Dân Việt

Rùa đá hơn 400 năm ở Quảng Trị, 8 người bê không nổi

Ngọc Vũ 06/09/2022 13:00 GMT+7
Một cụ rùa đá có niên đại hơn 400 năm ở thôn Trà Liên Tây, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị được người dân, mạnh thường quân góp tiền xây lăng mộ để thờ tự.

Những ngày cuối tháng 8, người dân thôn Trà Liên Tây đang tất bật hoàn thành khu lăng mộ thờ rùa đá để làm lễ khánh thành. Lăng mộ rùa đá được xây dựng ngay đầu làng – nơi phát hiện mộ rùa.

Anh Trịnh Đình Thạnh – Trưởng thôn Trà Liên Tây cho biết, ngày 18/3/2013, trong quá trình làm nhà, anh Trịnh Hùng, người dân trong thôn đã đào và phát hiện mộ rùa đá.

Rùa đá hơn 400 năm ở Quảng Trị, 8 người bưng không nổi - Ảnh 1.

Mộ rùa đá cổ nằm cách cổng thôn Trà Liên Tây khoảng 10 mét, được người dân địa phương cùng mạnh thường quân tôn tạo để thờ tự. Ảnh: Ngọc Vũ.

Khi phát hiện, rùa đá nằm ở vùng đất thấp trũng, cây bụi um tùm. Xung quanh rùa đá có 4 bức tường thành.

Sống trên vùng đất thiêng, nơi chúa Nguyễn Hoàng từng đóng chân để tiếp tục công cuộc khai phá, mở mang bờ cõi về phía Nam nên người dân địa phương ý thức được, rùa đá là cổ vật của thời chúa Nguyễn. Dù rất muốn tôn tạo mộ rùa đá nhưng vì không có kinh phí nên rùa đá vẫn nằm ở đó.

Mãi đến ngày 18/3/2022, anh Trịnh Đình Thạnh mới mạnh dạn đề xuất với dân làng, vận động kinh phí từ nhiều nguồn để xây dựng lăng mộ thờ rùa đá.

Anh Thạnh cho biết, cụ rùa đá được làm bằng đá vôi, cát, vỏ hến, vỏ ốc xay nhuyễn, kết hợp với nước mía đường và cây bời lời tạo thành hợp chất đắp thành hình dáng con rùa.

Rùa đá hơn 400 năm ở Quảng Trị, 8 người bưng không nổi - Ảnh 2.

Người thôn Trà Liên Tây xem rùa đá là báu vật, hết sức bảo vệ, thờ tự. Ảnh: Ngọc Vũ.

Dù trải qua bao cuộc bể dâu, chiến tranh kéo dài nhưng rùa đá cổ vẫn giữ được nguyên vẹn, chỉ bị gãy bàn chân trái, đã được người dân tôn tạo, sửa chữa.

Cụ rùa đá cổ rộng 0,9m, dài 1,1m. Sức khoẻ của 8 thanh niên lực lưỡng vẫn không thể bê nổi cụ rùa đá.

Được phát hiện cùng với rùa đá cổ là một phần của tấm bia mộ đã bị hư hỏng nặng. Trên đó chỉ còn hai chữ, được dịch nghĩa là Việt Cố.

Dựa vào các tư liệu lịch sử, người dân Trà Liên Tây cho rằng, rùa đá và tấm bia mộ hình thành vào khoảng năm 1558, đến nay đã 464 năm.

Rùa đá hơn 400 năm ở Quảng Trị, 8 người bưng không nổi - Ảnh 3.

Rùa đó nặng, 8 thanh niên lực lượng không thể bê nổi. Ảnh: Ngọc Vũ.

"Bên cạnh tượng Thái phó Nguyễn Ư Dĩ, tước Uy Quốc Công, là cậu ruột chúa Nguyễn Hoàng, người dân làng tôi xem rùa đá là báu vật, hồn cốt của vùng đất thiêng. Để có cơ sở khoa học, dân làng rất mong nhận được sự quan tâm của cơ quan chức năng, nhà khoa học quan tâm, giúp đỡ kiểm tra niên đại của rùa đá, tấm bia và danh tính của người được thờ tự" – anh Thạnh nói.

Rùa đá hơn 400 năm ở Quảng Trị, 8 người bưng không nổi - Ảnh 4.

Trên mai rùa đá cho thấy rõ những vỏ ốc, vỏ hến. Ảnh: Ngọc Vũ.

Ông Nguyễn Hoàn – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị cho rằng, việc người dân phát hiện, tôn tạo mộ rùa đá cổ thời chúa Nguyễn Hoàng là rất đáng khích lệ. Điều đó thể hiện lòng biết ơn, đạo lý uống nước nhớ nguồn của người dân Trà Liên Tây nói riêng, dân tộc Việt Nam ta nói chung.

Rùa đá hơn 400 năm ở Quảng Trị, 8 người bưng không nổi - Ảnh 5.

Cùng với rùa đá, người dân phát hiện một phần của tấm bia mộ có chữ, được dịch là Việt Cố. Ảnh: Ngọc Vũ.

Ông Hoàn cho hay, thôn Trà Liên Tây là vùng đất thiêng, nơi chúa Nguyễn Hoàng từng đóng chân trong công cuộc vào Nam mở cõi. Ngoài rùa đá cổ, nơi đây còn lưu giữ những cổ vật. Đơn cử như bức tượng đồng đen tạc chân dung Thái phó Nguyễn Ư Dĩ, tước Uy Quốc Công, là cậu ruột chúa Nguyễn Hoàng. Tên tuổi của ông gắn liền với sự kiện chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, bắt đầu hành trình mở mang bờ cõi Tổ quốc về phía Nam của các chúa Nguyễn và vương triều nhà Nguyễn sau này.

Theo ông Hoàn, tầm vóc, giá trị lịch sử lớn lao của vùng đất Trà Liên Tây đã được khẳng định. Vì vậy, các cấp, ngành Trung ương, địa phương cần quan tâm, hỗ trợ, cùng người dân tôn tạo, bảo vệ để đất Trà Liên Tây xứng tầm với giá trị vốn có.

Rùa đá ở làng Trà Liên Tây. Clip: Ngọc Vũ.