày bận rộn của nhân viên trực Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111. Clip: Gia Khiêm
Người phụ nữ ấy sau khi lấy lại bình tĩnh đã đứng ra tố cáo lên cơ quan công an. Sau sự việc, đối tượng bị khởi tố về tội giao cấu với trẻ em. Mẹ con chị được chính quyền địa phương hỗ trợ, bản thân cháu được Tổng đài hỗ trợ về mặt tâm lý. Hiện tại cháu đã ổn định hơn trước", chị T. nhớ lại.
Theo chị T., Tổng đài bảo mật tất cả thông tin liên quan đến người gọi điện đến phản ánh sự việc liên quan đến trẻ nhỏ. Có nhiều câu chuyện sau khi được phản ánh xác minh liên quan đến hành vi bạo hành trẻ được giải quyết.
"Có trường hợp họ nhận ra lỗi sai khi bạo hành trẻ liên quan đến giáo dục con cái. Có người mẹ gọi điện đến chia sẻ bố nghiêm khắc, có hành vi giáo dục con theo phương pháp bạo lực. Trường hợp đó chưa cần phải có chính quyền địa phương can thiệp. Tổng đài cũng có kết nối, tư vấn cho người cha và họ đã nhận ra giáo dục con qua phương pháp bạo hành sẽ gây ra những ảnh hưởng tâm lý của trẻ. Người cha ấy hứa thay đổi để có phương pháp giáo dục phù hợp với độ tuổi cũng như tâm lý của con", chị T. chia sẻ.
Chị Đậu Thị T. cho hay, trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, nhiều vấn đề liên quan đến tâm lý, bạo hành, ứng xử trong gia đình. Khi người lớn và trẻ ở nhà nhiều sẽ có nảy sinh ra vấn đề liên quan so với thời gian trước đó.
"Bình thường ngày trước, trẻ đi học ít nhất 8 tiếng ở trường, bố mẹ có thể tập trung đi làm, công việc, được nhà trường đảm bảo việc chăm sóc con cái. Tuy nhiên, thời gian qua do dịch bệnh, mọi người phải ở nhà, tần suất va chạm, dạy dỗ con cái nhiều hơn. Đặc biệt, trẻ học online sẽ gây áp lực với phụ huynh kể cả vừa đảm bảo công việc, vừa phải đảm bảo việc chăm sóc con. Học sinh phải làm quen với hình thức học online, ở với bố mẹ nhiều làm cho các bạn áp lực, đặc biệt các bạn ở giai đoạn cuối cấp", chị T. kể.
"Mong muốn mỗi người dân là cánh tay nối dài trong công tác hỗ trợ cho trẻ em"
Chị Vũ Kim N. cho biết, Tổng đài 111 làm việc 24/24 kể cả nghỉ lễ Tết, chia làm 3 ca tại các tỉnh thành Hà Nội, An Giang, Đà Nẵng. Tại Hà Nội có 5 người trực một ca và luân phiên nhau trực ca đêm để không bỏ sót một vụ việc đáng tiếc nào xảy ra.
"Với Tết, chúng tôi vẫn túc trực 24/24 nên không có nghỉ lễ. Khi mọi người đón giao thừa thì với nhân viên trực tổng đài chúng tôi vẫn làm việc bình thường. Ngày Tết, lãnh đạo Trung tâm rất quan tâm đến đời sống nhân viên tư vấn", chị N. chia sẻ.
Tuy nhiên, theo chị N., trong quá trình trực Tổng đài có nhiều cuộc gọi đến trêu đùa, thậm chí có người gọi đến để "xả giận" vì đây là Tổng đài miễn phí.
"Chúng tôi luôn trực máy với tâm thế giúp đỡ mọi người. Tuy nhiên, chúng tôi thường xuyên nhận cuộc gọi trêu đùa. Do tiếp xúc những trường hợp này nhiều nên tôi quen rồi. Chúng tôi được đào tạo kỹ năng xử lý những cuộc gọi đó. Lãnh đạo đơn vị luôn quan tâm để có hướng xử lý những cuộc gọi trêu đùa hoặc cuộc gọi cung cấp thông tin giả. Dù sao khi gọi đến Tổng đài, nhiều người cũng đã biết đến số máy này. Tôi nghĩ đó cũng là một tín hiệu mừng", chị N. cho hay.
Chia sẻ về công việc thầm lặng mình đang làm, chị N. cho biết, mỗi người có một công việc, vai trò khác nhau, quan trọng đem lại hiệu quả cho xã hội, người dân.
"Có những người thầm lặng sẽ có những người làm truyền thông để họ tuyên truyền, đó là vai trò mỗi người trong xã hội. Có nhiều người sau khi được nhân viên tư vấn, ngăn chặn những vụ việc có thể xảy ra đã gọi điện gửi lời cảm ơn, gửi bưu thiếp tri ân vì đã hỗ trợ cho họ. Khối lượng công việc nhiều nhưng đó cũng là động lực để chúng tôi cố gắng. Làm công việc tại Tổng đài cho tôi cảm giác được giúp đỡ, hỗ trợ một ai đó", chị N. mỉm cười.
Trước một số chia sẻ nặng nề sau vụ việc đau lòng về trẻ xảy ra như "Cục Trẻ em đâu, Tổng đài bảo vệ trẻ em đâu…? Chị N. bày tỏ mong muốn không phải chỉ Tổng đài mà mọi người dân phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ trẻ em.
"Đó không phải chuyện riêng của ai cả mà của chúng ta khi đã coi những việc đó là vấn đề của mình thì mới sẵn sàng giúp đỡ những trẻ em khác. Tổng đài rất mong muốn mỗi người dân là cánh tay nối dài trong công tác hỗ trợ cho em. Mọi người đồng lòng cùng làm thì việc bảo vệ trẻ em sẽ tốt hơn rất nhiều", chị nói.
Chị Nga mong muốn mỗi người sống có trách nhiệm hơn với bản thân mình, cộng đồng. Với cộng đồng nên quan tâm đến những người xung quanh, không nên quá thờ ơ với quan niệm "đèn nhà ai nấy rạng". Khi người xung quanh quan tâm đến thì thành viên trong gia đình họ cũng sẽ cân nhắc hơn về hành động của mình, trách nhiệm hơn với việc chăm sóc con mình.
"Cha mẹ nên tránh việc coi trẻ như bịch bông để giận cá chém thớt, là nơi trút giận. Có rất nhiều vụ việc bố mẹ mâu thuẫn nhau sau đó đưa con cái ra đánh đập để xả bực tức. Đó là điều khiến con trẻ bị tổn thương. Chúng tôi hy vọng sẽ giảm thiểu ít đi trường hợp bạo hành, xâm hại trẻ em bởi làm ở Tổng đài chúng tôi lắng nghe rất nhiều câu chuyện thương tâm. Đó cũng là ước mơ những ca những vụ việc xâm hại trẻ em và bạo lực giảm đi hoặc không còn nữa", chị N. chia sẻ thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.