Dân Việt

Phát hiện mới có thể giúp châu Âu thoát khỏi cuộc khủng hoảng năng lượng

Lê Phương (Express) 26/08/2022 08:11 GMT+7
Nguồn khí đốt tự nhiên lớn gần đảo Síp có thể làm lay chuyển mục tiêu của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong chiến dịch ở Ukraine và sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt từ Moscow, theo báo cáo.
Phát hiện mới có thể giúp châu Âu thoát khỏi cuộc khủng hoảng năng lượng - Ảnh 1.

Các công ty năng lượng TotalEnergies và ENI đã có một phát hiện khí đốt quan trọng ngoài khơi đảo Síp (Ảnh: Getty)

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga vào Ukraine, sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, đã gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng tàn khốc trên khắp châu Âu, đẩy giá nhiên liệu và lạm phát lên mức cao chưa từng có. Tuy nhiên mới đây, các công ty năng lượng TotalEnergies và ENI từ Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố một phát hiện khí đốt quan trọng ngoài khơi đảo Síp.

Theo TotalEnergies, nguồn khi đốt tự nhiên có tên Cronos-1 chứa cacbonat chất lượng tốt và xác nhận lượng khí ròng tổng cộng là hơn 260 mét.

Theo ENI, lượng khí đốt ước tính vào khoảng 2,5 nghìn tỷ feet khối.

Công ty lưu ý một giếng thăm dò tiếp theo sẽ được tạo ra trong khu vực để nghiên cứu thêm.

Kevin McLachlan, Phó Chủ tịch Cấp cao, Bộ phận Thăm dò tại TotalEnergies cho biết: "Việc thăm dò thành công tại Cronos-1 là một minh họa khác về tác động chiến lược Thăm dò của chúng tôi, trong đó tập trung vào việc khám phá các nguồn tài nguyên với chi phí kỹ thuật thấp và lượng khí thải carbon thấp, để đóng góp vào năng lượng an ninh và cung cấp các nguồn khí đốt bổ sung cho châu Âu".

ENI cho biết phát hiện khí đốt "có thể mở ra tiềm năng bổ sung trong khu vực và là một phần trong nỗ lực cung cấp thêm nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu", mang lại hy vọng xoa dịu cuộc khủng hoảng năng lượng.

Tuy nhiên, trong bài báo có tiêu đề "Những khám phá mới xác nhận rằng một kho khí đốt khổng lồ nằm ở vùng biển ngoài khơi Síp liệu có thể giúp giải quyết tình trạng thiếu khí đốt của châu Âu không?", Frankfurter Allgemeine Zeitung, chuyên gia Đức, viết rằng "có lẽ phải mất nhiều năm nữa khí đốt từ Síp mới được sản xuất và đến tay người tiêu dùng châu Âu".

Tờ báo dẫn lời Moritz Rau, chuyên gia năng lượng tại Viện Các vấn đề Quốc tế và An ninh Đức, tuyên bố rằng khí đốt của Síp sẽ không có sẵn trong ngắn hạn và việc xuất khẩu ra thị trường quốc tế có thể sẽ gây xung đột với Thổ Nhĩ Kỳ.

Ở một diễn biến khác, theo Martin Krengel, chủ tịch hiệp hội công nghiệp giấy của Đức, cuộc khủng hoảng trên thị trường khí đốt châu Âu có thể dẫn đến giảm sản lượng giấy vệ sinh tại nước này.

"Chúng tôi đặc biệt phụ thuộc vào khí đốt để sản xuất khăn giấy. Nếu không có nó, chúng tôi sẽ không thể đảm bảo nguồn cung nữa", Krengel cho biết trong một tuyên bố hôm 25/8.

Theo số liệu do Die Papierindustrie cung cấp, mỗi người dân Đức sử dụng trung bình 134 cuộn giấy vệ sinh mỗi năm. "Trong cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay, ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là cung cấp cho mọi người loại hàng hóa quan trọng này", Krengel nhấn mạnh.

Tháng trước, Hiệp hội Giấy Bavaria cảnh báo rằng các nhà máy giấy có thể sẽ không còn lãi nếu họ buộc phải làm việc với công suất giảm do thiếu khí đốt tự nhiên.

Đức và Liên minh châu Âu (EU) gần đây đã chứng kiến nguồn cung khí đốt tự nhiên từ Nga giảm đáng kể, dẫn đến nhiều cảnh báo về khả năng đóng cửa một số ngành công nghiệp.