Giá dầu tăng trong bối cảnh lo ngại Mỹ sẽ không xem xét các nhượng bộ bổ sung đối với Iran để đáp lại một dự thảo nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân của Tehran, và khả năng xuất khẩu dầu thô của thành viên OPEC.
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 25/8/2022, theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI đứng ở mức 95,44 USD/thùng, tăng 0,58% trong phiên.
Trong khi đó, giá dầu Brent đứng ở mức 101,99 USD/thùng, tăng 0,77% trong phiên.
Giá dầu chốt phiên 24/8 tăng sau một phiên giao dịch biến động, do lo ngại Mỹ sẽ không xem xét việc tiếp tục nhượng bộ Iran trong phản ứng trước bản dự thảo cuối cùng cho việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 của Iran và khả năng xuất khẩu dầu thô của thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) này.
Giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao tháng 10/2022 tăng 1,15 USD, hay 1,2%, lên chốt phiên ở mức 94,89 USD/thùng. Giá dầu Brent giao cùng kỳ hạn tăng 1 USD, hay 1%, lên 101,22 94,89 USD/thùng.
Giá dầu cũng nhận được sự hỗ trợ sau khi Saudi Arabia trong tuần này đề cập đến khả năng OPEC xem xét cắt giảm sản lượng. Cả hai loại dầu đều chạm các mức cao nhất trong 3 tuần trong phiên này, sau khi Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia nêu lên khả năng cắt giảm sản lượng.
Giá dầu cũng tăng sau khi số liệu cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ giảm.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ngày 24/8 công bố báo cáo cho thấy dự trữ dầu thô thương mại của Mỹ giảm 3,3 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 19/8. Các nhà phân tích tham gia khảo sát của công ty dịch vụ thông tin năng lượng và hàng hóa S&P Global Commodity Insights (Mỹ) nhận định dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 3,2 triệu thùng.
Theo EIA, dự trữ nhiên liệu chưng cất giảm 0,7 triệu thùng trong tuần trước, trong khi dự trữ xăng dành cho ô tô, xe máy gần như không thay đổi so với tuần trước đó.
Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, giá dầu có thể nối dài đà tăng nhờ nhu cầu tiêu thụ phục hồi trong khi nguồn cung bị gián đoạn.
Trong tuần trước, giá dầu đã nhận được sự hỗ trợ kép từ việc tồn kho dầu thô giảm mạnh trong khi nhu cầu tiêu thụ và xuất khẩu gia tăng mạnh mẽ. Những thông tin này được dự báo sẽ tiếp tục là chất xúc tác chính của phiên hôm nay, bởi trong bối cảnh Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) đang phát ra tín hiệu sẽ thắt chặt sản lượng, nhà đầu tư sẽ muốn biết xem nhu cầu tiêu thụ liệu có tăng trưởng mạnh và tình trạng mất cân bằng cung cầu có thể được giải quyết hay không.
Tại Lybia, một thành viên của OPEC, mặc dù sản lượng dầu được thông báo đã khôi phục trở lại mức 1.2 triệu thùng/ngày, nhưng đại diện của Liên Hợp Quốc vẫn duy trì những cảnh báo về rủi ro các cuộc đụng độ có khả năng trở thành một cuộc chiến tranh kéo dài. Có thể thấy nguồn cung dầu của Lybia dù đã hồi phục nhưng sẽ ở trong tình trạng thiếu ổn định.
Đối với tiêu thụ nội địa của Mỹ, diễn biến của giá xăng có thể coi là một chỉ báo sớm trước kỳ báo cáo. Theo số liệu của Hiệp hội ô tô Mỹ (AAA), giá xăng trung bình tại Mỹ trong tuần qua tiếp tục giảm nhẹ xuống 3,89 USD/gallon (3,79 lít) từ mức 3,95 USD. Mặc dù vẫn cao hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm trước, nhưng giá xăng giảm có thể thúc đẩy nhu cầu đi lại cao hơn.
Một yếu tố về nguồn cung khác đang nâng đỡ giá dầu là việc xuất khẩu dầu của Nga và Kazakhstan thông qua cảng Biển Đen của Hiệp hội Đường ống Caspi (CPC) phải đối mặt với sự gián đoạn ít nhất một tháng do quá trình sửa chữa.
Tại thị trường trong nước, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở cho kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 22/8.
Theo đó, giá xăng dầu được điều chỉnh cụ thể như sau: mỗi lít xăng RON 95-III giữ nguyên còn 24.660 đồng/lít; xăng E5 RON 92 hiện đang có giá là 23.720 đồng/lít cũng được giữ nguyên.
Giá dầu diesel từ mức 22.900 đồng tăng thêm 850 đồng/lít, giá sau điều chỉnh là 23.750 đồng/lít; dầu hỏa cũng tăng từ mức 23.320 đồng/lít thêm 750 đồng/lít, lên mức 24.070 đồng/lít; riêng dầu mazut giữ nguyên 16.540 đồng/kg như trước.
Thông tin từ Bộ Công thương, giá xăng dầu trong kỳ vừa qua diễn biến có tăng, có giảm nhưng xu hướng chung là tăng, nhất là dầu hỏa và dầu diesel tăng khá cao. Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa 2 kỳ điều hành giá tăng từ 1-2% nhưng giá dầu tăng từ 4-5%.
Theo đó, nhà điều hành trích lập với xăng E5 RON 92 là 451 đồng/lít; xăng RON 95 là 493 đồng/lít; dầu diesel là 250 đồng/lít; dầu hỏa là 400 đồng/lít; dầu mazut là 641 đồng/kg. Đồng thời không chi sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu.
Sau khi thực hiện trích lập và không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường ngày 25/8 như sau: Giá xăng E5 RON 92 niêm yết không cao hơn 23.725 đồng/lít; giá xăng RON 95-III niêm yết không cao hơn 24.669 đồng/lít; giá dầu diesel 0.05S niêm yết không cao hơn 23.759 đồng/lít; giá dầu hỏa niêm yết không cao hơn 24.056 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S niêm yết không cao hơn 16.548 đồng/kg.
Tính đến nay, giá xăng dầu đã trải qua 22 lần điều chỉnh giá, trong đó có 14 lần tăng và 8 lần giảm. Hiện, giá xăng E5 RON 92 và RON 95 trong nước đã xuống quanh mức 23.725-24.669 đồng/lít, tương đương mức giá vào tháng 2.