Sáng 29/8, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Pháp lệnh này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV thông qua tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8, ngày 18/8. Pháp lệnh có hiệu lực từ ngày 1/9.
Với 4 chương, 48 điều, trong đó điều 6 của Pháp lệnh, quy định mức phạt tiền tối đa đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cá nhân đến 40 triệu đồng, mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi cản trở hoạt động tố tụng của tổ chức đến 80 triệu đồng.
Ông Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao, cho biết thực tiễn xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động tố tụng cho thấy hành vi cản trở hoạt động tốt tụng xảy ra ngày càng nhiều, có xu hướng gia tăng, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ việc, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giải quyết vụ việc của cơ quan, người có thẩm quyền, tính tôn nghiêm và quyền uy của tư pháp.
Trong khi đó, pháp luật nước ta chưa có văn bản quy định có hệ thống về việc xử phạt các hành vi cản trở hoạt động tố tụng mà chỉ có một số quy định chung, chưa cụ thể, nằm rải rác trong Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.
"Việc ban hành một văn bản pháp luật thống nhất và chi tiết, tạo cơ sở pháp lý để lý nghiêm những hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong tố tụng và ý thức chấp hành pháp luật, phòng ngừa những vi phạm có thể xảy ra... là rất cần thiết", ông Nguyễn Trí Tuệ nhấn mạnh.
Tại buổi họp báo, phóng viên đặt câu hỏi xoay quanh quy định xử phạt trường hợp ghi âm, ghi hình tại phiên toà khi được sự cho phép, vậy người làm báo khi tác nghiệp, muốn ghi âm ghi hình sẽ phải xin phép như thế nào? Ghi âm, ghi hình bị xử phạt, vậy livestream sẽ bị xử phạt ra sao? Vì sao trong nhiều hành vi, luật sư lại bị xử phạt nặng hơn những người khác?
Trả lời các vấn đề đặt ra, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết, những vấn đề này được đưa ra và bàn luận rất nhiều trong quá trình soạn thảo pháp lệnh. Theo ông Tuệ, trong ba luật về tố tụng dân sự, hành chính và hình sự đều quy định, nhưng chỉ nêu nguyên tắc cơ bản, quy định chung, chưa có quy định cụ thể, nên phải ban hành pháp lệnh này. "Cái gì chưa rõ chúng ta phải làm, phải hướng dẫn tiếp", ông Tuệ nhấn mạnh.
Phó Chánh án cũng nhấn mạnh, việc ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý để bảo đảm quyền con người. Báo chí có quyền của báo chí, nhưng người khác cũng có quyền của công dân. Công dân khi thực hiện quyền người này không được xâm phạm đến quyền của người khác.
"Ghi âm, ghi hình, điều quan trọng là người ta có đồng ý không, cái này luật quy định chứ không phải chúng tôi vẽ ra, làm khó cơ quan báo chí", ông Tuệ nói.
Về lý do luật sư bị xử phạt nặng hơn trong cùng hành vi vi phạm, ông Tuệ lý giải, luật sư là người am hiểu luật, họ phải làm gương, nên khi vi phạm, mức phạt sẽ phải nặng hơn.
"Như Tổng Bí thư nói, người làm công tác chống tham nhũng mà tham nhũng thì xử nặng hơn người bình thường, ở đây cũng vậy", ông Tuệ cho hay.
Đối với việc luật sư vi phạm có bị tước giấy phép hành nghề hay không, ông Nguyễn Trí Tuệ cho biết sẽ xử lý theo Nghị định 82 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp.
Tại Pháp lệnh, các hành vi cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, người có thẩm quyền; lôi kéo, xúi giục, lừa dối, mua chuộc, đe dọa hoặc sử dụng vũ lực buộc người khác tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật sẽ bị phạt tiền 5-15 triệu đồng. Cùng hành vi nay, luật sư sẽ bị xử phạt từ 15-30 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Pháp lệnh quy định người tham gia tố tụng (trừ luật sư) tiết lộ bí mật điều tra mặc dù đã được điều tra viên, cán bộ điều tra, kiểm sát viên hoặc kiểm tra viên yêu cầu phải giữ bí mật sẽ bị phạt tiền 4-8 triệu đồng. Cùng với hành vi này, luật sư sẽ bị phát từ 8-15 triệu đồng.
Một quy định khác của Pháp lệnh là người tham gia tố tụng (trừ luật sư) xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng sẽ bị phạt 3-7 triệu đồng. Trong khi đó, nếu chủ thể vi phạm là luật sư, mức xử phạt sẽ là 15-30 triệu đồng.
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Trí Tuệ đã nhấn mạnh, để đảm bảo nguyên tắc mọi hành vi vi phạm pháp luật phải được xử lý đúng với tính chất, mức độ vi phạm theo pháp luật hành chính và hình sự nên Pháp lệnh đã quy định: Khi xem xét vụ vi phạm để quyết định xử phạt hành chính, nếu xét thấy hành vi vi phạm quy định tại Pháp lệnh có dấu hiệu tội phạm thì người có thẩm quyền xử phạt phải chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự.