Cú đấm đầu tiên nhằm vào bên trái mặt nam thanh niên, cú đấm thứ hai nhằm vào bên phải. Sau đó, nhiều cú đấm khác tiếp tục trúng vào mặt nạn nhân. Kẻ đánh sau đó đập mạnh đầu gối vào bụng thanh niên này trong tình trạng nạn nhân không thể tự vệ vì tay bị còng.
Trong hình ảnh nhìn thấy được từ video, kẻ tấn công dùng nắm đấm được bọc trong vải. Anh ta kéo áo nạn nhân đối mặt với máy quay và bảo anh ta nói gì đó.
"Bố ơi, con đang ở Campuchia, con không ở Trung Quốc", người thanh niên nói trong nước mắt, giọng đứt quãng và máu từ mũi chảy ra. "Con xin bố, xin bố hãy gửi tiền".
Đoạn video đòi tiền chuộc, được gửi cho cha mẹ của nạn nhân, là một trong số những video được Li (tên nhân vật đã được thay đổi), một người chuyên giúp giải cứu nạn nhân buôn người ở Campuchia, cho nhà báo của hãng tin Nikkei xem.
Đoạn video đòi tiền chuộc này được cung cấp cho Nikkei cho thấy, nam thanh niên bị còng tay, bị đánh bằng gậy trong khi các nạn nhân khác kinh hãi xem.
Một đoạn video khác cho thấy một người đàn ông cởi trần bị còng đang nằm trên đất, bị đánh bằng gậy trong khi hai người khác bị bắt, bị còng vào một tấm lưới cửa sổ gần đó, kinh hoàng lo sợ.
Trong một hình ảnh khác, một người đàn ông đang trên mặt đất, quằn quại trong đau đớn khi bị chích điện bằng Taser.
Các video hé lộ một phần thế giới đen tối dưới sự điều hành của các đường dây tội phạm đa quốc gia có thể buôn người từ Trung Quốc sang Campuchia và Myanmar.
Các nhóm tội phạm này, được biết đến chủ yếu điều hành các hoạt động cờ bạc trực tuyến, buộc những người bị bắt giữ phải thực hiện các trò gian lận trên mạng.
Các đường dây hình thành khi làn sóng tổ chức cờ bạc trực tuyến và vận hành casino chủ yếu đến từ Trung Quốc, di chuyển đến thành phố cảng Sihanoukville của Campuchia vào năm 2016.
Tội phạm khi đó thấy Campuchia là nơi thuận lợi vì thuế thấp và các quy định còn lỏng lẻo so với Philippines, nhất là thành phố Sihanoukville.
Phục vụ chủ yếu cho các con bạc từ Trung Quốc đại lục, nơi mọi hình thức cờ bạc ngoại trừ xổ số do nhà nước điều hành đều là bất hợp pháp, Sihanoukville nhanh chóng gây chú ý và được mệnh danh như "Macao của Đông Nam Á".
Theo một chuyên gia, vào thời điểm cao điểm nhất vào năm 2019, lĩnh vực trò chơi trực tuyến của thành phố này đã tạo ra hàng tỷ USD hàng năm và sử dụng hàng chục nghìn lao động.
Nhu cầu mở rộng các sòng bạc tăng vọt làm bùng nổ làn sóng xây dựng chưa từng có, thu hút nhiều lao động hơn từ Trung Quốc.
Nhưng khi thành phố phát triển nhanh chóng, kéo theo đó là tình trạng tội phạm gia tăng, tràn ra đường phố với những vụ đánh nhau, nổ súng và giết người.
"Bong bóng" này vỡ vào cuối năm 2019 khi Thủ tướng Campuchia Hun Sen nêu rõ về mối đe dọa của tội phạm có tổ chức, tuyên bố cấm đánh bạc trực tuyến. Mặc dù vậy, Campuchia vẫn được giới tội phạm xem là căn cứ để thực hiện hoạt động đánh bạc trực tuyến và lừa đảo.
Chúng bắt cóc các nạn nhân từ Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á khác. Các nạn nhân bị bắt cóc, giam giữ và cưỡng bức thực hiện các trò gian lận trên mạng.
"Rất khó để có được một bức tranh rõ ràng các con số về tình trạng này", ông Jason Tower, Giám đốc phụ trách Myanmar của Viện Hòa bình Mỹ, nhận định. Theo ông, điều rõ ràng là không có sự giám sát chặt chẽ.
Trong khi đó, ông Li ước tính ít nhất 30.000 người đã bị bán sang Campuchia, trong khi ông Chhay Kim Kheoun, phát ngôn viên của Cảnh sát Quốc gia Campuchia, phủ nhận thông tin số nạn nhân lên tới hàng nghìn. Ông cũng thừa nhận không thể đưa ra một con số cụ thể nhưng "một vài trường hợp buôn người đã xảy ra".
Ông Tower, người đã nghiên cứu hoạt động của các công ty cờ bạc trực tuyến ở Trung Quốc và Đông Nam Á, ước tính nạn nhân của các loại lừa đảo trên internet ở Trung Quốc đại lục có thể dao động từ 100.000 đến nửa triệu.
Jason Tower, người đã nghiên cứu hoạt động của các công ty cờ bạc trực tuyến ở Trung Quốc và Đông Nam Á, ước tính số nạn nhân của có thể đạt từ 100.000 tới nửa triệu người. Theo ông, quảng cáo tuyển dụng trên mạng xã hội đang nhằm dụ dỗ người lao động Trung Quốc sang Campuchia và Myanmar có liên quan đến mạng lưới tội phạm.
"Đây là một vấn đề lớn", ông nói. "Tôi nghĩ chúng ta không thể biết chính xác mức độ nghiêm trọng của tình hình vào thời điểm hiện nay", ông nhận định.
Vào ngày thứ hai ở Campuchia, Hua (tên nạn nhân đã thay đổi) nhận ra mình bị bán và giam cầm.
Người đàn ông 29 tuổi đang ở đâu đó ở tỉnh duyên hải Preah Sihanouk, nhưng không thể nhìn thấy biển. Anh đoán có khoảng 1.000 người trong khu nhà có tường bao quanh, được tạo thành phần lớn từ các tòa nhà hai tầng mà đối với anh giống như một khu phố từ quê hương Trung Quốc. Có rất ít thứ khác xung quanh.
Một người giám sát đã đưa cho anh một điện thoại di động, một máy tính và yêu cầu anh tải xuống các ứng dụng mạng xã hội của Trung Quốc. Mỗi ngày, anh được giao nhiệm vụ kết bạn với phụ nữ ở Trung Quốc, lấy lòng tin của họ và lôi kéo họ đầu tư vào tiền điện tử.
Vài ngày một lần, các ông chủ tổ chức sẽ họp bàn việc. Người có thu nhập tốt sẽ được thưởng trong khi làm không đạt yêu cầu sẽ bị đánh. "Chúng tôi chỉ có việc ngủ, ăn hoặc làm việc", anh nói với báo Nikkei.
Những người ở đây thường xuyên hứng chịu bạo lực và tra tấn. Chúng đôi khi quay phim lại hình ảnh đó và gửi cho người thân để yêu cầu họ gửi tiền chuộc. Một số người đã thiệt mạng và thường là tự tử, theo các công nhân đã trốn thoát.
Một số được mua đi bán lại giữa các công ty. Giá khởi điểm khoảng 8.000 USD nhưng thay đổi tùy thuộc vào khả năng tài chính của gia đình nạn nhân.
Các nhóm này được gọi chung là điều hành các hoạt động cờ bạc trực tuyến nhưng trong danh mục đó tồn tại một loạt các hoạt động, bao gồm các trang web cung cấp các trò chơi sòng bạc trực tiếp cho người chơi ở Trung Quốc đại lục cho đến các trò lừa đảo qua điện thoại, mạng internet.
Các mạng lưới này chủ yếu do công dân Trung Quốc đứng đầu, nhưng cũng có những nhóm do những người từ các nước khác ở Đông Nam Á điều hành.
Quy mô của ngành công nghiệp bất chính này rất lớn nhưng khó có thể bị đánh gục dù chính phủ Campuchia đã nỗ lực trấn áp mạnh mẽ.
Kể từ năm 2020, cảnh sát Trung Quốc đã bắt giữ hơn 130.000 người có liên quan đến 24.000 vụ đánh bạc xuyên biên giới. Trung Quốc cũng nỗ lực tăng cường trấn áp hoạt động tội phạm cờ bạc trực tuyến này.
Theo bình luận của Liao Jinrong, Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế thuộc Bộ Công an Trung Quốc đưa ra vào năm 2020, nhóm tội phạm này có liên quan đến hơn 145 tỷ USD dòng tiền bất hợp pháp từ đại lục.
Bắc Kinh đã nhắm mục tiêu vào các dịch vụ thanh toán được các nhóm này sử dụng để chuyển tiền ra nước ngoài và công bố "danh sách đen" gồm các quốc gia được gọi là điểm đến đánh bạc, theo đó họ sẽ áp đặt các hạn chế.
Trong khi danh sách này chưa được công khai, Đông Nam Á đang ở trong tình trạng nguy hiểm.
Trong một bài báo năm 2020, Tower và Priscilla Clapp đến từ USIP, đã theo dõi sự phát triển của các "thành phố cờ bạc" được hỗ trợ bởi các nhà đầu tư Trung Quốc.
Lệnh cấm của Thủ tướng Hun Sen đã khiến nhiều nhóm đứng sau sự bùng nổ cờ bạc ở Campuchia chuyển đến Myanmar, đặc biệt là các khu vực biên giới dưới sự kiểm soát của các lực lượng vũ trang dân tộc thiểu số, Tower và Clapp cho biết.
Những chính sách phong tỏa do đại dịch cũng khiến các nạn nhân được giải cứu trở về Trung Quốc khó khăn hơn. Kinh tế bị ảnh hưởng sau đại dịch cũng đã làm trầm trọng thêm tình trạng khó khăn về kinh tế khiến nhiều người ngay từ đầu đã sa vào lời mời làm việc của những kẻ buôn người.
Tuyệt vọng vì bị mất việc do đại dịch khiến ông Zhang (tên nạn nhân đã thay đổi) đã chấp nhận làm nhân viên bảo vệ ở Campuchia với mức 4.000 USD mỗi tháng.
"Tôi cần một khoản thu nhập để nuôi gia đình", ông nói, "vì vậy tôi quyết định đi". Nhưng cuối cùng ông bị ép làm công việc lừa đảo công dân ở Trung Quốc trên các nền tảng mạng như Lvzhou.
Ông được thả vào cuối tháng 6 khi gia đình trả 5.000 USD tiền chuộc.