“Vụ án xâm hại nhân thân, nhân phẩm mà cứ livestream hết lên mạng là vi phạm”

Thứ năm, ngày 18/08/2022 14:41 PM (GMT+7)
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh điều này khi đề cập đến quy định liên quan ghi âm, ghi hình tại phiên tòa.
Bình luận 0

Sáng 18/8, tiếp tục Phiên họp chuyên đề pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo pháp lệnh do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày cho biết, liên quan quy định về hành vi ghi âm lời nói, ghi hình ảnh tại phiên tòa, có ý kiến đề nghị rà soát để bảo đảm thống nhất với các luật tố tụng.

“Vụ án xâm hại nhân thân, nhân phẩm mà cứ livestream hết lên mạng là vi phạm” - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga

Theo bà Lê Thị Nga, nội quy phiên tòa, Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính đều có quy định "Nhà báo ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa. Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của đương sự, người tham gia tố tụng khác phải được sự đồng ý của họ". Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng hình sự chỉ quy định chung: "Mọi người trong phòng xử án phải tôn trọng Hội đồng xét xử, giữ gìn trật tự và tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa".

Vì vậy, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để bảo đảm quy định thống nhất giữa pháp lệnh với các luật tố tụng về hành vi vi phạm nội quy phiên tòa, khoản 4 Điều 23 về phạt tiền từ 1-7 triệu đồng, điểm c và điểm d được chỉnh lý như sau: " Ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử mà không được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa hoặc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tham gia tố tụng mà không được sự đồng ý của họ trong phiên tòa xét xử vụ án dân sự, vụ án hành chính; không tuân theo sự điều hành của Chủ tọa phiên tòa về hoạt động ghi âm lời nói, ghi hình ảnh trong phiên tòa xét xử vụ án hình sự".

Phát biểu tại phiên họp, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, sau phiên họp ngày 15/8, đã có một số nhà báo gọi điện cho ông, hỏi tại sao dự thảo pháp lệnh không cho nhà báo ghi âm, ghi hình, livestream.

“Vụ án xâm hại nhân thân, nhân phẩm mà cứ livestream hết lên mạng là vi phạm” - Ảnh 2.

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình

"Tôi có giải thích, nhà báo có quyền như vậy nhưng người khác cũng có quyền rất thiêng liêng. Chẳng hạn, anh có một người em gái đang liên quan đến vụ án hôn nhân, trước phiên tòa em gái anh trình bày lý do tại sao ly hôn, tài sản có cái gì, tiền bạc bao nhiêu mà không chia..., nếu có ai đó livestream toàn bộ tài sản em của anh lên trên mạng cho cả thế giới biết thì anh có chịu được không, anh có đồng ý không? Một nguyên tắc lớn ở đây là bảo vệ quyền con người, anh không thể sẵn sàng ghi âm, ghi hình để đưa câu chuyện này lên trên mạng được, luật quy định là để bảo vệ quyền riêng tư của con người", Chánh án TAND tối cao nói.

Hay hai bên tranh chấp về hợp đồng, tài sản ký kết bao nhiêu mà livetream đưa hết lên mạng, không được phép của người dân và những người tham gia phiên tòa là vi phạm quyền nhân thân. Kể cả trong vụ án hình sự cũng vậy, không chỉ có bị can, bị cáo - những người bị hạn chế quyền con người, mà có cả bị hại, người làm chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng có quyền bảo vệ bí mật tài sản của người ta.

"Các vụ án xâm hại nhân thân, xâm hại nhân phẩm mà bây giờ cũng ghi âm, ghi hình, livestream đưa hết lên mạng là câu chuyện vi phạm quyền con người. Pháp luật chúng ta cũng như các nước trên thế giới quy định chuyện này là xuất phát từ việc bảo vệ quyền con người", ông Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.

Khẳng định việc livestream, ghi âm, ghi hình mà không được sự cho phép của Chủ tọa là không được, Chánh án TAND tối cao mong người dân và truyền thông tôn trọng, chia sẻ áp lực của các Thẩm phán khi đứng trước mục tiêu lớn là phải đưa ra phán quyết đúng đắn liên quan các sinh mạng và bảo đảm quyền con người.

“Vụ án xâm hại nhân thân, nhân phẩm mà cứ livestream hết lên mạng là vi phạm” - Ảnh 3.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng

Liên quan thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan có liên quan rà soát và chỉnh lý dự thảo Pháp lệnh, bổ sung Điều 32, Điều 40 và khoản 9 Điều 41 quy định thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong tất cả các giai đoạn tố tụng (từ giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử), trừ các vụ án thuộc thẩm quyền của các cơ quan tư pháp trong quân đội.

Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết với 100% thành viên có mặt tán thành thông qua Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

Ngọc Thành (VOV)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem