Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 7/2022 đạt 249,7 triệu USD, giảm 5,7% so với tháng 7/2021. Tính chung trong 7 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu hàng rau quả đạt 1,93 tỷ USD, giảm 15,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong 7 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh, nhưng trị giá xuất khẩu hàng rau quả tới Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, thị trường Đài Loan lại tăng trưởng khả quan.
Tuy nhiên, trị giá xuất khẩu hàng rau quả sang các thị trường này chỉ chiếm tỷ trọng thấp nên không bù đắp được mức giảm mạnh xuất khẩu tới thị trường Trung Quốc.
Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), mặc dù xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh, nhưng đây vẫn là thị trường rất tiềm năng đối với hàng rau quả của Việt Nam. Với dân số hơn 1,4 tỷ người, Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu hàng rau quả để phục vụ nhu cầu nội địa cũng như sản xuất chế biến xuất khẩu rất lớn, đa dạng và phong phú.
Trong những tháng cuối năm 2022, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu tiêu dùng của người Trung Quốc tăng, đặc biệt là vào mùa lễ hội cuối năm, dự kiến trị giá xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường này sẽ khả quan hơn.
TS Lê Thanh Hòa - Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam nhấn mạnh, Trung Quốc là thị trường lớn, do vậy nông dân, doanh nghiệp cần được hướng dẫn đầy đủ việc đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nông sản nguồn gốc thực vật xuất khẩu vào Trung Quốc theo Lệnh 248; hướng dẫn quy định, điều kiện cấp mã số nhà đóng gói. An toàn thực vật trong xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc (Lệnh 249) và biện pháp phòng ngừa SARS-CoV2 đối với thực phẩm chuỗi bảo quản lạnh; truy xuất nguồn gốc, quy định tem, nhãn, mã số mã vạch trong xuất khẩu trái cây vào thị trường Trung Quốc...
Tuy nhiên, điều các doanh nghiệp lo lắng nhất hiện nay là trong bối cảnh giá xăng dầu, chi phí logistics tăng cao lại thêm chi phí thông quan tăng đột biến đang khiến DN xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc kêu trời.
Trao đổi với báo chí, đại diện Hiệp hội Thanh long Long An, cho biết: Hiện nay tiến độ thông quan đã nhanh hơn nhưng kèm theo đó chi phí lại tăng cao hơn. Bình thường chỉ hết khoảng 2-3 triệu đồng thì giờ lên hơn chục triệu đồng. Chi phí tăng quá cao đang đè nặng lên vai doanh nghiệp
Trong một diễn đàn về xuất khẩu trái cây tươi sang Trung Quốc vừa diễn ra, ông Trần Kim Phúc - Giám đốc Công ty TNHH Thu mua thanh long Khánh Trâm (xã Hàm Cường, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) cũng tỏ ra lo lắng về vấn đề này.
Theo ông Phúc, hiện chi phí vận chuyển và các chi phí thông quan quá đắt, 26-30 triệu đồng/chuyến xe, trong khi trước đây chỉ mất 1,6-2,2 triệu đồng.
Trước phản ánh của doanh nghiệp, đại diện UBND tỉnh Lạng Sơn khẳng định chi phí ở phía Việt Nam không tăng, chỉ tăng ở đầu Trung Quốc và ở mức "rất cao". Nguyên nhân do phía Trung Quốc đang áp dụng phương thức giao nhận hàng cắt container.
Để thông quan thuận lợi, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng, Lạng Sơn đề nghị các địa phương có hàng nông sản, hoa quả xuất khẩu sang Trung Quốc qua các cửa khẩu đường bộ tăng cường giám sát, quản lý, đảm bảo các vùng trồng, vùng sản xuất xuất khẩu an toàn với dịch Covid-19. Đảm bảo chất lượng sản phẩm, công tác thu hái, đóng gói, bảo quản, vận chuyển hàng hóa được thực hiện theo đúng quy định và yêu cầu của thị trường nhập khẩu.
Song song, kiểm soát chặt chẽ đối với hàng hóa là hoa quả phải bảo quản trong container lạnh trong quá trình vận chuyển nhằm hạn chế nguy cơ virus SARS-CoV-2 tồn tại bên ngoài bao bì các sản phẩm đông lạnh.
Cùng với đó, tuyên truyền các DN, chủ hàng của địa phương chủ động nghiên cứu, nắm bắt tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn để có kế hoạch đưa hàng lên khu vực cửa khẩu với số lượng phù hợp, tránh ùn tắc...