Mới đây bệnh viện tiếp nhận, điều trị một nữ bệnh nhân 32 tuổi bị nhiễm trùng, sưng nề vùng âm đạo sau phẫu thuật thu hẹp, làm đẹp vùng kín tại một cơ sở không phép.
Nữ bệnh nhân sau sinh một con luôn cảm thấy tự ti khi gần gũi chồng. Chị đã làm đủ cách như bôi thuốc, tập các bài tập cho vùng chậu... nhưng vẫn luôn cảm thấy vùng kín quá rộng sau khi sinh cậu bé bụ bẫm.
Vì thế, khi nghe một spa quảng cáo dịch vụ se khít vùng kín, thu nhỏ âm đạo, với lời khẳng định thủ thuật đơn giản, ít đau đớn, làm xong về nhà ngay, chị đã mạnh dạn đi làm thủ thuật.
Gần 1 giờ thực hiện thu nhỏ âm đạo, về nhà người phụ nữ thấy chảy máu khá nhiều ở vùng kín. Khi tái khám lại spa, chị được nhân viên giải thích tình trạng chảy máu có thể kéo dài 2-3 hôm sau thủ thuật. Nhưng sau chị lại thấy hâm hấp sốt, vùng kín sưng nề nên vội đến Bệnh viện Da liễu Trung ương thăm khám.
Nữ bệnh nhân đã phải nhập viện, xử lý vùng sưng nề nhiễm trùng, điều trị dự phòng nhiễm trùng toàn thân.
Theo BS Sơn, nhu cầu làm đẹp của chị em phụ nữ là chính đáng. Nhưng có một thực tế, hầu hết mọi người nghĩ đi làm đẹp là tới spa, trong đó có cả những can thiệp y tế vốn phải thực hiện tại bệnh viện, và chỉ khi gặp tai biến phải xử lý, mọi người mới đến bệnh viện để khắc phục hậu quả.
Như trường hợp người phụ nữ này, thực hiện thủ thuật thu hẹp, làm hồng cô bé tại một spa không phép đã gây chảy máu, nhiễm khuẩn sưng nề.
"Tất cả can thiệp trên cơ thể, nếu làm trong môi trường, điều kiện không đảm bảo, tuân thủ chặt vô khuẩn nguy cơ nhiễm khuẩn tại chỗ, từ đó có thể gây nhiễm khuẩn toàn thân, điều trị kháng sinh dài ngày mới khỏi. Còn vùng nhiễm khuẩn có thể để lại sẹo, khiến việc làm đẹp lại để lại hậu quả là xấu hơn cả trước làm đẹp", BS Sơn chia sẻ.
Trong thủ thuật thu hẹp, làm đẹp cô bé, các trường hợp gặp tai biến không phải là ít. Các trường hợp cấp tính, chảy máu ngay sau can thiệp thường được bác sĩ xử lý kịp thời. Nhưng nhiều trường hợp khi về nhà mới xuất hiện tình trạng chảy máu, sưng nề phải đến bệnh viện xử lý.
BS Sơn lưu ý thêm, để thực hiện thu nhỏ, làm hẹp âm đạo, chỉ có thể thực hiện phẫu thuật. Còn thực hiện laser chỉ có công dụng làm săn chắc hơn. Các phương pháp khác như bôi gel, viên uống, đặt... đều mang tính hỗ trợ.
"Trong phẫu thuật không chỉ cắt bỏ một phần da, niêm mạc, mà các bác sĩ phải thu hẹp cơ vòng mới mang lại tác dụng thực sự", BS Sơn nói.
Một trường hợp khác đến viện trong tình trạng 2 núm vú bị tổn thương đỏ, sưng nề, nổi mụn nước sau khi làm dịch vụ làm hồng nhũ hoa. Xét nghiệm hướng tới nhiều khả năng nhiễm herpes.
Theo PGS.TS Lê Hữu Doanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, làm đẹp là nhu cầu không thể thiếu với con người, vì vậy, việc làm đẹp phải đảm bảo an toàn.
Các tai biến do thực hiện các thủ thuật làm đẹp, 99% là bệnh nhân làm tại các cơ sở spa, cơ sở chăm sóc sắc đẹp không được phép thực hiện như tiêm filler, can thiệp có xâm lấn. Người dân cần lưu ý, tiêm filler không phải là thủ thuật ai cũng có thể thực hiện, chỉ bác sĩ được cấp phép, chứng chỉ mới có thể thực hiện vì nó có thể gây ra các tai biến nguy hiểm, như mù mắt, thậm chí tử vong sau tiêm filler do tắc mạch máu.
Theo PGS Doanh, các ca tai biến này cho thấy một xu hướng làm đẹp thiếu an toàn. Vì thế mỗi người cần tìm hiểu, tư vấn ý kiến của bác sĩ, lựa chọn các cơ sở được cấp phép để làm đẹp an toàn, phòng nguy cơ gặp tai biến khi làm đẹp.