Đà phục hồi của giá dầu tiếp tục được duy trì trong sáng nay, khi mà những yếu tố về cung cầu tiếp tục hỗ trợ rất tích cực cho giá.
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 26/8/2022, theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI đứng ở mức 93,429 USD/thùng, tăng 0,98% trong phiên.
Trong khi đó, giá dầu Brent đứng ở mức 100,215 USD/thùng, tăng 0,88% trong phiên.
Giá dầu ngày 26/8 tăng chủ yếu do lo ngại tình trạng thiếu hụt nguồn cung gia tăng trong bối cảnh các nhà sản xuất lớn đang xem xét cắt giảm sản lượng và lo ngại nguồn cung dầu của Nga bị gián đoạn.
Áp lực thiếu hụt nguồn cung càng lớn hơn khi tình trạng nắng nóng, hạn hán kéo dài tại châu Âu, Trung Quốc buộc các nhà cung cấp năng lượng phải tìm kiếm các nguồn năng lượng khác thay thế, trong đó có dầu thô.
Thoả thuận hạt nhân của Iran có thể mở ra khả năng thị trường sẽ có thêm 1 triệu thùng/ngày. Nhưng theo giới phân tích, 1 triệu thùng dầu được bổ sung từ Iran là không đủ cho sự thiếu hụt của thị trường.
Giá dầu hôm nay cũng được thúc đẩy bởi dữ liệu tồn kho dầu thô và tồn kho xăng của Mỹ giảm mạnh.
Ngoài ra, tình trạng thiếu hụt nguồn cung khí đốt ở châu Âu cũng là tác nhân thúc đẩy giá dầu đi lên.
Giá dầu đã giảm khoảng 2 USD trong phiên 25/8 nhiều biến động trong bối cảnh các nhà đầu tư chuẩn bị cho sự xuất khẩu dầu trở lại của Iran và lo ngại lãi suất của Mỹ tăng sẽ làm giảm nhu cầu nhiên liệu.
Giá dầu Brent giao dịch ở mức 99,34 USD/thùng, giảm 1,88 USD (1,9%). Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) ở mức 92,52 USD/thùng, giảm 2,37 USD (2,5%).
Iran cho biết đã nhận được phản hồi của Mỹ với đề xuất khôi phục thỏa thuận hạt nhân "Kế hoạch hành động chung toàn diện" (JCPOA) mà Liên minh châu Âu (EU) soạn thảo. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran nói: "Iran đã nhận được phản ứng của Mỹ thông qua EU. Việc xem xét kỹ lưỡng hồi đáp này đã bắt đầu tại Tehran. Iran sẽ chia sẻ quan điểm với EU sau khi xem xét xong".
Các nhà đầu tư cũng đang chờ đợi những nhận xét theo lịch trình của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell tại Hội nghị các ngân hàng trung ương ở Jackson Hole, Wyoming, thành phố Kansas, Mỹ vào ngày 26/8.
Các chuyên gia cho biết, thị trường lo ngại ông Jerome Powell sẽ nói về việc tăng lãi suất.
Theo dữ liệu mới nhất của Cơ quan Thông tin Năng lượng, nhu cầu tiêu thụ xăng của Mỹ đã giảm xuống trong giai đoạn gần đây nhất vào tuần trước, khiến mức cung cấp sản phẩm xăng hàng ngày trung bình trong 4 tuần giảm 7% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, giá dầu có thể tăng nhưng sẽ cần thận trọng trước áp lực chốt lời do yếu tố kỹ thuật.
Số liệu từ báo cáo tuần của EIA mặc dù cho thấy tiêu thụ xăng dầu nội địa của Mỹ suy yếu, tuy nhiên khối lượng xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm lọc dầu khác như dầu diesel của Mỹ trong tuần trước là đã tăng lên 11 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 2/1991.
Điều này phản ánh việc các đối tác của Mỹ ở khu vực châu Á và châu Âu vẫn chưa vượt qua “cơn khát dầu”. Trong bối cảnh đó, việc đàm phán hạt nhân giữa phương Tây và Iran vẫn chưa có tiến triển rõ ràng, còn OPEC+ lại đang cân nhắc cắt giảm sản lượng dầu đã khiến cho giá hồi phục hồi khá tốt.
Ngoài những lo ngại về nguồn cung, triển vọng tiêu thụ cũng có thể góp phần nâng đỡ cho giá nhờ vào việc Trung Quốc tung ra gói kích thích kinh tế trị giá 146 tỷ USD. Mặc dù quy mô của gói chính sách không đáng kể so với quy mô của nền kinh tế thứ hai toàn cầu, tuy nhiên những động thái liên tiếp của các nhà chức trách, từ việc hạ lãi suất, tới các biện pháp hỗ trợ đều cho thấy Bắc Kinh vẫn sẽ cố gắng đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra là 5,5%.
Tại thị trường trong nước, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở cho kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 22/8.
Theo đó, giá xăng dầu được điều chỉnh cụ thể như sau: mỗi lít xăng RON 95-III giữ nguyên còn 24.660 đồng/lít; xăng E5 RON 92 hiện đang có giá là 23.720 đồng/lít cũng được giữ nguyên.
Giá dầu diesel từ mức 22.900 đồng tăng thêm 850 đồng/lít, giá sau điều chỉnh là 23.750 đồng/lít; dầu hỏa cũng tăng từ mức 23.320 đồng/lít thêm 750 đồng/lít, lên mức 24.070 đồng/lít; riêng dầu mazut giữ nguyên 16.540 đồng/kg như trước.
Thông tin từ Bộ Công thương, giá xăng dầu trong kỳ vừa qua diễn biến có tăng, có giảm nhưng xu hướng chung là tăng, nhất là dầu hỏa và dầu diesel tăng khá cao. Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa 2 kỳ điều hành giá tăng từ 1-2% nhưng giá dầu tăng từ 4-5%.
Theo đó, nhà điều hành trích lập với xăng E5 RON 92 là 451 đồng/lít; xăng RON 95 là 493 đồng/lít; dầu diesel là 250 đồng/lít; dầu hỏa là 400 đồng/lít; dầu mazut là 641 đồng/kg. Đồng thời không chi sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu.
Sau khi thực hiện trích lập và không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường ngày 26/8 như sau: Giá xăng E5 RON 92 niêm yết không cao hơn 23.725 đồng/lít; giá xăng RON 95-III niêm yết không cao hơn 24.669 đồng/lít; giá dầu diesel 0.05S niêm yết không cao hơn 23.759 đồng/lít; giá dầu hỏa niêm yết không cao hơn 24.056 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S niêm yết không cao hơn 16.548 đồng/kg.
Tính đến nay, giá xăng dầu đã trải qua 22 lần điều chỉnh giá, trong đó có 14 lần tăng và 8 lần giảm. Hiện, giá xăng E5 RON 92 và RON 95 trong nước đã xuống quanh mức 23.725-24.669 đồng/lít, tương đương mức giá vào tháng 2.
Được biết, thông tin mới nhất cho thấy, giá xăng nhập lại sắp chạm mốc 30.000 đồng/lít. Theo dữ liệu mới công bố của Bộ Công Thương, giá xăng A95 nhập từ Singapore đã tăng mạnh lên gần 116 USD/thùng. Mức giá này tương đương ngày 20/7, khi đó giá xăng trong nước ở mức 29.675 đồng/lít.
Giá dầu thô toàn cầu cũng bật tăng trở lại trên mức 100 USD/thùng. Nguyên nhân là do Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đang xem xét cắt giảm sản lượng nhằm duy trì đà tăng của giá dầu.