Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Giá dầu thế giới giảm khoảng 1,5% trong tuần qua dù có phục hồi nhẹ vào phiên cuối tuần 19/8, khi đồng USD mạnh lên và giới đầu tư lo ngại rằng suy thoái kinh tế sẽ làm suy yếu nhu cầu dầu thô.
Theo giới quan sát, yếu tố chính ảnh hưởng tới diễn biến thị trường năng lượng trong tuần qua là các số liệu kinh tế trái chiều.
Giá dầu thô bước vào tuần giao dịch từ ngày 15/8 với xu hướng giảm mạnh khi lo ngại về suy thoái kinh tế lại “nóng” lên trong bối cảnh nhiều quan chức của Fed lên tiếng bày tỏ quan điểm về một đợt tăng lãi suất mới.
Trong phiên đầu tuần 15/8, giá dầu thế giới đi xuống sau khi số liệu kinh tế đáng thất vọng của Trung Quốc làm dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái toàn cầu và làm giảm nhu cầu nhiên liệu. Chốt phiên này, giá dầu Brent giảm 3,05 USD (3,1%) xuống 95,10 USD/thùng. Còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 2,68 USD (2,9%) xuống 89,41 USD/thùng.
Áp lực giảm giá đối với dầu thô tiếp tục gia tăng khi thị trường ghi nhận loạt dữ liệu kinh tế đáng thất vọng từ Trung Quốc và Ả Rập Xê-út phát đi thông điệp về việc sẵn sàng tăng sản lượng lên 12 triệu thùng/ngày.
Cụ thể, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong tháng 7/2022 đã chậm lại do các biện pháp phòng chóng dịch nghiêm ngặt. Sản lượng công nghiệp tháng 7 của Trung Quốc tăng 3,8% so với một năm trước nhưng lại thấp hơn nhiều so với mức dự báo tăng trưởng 4,6%. Doanh số bán lẻ chỉ tăng 2,7% so với mức dự báo 5% và mức tăng trưởng 3,1% trong tháng 6/2022.
Sản lượng của các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc đã giảm xuống còn 12,53 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020 và thấp hơn 8,8% so với mức tháng 7/2021. Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do các nhà máy lọc dầu quốc doanh như Sinopec và PetroChina ngừng hoạt động và thu hẹp biên độ tinh chế.
Nhưng không chỉ tại Trung Quốc, triển vọng tiêu thụ dầu còn được chịu áp lực giảm mạnh bởi lạm phát ở mức cao tại nhiều quốc gia khiến chi phí cho năng lượng giảm.
Giá dầu thế giới giảm khoảng 3% trong phiên 16/8 xuống mức thấp nhất kể từ trước chiến dịch đặc biệt của Nga tại Ukraine, do các số liệu kinh tế làm dấy lên lo ngại về khả năng suy thoái toàn cầu. Khép lại phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 2,76 USD (2,9%) xuống 92,34 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu WTI giảm 2,88 USD (3,2%) xuống 86,53 USD/thùng.
Bên cạnh đó, các số liệu kinh tế yếu cũng đang đè nặng lên giá dầu. Hoạt động xây nhà tại Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần một năm rưỡi qua vào tháng 7, do lãi suất cho vay thế chấp và giá nguyên vật liệu xây dựng tăng. Điều này cho thấy thị trường nhà ở có thể suy giảm hơn nữa trong quý III.
Đến phiên giao dịch giữa tuần, khi đồng USD suy yếu và thị trường đặt kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ được cải thiện nhờ các chính sách hỗ trợ, phục hồi kinh tế được các nước triển khai, đà giảm giá của dầu thô mới bị chặn lại. Theo đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cho biết họ đang hạ lãi suất đối với khoản vay trung hạn trị giá 400 tỷ nhân dân tệ (59,33 tỷ USD) cho các tổ chức tài chính xuống 10 điểm cơ bản, từ mức 2,85% xuống 2,75%.
Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa ký ban hành Đạo luật giảm lạm phát năm 2022. Trong dự luật này có khoản đầu tư gần 400 tỷ USD vào nỗ lực chống biến đổi khí hậu, các biện pháp để hóa đơn thuốc kê đơn ở mức phải chăng hơn và áp mức thuế tối thiểu 15% đối với phần lớn các công ty có doanh thu hơn 1 tỷ USD/năm.
Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu nhanh chóng bị chặn lại khi đồng USD lấy lại đà phục hồi mạnh và nhiều lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế được dấy lên. Thị trường dầu thô cũng ghi nhận khả năng Iran có thể tăng mạnh sản lượng xuất khẩu khi thoả thuận hạt nhân có nhiều bước tiến mới.
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 18/8/2022, theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10/2022 đứng ở mức 87,15 USD/thùng, giảm 0,54 USD/thùng trong phiên. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 10/2022 đứng ở mức 93,11 USD/thùng, giảm 0,54 USD/thùng trong phiên.
Mặc dù có chiều hướng giảm mạnh trong phiên 18/8 nhưng thị trường dầu thô cũng nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ Mỹ với kỳ vọng nhu cầu năng lượng tăng cao.
Theo đó, Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ dầu thô của nước này trong tuần kết thúc thúc ngày 12/8 đã giảm tới 7,1 triệu thùng, xuống còn 425 triệu thùng. Mức giảm này lớn hơn rất nhiều lần so với con số dự báo giảm 275.000 thùng được đưa ra trong một cuộc khảo sát của Reuters. Dự trữ xăng của Mỹ cũng giảm mạnh 4,6 triệu thùng, cao hơn nhiều mức dự kiến giảm 1,1 triệu thùng được đưa ra trước đó. Đây là một tín hiệu tích cực về triển vọng tiêu thụ năng lượng tại Mỹ.
EIA cũng cho biết xuất khẩu dầu thô của Mỹ đã đạt mức cao kỷ lục, đạt 5 triệu thùng/ngày.
Giá dầu còn được hỗ trợ bởi loạt dữ liệu kinh tế tích cực từ Mỹ. Theo Báo cáo thất nghiệp hằng tuần của Bộ Lao động Mỹ vừa được công bố, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp theo tuần trong tuần trước của nền kinh tế nước này đã giảm 2.000 người, xuống còn 250.000. Dữ liệu sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ của nền kinh tế Mỹ tăng nhẹ.
Bên cạnh đó, theo giới chuyên gia, các lệnh cấm vận của EU với dầu thô đi bằng đường biển của Nga vào tháng 12 và với các sản phẩm dầu mỏ của nước này vào đầu năm 2023 có thể bóp mạnh nguồn cung, đẩy giá dầu tăng cao.
Công ty tư vấn BCA (Vương quốc Anh) dự đoán các lệnh trừng phạt của EU sẽ khiến lượng dầu xuất khẩu của Nga giảm khoảng 1,6 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay, và con số này sẽ tăng lên 2 triệu thùng/ngày vào năm 2023.
Và trong phiên giao dịch ngày 19/8, bất chấp đồng USD mạnh lên, giá dầu vẫn duy trì đà tăng mạnh. Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 19/8/2022, theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10/2022 đứng ở mức 90,34 USD/thùng, tăng 0,23 USD/thùng trong phiên. Tuy nhiên, nếu so với cùng thời điểm ngày 18/8, giá dầu WTI giao tháng 10/2022 đã tăng tới 3,19 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 10/2022 đứng ở mức 96,75 USD/thùng, tăng 0,16 USD/thùng trong phiên nhưng đã tăng tới 3,64 USD so với cùng thời điểm ngày 18/8.
Sau 2 phiên tăng giá mạnh, giá dầu trong phiên giao dịch cuối tuần lại quay đầu giảm mạnh khi áp lực suy thoái kinh tế tiếp tục đè nặng khiến triển vọng tiêu thụ dầu không mấy lạc quan. Đồng USD lên đỉnh 20 năm càng làm áp lực giảm giá gia tăng.
Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá dầu hôm nay ghi nhận giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10/2022 đứng ở mức 89,62 USD/thùng; trong khi giá dầu Brent giao tháng 10/2022 đứng ở mức 95,76 USD/thùng.
Dù tăng nhẹ trong phiên 19/8, giá cả hai loại dầu vẫn giảm hơn 1% trong tuần qua, với dầu WTI mất 1,4% còn dầu Brent lùi 1,5%.
Tại thị trường trong nước, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở cho kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11/8.
Theo đó, căn cứ vào diễn biến giá xăng dầu thế giới và định hướng điều hành giá xăng dầu trong nước, Liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định trích lập Quỹ BOG đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 ở mức 700 đồng/lít (kỳ trước là 800 đồng/lít), xăng RON95 ở mức 750 đồng/lít (kỳ trước là 850 đồng/lít), dầu diesel ở mức 350 đồng/lít (kỳ trước là 450 đồng/lít), dầu hỏa ở mức 650 đồng/lít (như kỳ trước) và dầu mazut ở mức 716 đồng/kg (kỳ trước là 787 đồng/kg). Đồng thời không chi Quỹ BOG đối với các loại xăng dầu.
Sau khi thực hiện trích lập và không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường ngày 21/8 như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 23.725 đồng/lít; giá xăng RON 95-III không cao hơn 24.669 đồng/lít; giá dầu diezen 0.05S không cao hơn 22.908 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 23.320 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 16.548 đồng/kg.
Theo Bộ Công Thương, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa 2 kỳ điều hành giá ngày 1/8/2022 và ngày 11/8/2022 là: 105,923 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5 RON92 (giảm 4,709 USD/thùng, tương đương giảm 4,256% so với kỳ trước); 109,921 USD/thùng xăng RON95 (giảm 4,534 USD/thùng, tương đương giảm 3,961% so với kỳ trước; 122,806 USD/thùng dầu hỏa (giảm 7,563 USD/thùng, tương đương giảm 5,801% so với kỳ trước); 124,994 USD/thùng dầu diesel (giảm 5,519 USD/thùng, tương đương giảm 4,228% so với kỳ trước); 498,276 USD/tấn dầu mazút 180CST 3,5S (tăng 2,991 USD/tấn, tương đương tăng 0,604% so với kỳ trước).
Tính đến nay, giá xăng dầu đã trải qua 21 lần điều chỉnh giá, trong đó có 13 lần tăng và 8 lần giảm. Hiện, giá xăng E5 RON 92 và RON 95 trong nước đã xuống quanh mức 23.725-24.669 đồng/lít, tương đương mức giá vào tháng 2.
Điều này khiến cho người dân và doanh nghiệp vui mừng bởi chi phí cho xăng dầu giảm, đồng nghĩa với gánh nặng lên vai đã nhẹ bớt, có thể kích cầu tiêu dùng trong thời gian tới. Theo đánh giá của chuyên gia, giá xăng dầu giảm mạnh không chỉ giúp người dân được hưởng lợi trực tiếp từ giá xăng mà còn có thể hưởng lợi gián tiếp từ việc giảm giá các loại hàng hóa, dịch vụ.
Ngày 8/8, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 51/2022/NĐ-CP sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì (thuộc mã HS từ 2710.12.21 đến 2710.12.29) từ 20% xuống 10%.
Cụ thể, sửa đổi mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với mặt hàng xăng thuộc nhóm 27.10 quy định tại Phụ lục II - Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo Danh mục mặt hàng chịu thuế quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ thành các mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mới quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định Nghị định số 51/2022/NĐ-CP.
Theo đó, điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì (thuộc mã HS từ 2710.12.21 đến 2710.12.29) từ 20% xuống 10%.
Theo Bộ Tài chính, so với nhiều nước, tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu của nước ta hiện nay vẫn thấp hơn mức bình quân chung. Tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu ở nhiều nước hiện nay chủ yếu trong khoảng 40% - 55% đối với xăng và 35% - 50% đối với dầu (ngoại trừ một số quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn thì có tỷ trọng thấp hơn).
Được biết, trong nước, theo quy định, hôm nay (21/8) đến kỳ điều chỉnh giá mới, song do rơi vào chủ Nhật nên việc điều chỉnh được dời sang ngày đầu tuần (22/8). Cập nhật dữ liệu giá nhập khẩu xăng dầu đến ngày 18/8 cho thấy, xăng RON A95-III có giá 112.08 USD/thùng, xăng E5 RON 92 là 107,8 USD/thùng, dầu diesel tăng vọt lên 133,95 USD/thùng.
Theo đó, giá bán xăng dầu trong nước hiện đang cao hơn giá nhập khẩu khoảng 240 đồng/lít xăng RON 95, cao hơn 280 đồng/lít xăng E5, dầu diesel cao hơn 850 đồng/lít. Mức giá này không bao gồm mức chi/trích sử dụng Quỹ bình ổn giá. Tính trung bình giá nhập trong 8 ngày, giá các mặt hàng trên vẫn cao hơn tại kỳ điều chỉnh giá trước, lần lượt là 112,22 USD/thùng xăng RON 95, 107,47 USD/thùng xăng E5 và 130,205 USD/thùng dầu diesel.
Doanh nghiệp xăng dầu đầu mối cho biết, thường giá thế giới giảm, giá trong nước phải giảm theo. Tuy nhiên, tuần qua, mức giảm của thế giới khá khiêm tốn, tính thêm các khoản thuế phí sau nhập khẩu thì giá trong nước khó giảm theo. Như vậy, nếu chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, giá các mặt hàng xăng có thể đứng yên và giá dầu tăng nhẹ tại kỳ điều chỉnh tới (ngày 22/8)", doanh nghiệp dự báo.
Tuy nhiên, mức tăng, giảm hay giữ nguyên giá xăng dầu cụ thể thế nào còn phụ thuộc vào tính toán của nhà điều hành cũng như mức trích, chi Quỹ Bình ổn xăng dầu của cơ quan điều hành.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.