Dân Việt

Bầu cử Mỹ giữa kỳ: Cục diện mới trước ngày quyết định

Đại sứ Trần Đức Mậu 26/08/2022 09:12 GMT+7
Hơn hai tháng trước ngày diễn ra cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ năm nay ở nước Mỹ, cục diện tình hình chính trị nội bộ ở nước Mỹ bất ngờ có những chuyển biến mới với tác động nếu không phải quyết định thì cũng rất mạnh mẽ tới kết cục cuối cùng của cuộc bầu cử này.
Bầu cử Mỹ giữa kỳ: Cục diện mới trước ngày quyết định - Ảnh 1.

Bầu cử Mỹ giữa kỳ hứa hẹn sẽ có nhiều bất ngờ. Ảnh Reuters

 Xưa nay, bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ ở nước Mỹ luôn được cả trong lẫn ngoài nước Mỹ quan tâm đặc biệt vì hai lý do. 

Thứ nhất, kết quả cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ luôn là tương quan quyền lực mới giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hoà trong lưỡng viện lập pháp và vì thế sẽ ảnh hưởng thuận hay không thuận trực tiếp tới nửa nhiệm kỳ cầm quyền còn lại của tổng thống đương nhiệm. Ở cuộc bầu cử này, toàn bộ dân biểu hạ viện và một phần ba dân biểu thượng viện được bầu lại cùng với nhiều thống đốc bang. Tổng thống đương nhiệm nào cũng cần đa số trong hạ viện và thượng viện để thông qua những đạo luật cần thiết cho việc thực hiện chương trình cầm quyền của mình.

 Hiện tại, Đảng Dân chủ ngang bằng với Đảng Cộng hoà về số lượng dân biểu trong thượng viện (50:50) và trên danh nghĩa có được đa số trong thượng viện nhờ tiếng nói quyết định của phó tổng thống Kamala Harris. Ở hạ viện, Đảng Dân chủ hiện chiếm đa số. 

Cứ theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận đến nay ở Mỹ thì không những chỉ có mức độ tín nhiệm của cử tri đối với tổng thống đương nhiệm Joe Biden giảm sút mà Đảng Dân chủ còn không giữ được đa số hiện tại trong lưỡng viện lập pháp. 

Thứ hai, thông thường sau cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ, những ai nuôi tham vọng trở thành tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử tổng thống tới sẽ dần quyết định ứng cử. Năm nay, kết quả cuộc bầu cử sẽ cho thấy liệu tổng thống đương nhiệm Joe Biden thuộc Đảng Dân chủ và cựu tổng thống Donald Trump thuộc Đảng Cộng hoà rồi đây có ra ứng cử cho cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2024 ở Mỹ hay không.

Trước thềm cuộc bầu cử quốc hội ở Mỹ vào đầu tháng 11 tới, cả ở phía ông Biden lẫn ở nơi ông Trump đều có những động thái mới.

Ông Biden gần như cùng lúc đạt được liền 4 thành quả cầm quyền với ý nghĩa rất quan trọng. Đa số của Đảng Dân chủ trong lưỡng viện lập pháp đã giúp ông Biden thông qua được hai đạo luật: Luật về giảm lạm phát (Inflation Reduction Act) và Luật về phát triển công nghiêp bán dẫn (Chips And Science Act) - cả hai đều đi cùng với nguồn tài chính đầu tư rất lớn. Inflation Reduction Act dự kiến chi 370 tỷ USD cho công cuộc chống biến đổi khí hậu trái đất - nước Mỹ xưa nay chưa từng đầu tư nhiều đến như thế cho việc này. 

Ông Biden có thể dùng nó để chứng tỏ thực hiện thành công được cam kết tranh cử và cầm quyền cũng như nâng cao uy tín của nước Mỹ ở thế giới bên ngoài. Luật này thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển năng lượng có thể tái tạo, nâng cao hiệu quả tiết kiệm trong sử dụng năng lượng, tạo thêm công ăn việc làm, cải thiện rõ rệt chăm sóc sức khoẻ, giảm chi phí điều trị và thuốc men y tế, qua đó đưa lại hiệu ứng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm lạm phát. 

Luật về bán dẫn nhằm mục đích tự chủ về cung ứng bán dẫn, không còn phụ thuộc vào Trung Quốc về cung ứng bán dẫn, tạo thêm nhiều chỗ làm việc chất lượng cao, nhờ thế đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế và giảm thất nghiệp. 

Thành quả thứ ba của ông Biden là đã bắt đầu làm giảm được giá nhiên liệu, xăng dầu ở nước Mỹ. Mức độ căng thẳng trong nội bộ xã hội Mỹ trên phương diện này đã giảm đi đáng kể. Cuối cùng là việc Mỹ truy sát ra tung tích và tiêu diệt được thủ lĩnh của mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qeada Ayman al-Zawahiri trú ngụ ở thủ đô Cabul của Afghanistan. 

Ông Biden có thể khuếch trương đấy là thành quả quan trọng mới của cuộc chiến chống khủng bố, xoa dịu bớt ám ảnh tệ hại về cuộc di tản hỗn loạn khỏi Afghanistan sau khi Taliban bất ngờ nhanh chóng kiểm soát Cabul và trở lại cầm quyền ở Afghanistan.

Đồng thời, những diễn biến gần đây nhất liên quan đến phe Đảng Cộng hoà và cá nhân cựu tổng thống Donald Trump cũng có phần tác động thuận cho phía Đảng Dân chủ và ông Biden. Phán quyết của toà án tối cao Mỹ - với đa số thành viên thuộc phe Đảng Cộng hoà - về cấm phá thai làm cho phe này hể hả nhưng vấp phải sự bất bình của đa số cử tri ở Mỹ. Ông Trump bị vướng mắc với toà án liên quan đến kê khai thuế và nộp thuế cũng như đến một số thủ thuật hoạt động kinh doanh. Mới rồi, tư dinh của ông Trump còn bị Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI)  lục soát.

 FBI nghi vấn ông Trump khi rời Nhà Trắng hồi cuối tháng 1 năm ngoái đã manh theo tài liệu tuyệt mật và vì thế vi phạm luật về tình báo và gián điệp. Nếu những cáo buộc là đúng và nghi vấn có cơ sở xác thực thì hệ luỵ sẽ vô cùng tai hại đối với ông Trump và phe Đảng Cộng hoà trong các cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống sắp tới ở nước Mỹ.

 Ông Trump tận dụng được vụ việc này để củng cố ảnh hưởng chi phối Đảng Cộng hoà, tập hợp thống nhất bộ phận cử tri Mỹ lâu nay vẫn trung thành với mình và kích động sự chống đối ông Biden và phía Đảng Dân chủ. Tuy nhiên, vì những chuyện này mà ông Trump và phe Đảng Cộng hoà không thể chinh phục được diện cử tri trung dung hoặc ủng hộ ông Biden và Đảng Dân chủ ở nước Mỹ. Mọi bất lợi đối với Đảng Cộng hoà hiện đều có thể lợi cho Đảng Dân chủ.

Vấn đề chỉ là thời gian còn lại có đủ để ông Biden và phía Đảng Dân chủ tận lợi tối đa cục diện mới này hay không trong cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ sắp đến.